Thực hư chuyện mẹ nghén, con kém khôn

Ngày 09/01/2014 05:00 AM (GMT+7)

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, không có chuyện ốm nghén triền miên khiến con kém khôn.

Một độc giả tâm sự: "Em cứ nghĩ rằng đến tháng thứ 4 thì sẽ bớt nghén ngẩm nhưng giờ đã là tuần 16 rồi mà em vẫn nghén đều các chị ạ. Mỗi buổi sáng khi ngủ dậy, em chẳng dám đánh răng vì sợ nôn ói. Chỉ cần bước vào nhà tắm là em đã nôn rồi, chỉ nôn khan thôi nhưng cũng mất đến 15 phút. Em vẫn không ăn uống được nhiều, cũng chẳng uống sữa bầu".

Độc giả này băn khoăn khi nghe được: "Hôm qua mẹ chồng em sang chơi, thấy em không tăng cân bà đã tỏ ra trách mắng em là không biết tự chăm sóc bản thân. Bà bảo em không tăng cân thế thì con sẽ không phát triển được, có khi con còn có vấn đề, em lo quá".

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: “Đó là truyền đạt theo kinh nghiệm vậy thôi, chứ chưa có ai nghiên cứu hay công trình chứng minh ốm nghén nhiều khiến con kém khôn. Ốm nghén thực chất là khi có thai cơ thể mẹ có vật lạ nên cơ thể phản ứng lại, chứ không liên quan gì đến chuyện trẻ thông minh hay không”.

Theo bác sĩ Thanh Hà, không ốm nghén là điều đáng mừng ở góc độ ăn uống. Nếu không ốm nghén thì mẹ ăn uống sẽ dễ dàng hơn, không bị nôn khi ăn, con tiếp nhận được nhiều chất dinh dưỡng. Còn nếu mẹ bị ốm nghén thì ăn uống sẽ bị nôn, sợ món nào đó thì việc tiếp nhận chất dinh dưỡng của con sẽ ít hơn, vì vậy cần chế độ ăn hợp lý.

“Có người khi ốm nghén sợ ăn món này nhưng lại thích một món ăn nào đó. Chính vì vậy, người mẹ nếu sợ món ăn nào thì cần chọn món ăn khác thay thế. Ví dụ, sợ ăn thịt gà, thịt bò thì thay bằng thịt lợn hay trứng…”, bác sĩ Hà cho hay.

Thực hư chuyện mẹ nghén, con kém khôn - 1
Trong khi mang thai, bà bầu lưu ý chỉ ăn những đồ ăn đó không ảnh hưởng thai nghén như không cay quá, không mặn quá, tránh xa rượu, bia, thuốc lá… (ảnh minh họa)

Trong khi mang thai, bà bầu lưu ý chỉ ăn những đồ ăn đó không ảnh hưởng thai nghén như không cay quá, không mặn quá, tránh xa rượu, bia, thuốc lá… Trong 3 tháng đầu, cần ăn uống đủ chất, bổ sung axitfolic, sắt và canxi.

Ngoài ra, bác sĩ Hà khuyên thêm, trong ba tháng đầu, bà bầu cần đảm bảo sức khỏe tốt, có bất cứ bệnh lý gì thì phải khám để chữa trị kịp thời. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn phải dành riêng cho bà bầu chứ không phải ăn như bình thường.

Trong tư vấn cách đây không lâu, Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ – Hiện công tác tại phòng khám Sản Phụ khoa Song Hà) cũng đưa ra lời khuyên để bà bầu có thể hạn chế hiện tượng nôn ói, buồn nôn, ốm nghén bằng những cách thông dụng sau: 

- Ăn ít thực phẩm và chia thành nhiều bữa trong ngày, ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu.

- Tránh xa các loại thực phẩm kích thích dạ dày như chất béo, đồ chiên, đồ có mùi khó chịu.

- Ăn uống những thực phẩm có chứa gừng, hoặc ngậm những lát gừng tươi cũng giảm được chứng nôn ói.

- Uống nhiều nước

- Tránh thức ăn và mùi làm bạn tăng cảm giác buồn nôn. Tránh ngửi mùi làm bạn khó chịu.

“Nếu bà bầu bị nôn nhiều, không ăn uống được sẽ không đủ chất cung cấp nuôi dưỡng cho cơ thể bạn và em bé. Ngoài ra, việc bị nôn nhiều, ăn ít, thậm chí không ăn được nên nếu kéo dài, cơ thể mẹ sẽ bị mất nước, thiếu chất dinh dưỡng, chất điện giải, dẫn đến suy kiệt, sút cân, ảnh hưởng tới cả thai nhi. Thường những trường hợp này cần bù lại nước, điện giải và bác sĩ có thể cho một số loại thuốc giảm nghén. Nếu tình trạng nghén quá nặng, không thể ăn, uống gì được mà nôn liên tục, bạn cần nhập viện để được các bác sĩ điều trị tích cực", bác sĩ Song Hà nói thêm.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia