Mẹ bầu cần chú ý nạp đủ vitamin D để không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Sinh ra một em bé khỏe mạnh, thong minh là niềm mong mỏi của tất cả các cặp đôi. Tuy nhiên có được điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như gen di truyền từ ông bà, cha mẹ; môi trường sống của mẹ khi mang bầu; chế độ ăn uống, sinh hoạt của người mẹ…
Chị em phụ nữ luôn được cảnh báo rằng trước và trong thai kỳ không nên uống rượu, hút thuốc lá, thậm chí là ăn pho mát chưa tiệt trùng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, ngoài những điều trên, còn rất nhiều thói quen, việc làm của mẹ có thể gây hại cho em bé trong bụng. Hãy cùng điểm danh những thói xấu này và chị em cần tránh xa trước và trong thai kỳ nhé!
Không giảm cân trước khi mang thai
Mẹ béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc sinh non cũng như nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường đối với em bé sau khi chào đời. Nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra mối liên quan giữa trọng lượng bà bầu với nguy cơ bé mắc bệnh hen suyễn.
Một nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng 1 cho hay, 12% của 1.100 trẻ sơ sinh sinh ra từ các bà mẹ béo phì bị thở khò khè thường xuyên trong 14 tháng đầu đời.
Theo tiến sĩ Jennifer Wu – làm việc tại bệnh viện Lenox Hill ở New York, tập thể dục thường xuyên là phương pháp cần thiết cho những bà mẹ béo phì. Nếu không tập luyện được thường xuyên thì chị em cũng cần đi bộ khoảng 20 phút mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh cho cả mẹ và bé.
Tập thể dục thường xuyên là phương pháp cần thiết cho những bà mẹ béo phì. (ảnh minh họa)
Uống cà phê
Theo các chuyên gia khoa sản, sử dụng cà phê quá nhiều trong thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi nhưng lượng bao nhiêu là nhiều thì vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Các bác sĩ tại trường cao đẳng sản phụ khoa Mỹ đã khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai chỉ nên dung nạp tối đa 200mg/ ngày. Một nghiên cứu mới đây cúng cho biết mẹ bầu uống nhiều cà phê sẽ khiến sinh ra những đứa con nhẹ hơn bình thường.
Tiếp xúc khói thuốc lá
Mẹ hút thuốc lá thường xuyên từ lâu đã được biết đến là có liên quan đến căn bệnh hen suyễn và khó thở ở trẻ em, nhưng nghiên cứu mới đây đã khẳng định rằng ngay cả khi mẹ bầu tiếp xúc với khỏi thuốc cũng có thể khiến trẻ khi chào đời mắc những triệu chứng trên.
Một nghiên cứu được thực hiện với các mẹ bầu ở Trung Quốc chỉ ra rằng trẻ em sinh ra từ những người mẹ ngửi khói thuốc lá thường xuyên sẽ có nhận thức kém hơn gấp 2 lần trẻ được sinh ra từ những người mẹ không ngửi khói thuốc.
Không nạp đủ vitamin D
Một việc làm sai lầm của các thai phụ là không chịu tắm nắng và cứ đi ra ngoài là che đậy hết cơ thể để nắng không thể len lỏi vào được. Làm việc văn phòng nhiều cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều mẹ bầu bị thiếu vitamin D.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, sự thiếu hụt vitamin D có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé và gây ra những nguy cơ như bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Sự thiếu hụt vitamin D có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. (ảnh minh họa)
Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Theo thống kê, hơn 13% phụ nữ mang thai sử dụng thuốc chống trầm cảm. Việc làm này có thể tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mẹ hấp thụ quá nhiều chất serotonin trong thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, dị tật bẩm sinh thai nhi, sinh non và trẻ bị tự kỷ.
Ăn thịt tái sống
Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 1.600 người bị nhiễm bệnh listeriosis do ăn uống không đảm bảo vệ sinh mà cụ thể là ăn thịt tái sống. Nguy cơ mắc bệnh listeriosis trong thai kỳ có thể nhỏ nhưng hậu quả thì vô cùng nặng nề. Mẹ bầu bị nhiễm trùng listeria có thể dẫn đến sinh non, trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng hoặc thai nhi chết lưu.
Những loại thịt chế biến sẵn, thịt nướng, xúc xích, cá hồi hun khói, rau củ chưa rửa sạch… có thể làm mẹ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn listeria. Vì vậy mẹ bầu cần tiệt trùng rau củ quả và nấu chin thịt ở nhiệt độ 150 độ C.
Sống trong môi trường ô nhiễm
Ô nhiễm không khí do giao thông, khói công nghiệp, bụi bẩm… có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Nguy cơ có thể xảy ra khi mẹ sống trong môi trường bị ô nhiễm là thai nhi nhẹ cân.
Nói thế không có nghĩa là khi mang bầu phải thay đổi môi trường sống. Mẹ chỉ cần lưu ý tránh làm việc với hóa chất độc hại, không ra đường trong giờ cao điểm và tránh những đoạn đường có nhiều xe tải chạy.
Một nghiên cứu được công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, mẹ bầu ăn nhiều rau, trái cây có thể giúp bảo vệ và chống lại tác động của ô nhiễm không khí.