Trẻ sinh ra có thể mắc các bệnh tình dục như giang mai, HIV, viêm gan B, lậu do người mẹ lây truyền sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho bú.
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) thường lây truyền khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng không có biện pháp bảo vệ với người nhiễm bệnh. Một số bệnh có thể truyền sang thai nhi, số khác lây truyền khi trẻ chào đời bằng phương pháp sinh thường, đôi khi có thể theo hai cách này.
STI có thể truyền sang trẻ sơ sinh bao gồm giang mai, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), viêm gan B, viêm gan C, virus herpes simplex (HSV), virus gây u nhú ở người (HPV), bệnh lậu, bệnh chlamydia, trichomonas.
Trong giai đoạn thai kỳ, nếu người mẹ mắc bệnh tình dục không được điều trị, STI có thể gây ra những tác động tiêu cực như sinh non (chuyển dạ trước 37 tuần thai), vỡ ối sớm, viêm màng ối, bệnh viêm vùng chậu, sảy thai hoặc thai lưu. Người mẹ cũng gia tăng nguy cơ nhiễm HIV.
Trẻ có thể nhiễm các bệnh tình dục từ khi còn là thai nhi nếu người mẹ mắc STI mà không điều trị. Ảnh: Ngọc Phạm
Với trẻ sơ sinh, STI có thể gây ra các vấn đề ngay từ khi sinh ra hoặc vài tháng đến nhiều năm sau khi chào đời như:
Sinh non hoặc nhẹ cân: Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến chậm phát triển về sau và các vấn đề sức khỏe cho trẻ.
Nhiễm trùng: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến nhiễm trùng cấp tính ở mắt, phổi, máu và khớp. Một số khác gây ra bệnh mạn tính.
Trẻ sơ sinh nhiễm HIV không được chẩn đoán hoặc điều trị làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể dẫn đến AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Điều này khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng. HIV cũng có thể gây ra bệnh ở não.
Mắc bệnh hoặc tổn thương nội tạng: Trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai không được điều trị có thể bị tổn thương nội tạng, xương hoặc não. Bệnh cũng có thể khiến trẻ mù, điếc, thiếu máu, phát ban, viêm màng não và các vấn đề về thần kinh. Trẻ nhiễm viêm gan từ mẹ có thể dẫn đến bệnh gan, tổn thương hoặc ung thư gan.
Trong giai đoạn cho bú, người mẹ nhiễm STI có thể ảnh hưởng đến trẻ hoặc không tùy loại bệnh.
Người mẹ mắc bệnh chlamydia, lậu, nhiễm HPV có thể cho trẻ bú vì bệnh không truyền qua sữa mẹ. Nhiều loại kháng sinh điều trị các bệnh này cũng an toàn khi cho con bú.
Mẹ mắc giang mai hoặc herpes cũng có thể cho con bú, miễn em bé hoặc đồ dùng cho bú không tiếp xúc với vết loét hở. Người mẹ có thể truyền virus viêm gan B sang con qua sữa mẹ. Tuy nhiên, việc cho trẻ bú sữa mẹ là an toàn nếu trẻ sơ sinh được chủng ngừa viêm gan B trong vòng 12-24 giờ sau khi sinh.
Mẹ bị HIV nên tránh cho con bú vì virus có thể truyền sang con qua sữa mẹ.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục là cách tốt nhất để giảm các biến chứng và lây truyền sang trẻ. Tuy nhiên, nhiều bệnh tình dục không gây ra triệu chứng trong thời gian dài, do đó phụ nữ nên sàng lọc và xét nghiệm STI trước khi kết hôn hoặc có kế hoạch mang thai.
Người nghi ngờ phơi nhiễm với STI nên cùng bạn tình đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị với bệnh chlamydia, lậu, giang mai và trichomonas. Đôi khi việc điều trị được chỉ định cho cả mẹ và trẻ. Ví dụ, người mẹ mắc bệnh lậu sẽ được dùng thuốc kháng sinh đường uống và trẻ sẽ được bôi thuốc mỡ kháng sinh vào mắt sau khi sinh.
Hiện không có cách chữa trị khi nhiễm herpes, viêm gan B và HIV. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng kháng virus và kháng thể làm giảm đáng kể tác động lên người mẹ và nguy cơ truyền bệnh cho con.