Sữa là loại thực phẩm rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, hầu hết các loại sữa đều có chứa đường. Do đó việc chọn sữa đối với mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ thực sự một lựa chọn khó khăn.
Lượng đường trong máu có mối quan hệ phức tạp với carbohydrate hấp thụ vào cơ thể. So với protein và chất béo, carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu. Do vậy người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể.
Để duy trì đường huyết ổn định, người bệnh nên hạn chế ăn thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate tinh chế, chế biến và thực phẩm chứa nhiều đường.
Sữa và chế phẩm sữa là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật.
Tuy nhiên, tất cả các loại sữa đều có chứa đường. Sữa có chứa lactose, là một loại đường tự nhiên cung cấp năng lượng cho cơ thể nên góp phần vào tổng lượng carbohydrate tiêu thụ hàng ngày. Vậy phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ nên uống sữa như thế nào để không bị tăng lượng đường trong máu và có một thai kỳ khỏe mạnh?
Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
1. Nguyên tắc chọn sữa cho mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ
Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ nên chọn sữa theo nguyên tắc sau:
- Mẹ bầu cần chọn loại sữa không đường hoặc ít đường để tránh làm tăng đường máu.
- Chọn loại sữa ít béo hoặc không có chất béo để tránh gây tăng cân nhiều và làm nặng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu.
- Với trường hợp mẹ bầu có biểu hiện không dung nạp được đường lactose trong sữa. Dấu hiệu không dung nạp lactose là hay bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy sau khi uống sữa. Trường hợp này nên chọn những loại sữa không có chứa đường lactose.
- Cần chọn loại sữa có thương hiệu uy tín, được cấp phép để đảm bảo chất lượng an toàn khi sử dụng.
2. Một số loại sữa tốt cho mẹ bầu bị đái đường thai kỳ
2.1. Sữa tươi không đường
Sữa tươi không đường và các loại chế phẩm từ sữa không đường như phô mai, sữa chua là loại sữa ít ảnh hưởng đến đường huyết nhất được các bác sĩ dinh dưỡng khuyên dùng do có chứa hàm lượng đường thấp nhưng vẫn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết tốt cho sức khỏe bà bầu và sự phát triển của thai nhi.
2.2. Sữa dành cho người đái tháo đường
Sữa dành cho người đái tháo đường được sản xuất có chỉ số đường huyết thấp phù hợp với những mẹ bầu trong thời kỳ ốm nghén, ăn kém, cần tăng cân.
Cần lưu ý khi dùng sữa dành cho người đái tháo đường đã được tính toán đầy đủ lượng đường và năng lượng thay thế cho 1 bữa ăn, nên các mẹ bầu không ăn thêm thực phẩm khác khi đã uống loại sữa này.
2.3. Các loại sữa hạt
Sữa hạt là loại thức uống được chế biến từ các loại hạt, có thể là hạt ngũ cốc như: vừng, gạo, ngô, yến mạch…; các loại đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ… hay các loại hạt dinh dưỡng giàu chất béo như: hạt mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều…
Vì các loại hạt là thực phẩm tự nhiên có chỉ số đường huyết thấp nên uống sữa hạt sẽ rất ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ nên chọn sữa không đường, sữa hạt.
3. Lượng sữa nên bổ sung mỗi ngày là bao nhiêu?
Theo khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam của Viện dinh dưỡng Quốc gia, một đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg canxi, tương đương với:
01 miếng phô mai có trọng lượng bằng 15g
01 hộp sữa chua 100g
01 cốc sữa dạng lỏng 100ml. Sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột pha có hàm lượng canxi là 100mg canxi trong 100ml sữa
- Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Nên sử dụng 3 đơn vị sữa và chế phẩm sữa một ngày. Nên sử dụng phối hợp cả 3 sản phẩm sữa.
- Phụ nữ có thai 3 tháng giữa: sử dụng 5 đơn vị/ngày.
- Phụ nữ có thai 3 tháng cuối: sử dụng 6 đơn vị/ngày.
Uống sữa vào thời gian nào?
Mẹ bầu có thể uống sữa vào bữa ăn phụ hoặc cùng bữa ăn chính nếu như không bổ sung đủ lượng tinh bột cho bữa chính. Với những mẹ bầu đang tiêm insulin có thể cần uống sữa vào buổi tối trước khi ngủ để phòng hạ đường huyết.