Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện trong quá trình mang thai và sẽ biến mất sau khi sinh với các dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng cao sẽ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe mẹ và bé.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung - Phó khoa Phụ sản hiếm muộn - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt- Bỉ. |
Bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung |
Tiểu đường trong thai kỳ thường dễ xảy ra với những phụ nữ thừa cân, có người thân bị đái tháo đường, đã sinh bé trước trên 4,1kg, thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, bệnh xảy ra từ tuần thai 24 - 28 và tự hết sau sinh.
1. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ
Mang thai, nhu cầu về insulin nhiều gấp đôi bình thường, khi tụy tạng không sản xuất đủ insulin cho cơ thể sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây ra tình trạng tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, nguyên nhân tiểu đường trong thai kỳ còn đến từ:
- Béo phì, thừa cân.
- Mang thai trên 35 tuổi.
- Có tiền sử bệnh hoặc gia đình có người từng bị tiểu đường.
- Đã từng chết lưu thai không rõ nguyên nhân.
- Con sinh lần trước lớn 4,1kg.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường huyết trong máu tăng lên cao hơn so với bình thường (Ảnh minh họa)
2. Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
- Đi tiểu nhiều hơn
- Khát nước liên tục
- Thị lực giảm
- Khô miệng, hơi thở có mùi
- Tê cứng, đau chân tay
- Sụt cân đột ngột
- Vết thương hở, vết bầm lâu lành
- Da bị khô, ngứa
- Vùng kín bị nấm ngứa
- Mệt mỏi, uể oải
- Luôn cảm thấy đói
- Xuất hiện những đốm màu tối trên da
3. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Bà bầu bị đái tháo đường nặng, không phát hiện sớm và ăn các thực phẩm không phù hợp sẽ đẩy lượng đường huyết lên cao, khiến tình trạng tồi tệ hơn, nguy hại đến sức khỏe của mẹ và bé.
- Gây sinh non: Bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn. Do không kiểm soát, ổn định được lượng đường huyết và một số bệnh lý như: Đa ối, tiền sản giật, nhiễm trùng tiết niệu, tăng huyết áp tác động.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao (Ảnh minh họa)
- Gây đa ối: Nếu như thai phụ mắc chứng tiểu đường thai kỳ thì sẽ có nguy cơ bị đa ối và dư ối (chiếm 10%), nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
- Sảy thai hoặc chết lưu: Lượng đường huyết tăng cao liên tục trong quá trình thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai ở mẹ bầu nhiều hơn.
- Nhiễm khuẩn niệu: Nếu tình trạng tiểu đường thai kỳ của bà bầu trở lên nặng, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm niệu khuẩn. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và để lâu sẽ dẫn tới viêm đài bể thận.
Tiểu đường thai kỳ có thể gây đa ối
- Dễ bị đái tháo đường trong lần mang thai sau: Phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ, có nguy cơ diễn triển thành tiểu đường type trong lần mang thai sau. Bệnh dễ khiến bà bầu bị tăng cân quá mức sau sinh.
- Thai quá to: Thai nhi tăng trưởng nhanh là do việc vận chuyển lượng đường huyết của mẹ vào thai nhi. Lượng đường huyết sẽ tác động tụy của thai nhi và bài tiết ra lượng insulin khiến thai có nhu cầu cao về năng lượng, phát triển nhanh, to hơn.
Thai quá to do đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến mẹ khó đẻ, bé dễ mắc cách bệnh về đường hô hấp, béo phì sau sinh (Ảnh minh họa)
- Bệnh về đường hô hấp: Em bé sinh ra từ những bà mẹ mang thai khi bị tiểu đường có khả năng gặp các vấn đề về hô hấp
- Tử vong thai nhi: Tỷ lệ tử vong thai nhi của thai phụ bị bệnh tiểu đường cao gấp 5 lần so với thai nhi của thai phụ không mắc bệnh tiểu đường. Tăng insulin máu và tăng đường huyết của thai nhi là nguyên nhân gây ra nhiễm toan ceton của thai nhi, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong thai nhi.
4. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Mẹ có thể tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ - dung nạp glucose đường uống. Phương pháp chẩn đoán quy đổi dưới đây giúp bà bầu biết có bị tiểu đường hay không và đang ở mức độ nào. Xét nghiệm sẽ được tiến hành vào tuần thai 24 - 28.
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh (Ảnh minh họa)
Chỉ số tiểu đường thai kỳ an toàn:
- Lúc đói : ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
- Sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l)
- Sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l)
Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm
- Lúc đói : > 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
- Sau ăn 1 giờ: > 180 mg/dl (10 mmol/l)
- Sau 2 giờ : > 153 mg/dl (8.5 mmol/l)
5. Chế độ ăn tiểu đường thai kỳ
Ăn sáng đầy đủ, không bỏ bữa, bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng, dưỡng chất như: Ngũ cốc nguyên hạt, trứng gà, sữa…
Uống đủ nước mỗi ngày (6 -8 ly nước/ngày).
Ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, an toàn như: Khoai lang, gạo lứt, bưởi, đu đủ, xoài, cà rốt, ngũ cốc nguyên cám…
Ăn các thực phẩm giàu chất đạm như: Thịt nạc, trứng, đậu…
Bổ sung nhiều rau trong khẩu phần ăn
Bổ sung các loại rau củ quả như: Măng tây, súp lơ xanh, rau cải, rau diếp…
Chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no.
6. Tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì?
- Hạn chế ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: Gạo trắng, đồ nếp, nước ngọt có ga, đồ ăn nhiều đường, khoai tây, đường trắng, bột dong, bánh mì đặc ruột.
Mẹ nên kiêng các món từ gạo nếp (Ảnh minh họa)
- Ăn ít các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào như: Xúc xích, nem rán, cá rán…
- Không ăn các thực phẩm đã chế biến để qua đêm, đóng hộp, đã có mùi thiu.
- Bà bầu kiêng ăn những thực phẩm sử dụng nhiều đường tự nhiên và đường hóa học, hạn chế uống những loại nước đóng chai có ga.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh tiểu đường thai kỳ bà bầu nên biết để phòng ngừa và khắc phục sớm, kịp thời. Ngay khi có dấu hiệu hoặc ở những lần khám thai mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tiến hành xét nghiệm đường huyết nếu cần.