Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Kim Ước - Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, theo thống kê trên thế giới, cứ 6 bà mẹ sinh con thì có 1 bà mẹ bị rối loạn đường máu ở các mức độ khác nhau.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Kim Ước (Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) |
Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Kim Ước - Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản - Bệnh viện Nội tiết Trung ương |
Theo thống kê trên thế giới, cứ 6 bà mẹ sinh con thì có 1 bà mẹ bị rối loạn đường máu ở các mức độ khác nhau (17%), và rối loạn đường máu do nguyên nhân tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ) chiếm 84%.
Tại Việt nam, chưa có con số chính thức về tiểu đường thai kỳ, theo một số nghiên cứu thì tỷ lệ tiểu đường thai kỳ dao động khoảng 10%-20% tuỳ từng vùng miền, đối tượng nghiên cứu.
Tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng nếu rối loạn này không được phát hiện sớm, kiểm soát tốt sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Tại sao bà bầu lại dễ bị tiểu đường thai kỳ
Vào nửa sau của thai kỳ (từ tuần 24) có hiện tượng tăng kháng insulin do rau thai tăng sản xuất các hormon làm tăng kháng insulin như progesteron, human placental lactogen (HPL), prolactin, cortisol,..., đồng thời nhu cầu insulin trong cơ thể thai phụ cũng tăng khi thai càng phát triển gây ra tình trạng thiếu hụt insulin tương đối.
Tiểu đường thai kỳ sẽ xuất hiện ở những bà mẹ đã có tình trạng tăng kháng insulin trước đó như tăng cân, béo phì, tiền sử gia đình bị tiểu đường, bị hội chứng buồng trứng đa nang,... Những bà mẹ sử dụng nhiều hormon dưỡng thai, đa thai, mang thai nhiều lần,... cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
Bảng các yếu tố nguy cơ gây tiểu đường thai kỳ
- Thừa cân, béo phì
- Tiền sử gia đình có người bị tiểu đường
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm cả tiền sử tiểu đường trước đó. Có glucose niệu dương tính
- Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao
- Tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật
- Chủng tộc châu Á
- Hội chứng buồng trứng đa nang
Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện vào quý 2, quý 3 của thai kỳ (Ảnh minh họa)
Tiểu đường thai kỳ nên được phát hiện khi nào?
Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện vào quý 2, quý 3 của thai kỳ do thời điểm này các hormon gây kháng insulin của rau thai tiết ra nhiều nhất.
Thời điểm khuyến cáo sàng lọc bệnh từ tuần 24 - 28, nếu phát hiện bệnh trong thời gian này có nhiều lợi ích khi can thiệp. Sàng lọc để phát hiện bệnh sớm hơn dễ dẫn đến bỏ sót tiểu đường thai kỳ vì giai đoạn này bệnh chưa xuất hiện. Phát hiện muộn hơn mang lại hiệu quả can thiệp thấp.
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Trong khi những hậu quả chính của tiểu đường mang thai (người bị bệnh tiểu đường mang thai) là thai bị dị tật, sảy thai, thai chết lưu, thì tiểu đường thai kỳ lại gây ra các bất thường khác cho thai.
Các tác hại chính của tăng đường máu giai đoạn này là làm thai to, phì đại phủ tạng, thai lưu, tăng tỷ lệ mổ đẻ và tai biến sản khoa, tăng tỷ lệ nhập viện sơ sinh, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh/tử vong sơ sinh. Bào thai bị các rối loạn do tăng đường máu kéo dài còn dẫn đến chứng phổi chậm/kém phát triển, tim to, suy tim, đa hồng cầu, ảnh hưởng đến phát triển não bộ, hạ đường máu, hạ can-xi máu, tăng bilirubin máu sau sinh,...
Đứa trẻ sinh ra sau này dễ bị béo phì, đái tháo đường. Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị tăng huyết áp thai kỳ, đa ối, sản giật,... và sau này dễ mắc bệnh tiểu đường thực sự.
Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị tăng huyết áp thai kỳ, đa ối, sản giật (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để dự phòng và hạn chế hậu quả của tiểu đường thai kỳ?
Để tránh bị tiểu đường thai kỳ người phụ nữ cần tránh bị tăng cân, béo phì từ trước khi mang thai, trong khi mang thai thì tránh tăng cân quá nhiều và nhanh, sử dụng các chất bột đường và vận động hợp lý.
Khi người mẹ đã bị tiểu đường thai kỳ cần được tư vấn về chế độ ăn uống và luyện tập tại các cơ sở y tế quản lý bệnh, phải được theo dõi đường máu nhiều lần trong ngày và lâu dài (đến khi đẻ).
Nếu chế độ dinh dưỡng và luyện tập vẫn không khống chế được lượng đường máu cao và/hoặc thai lớn hơn so với tuổi thai thì việc sử dụng insulin ngay là cần thiết. Các bà mẹ lưu ý là các thuốc insulin hiện được phép dùng cho phụ nữ mang thai không gây tác hại đối với thai.
Những bà mẹ đã bị tiểu đường từ lần mang thai trước, những bà mẹ có nguy cơ cao bị tiểu đường nên đến gặp bác sỹ nội tiết để được tư vấn trước khi mang thai để tránh các hậu quả đáng tiếc.