Trung Quốc - Trong chung cư này, phụ nữ từ khắp nơi đến cầu con, trông chờ sự ra đời của những đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Trần, 49 tuổi, là người điều hành "Chung cư cầu con" tại Thượng Hải. Cô cũng làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) 10 lần.
Năm 38 tuổi, cô Trần mất con trai đầu vì bệnh hiểm nghèo. Cặp sinh đôi ra đời sau đó mang đến cho cô niềm an ủi lớn lao. Từ kinh nghiệm của mình, Trần đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ có khát khao làm mẹ như mình.
Ngoài việc nấu nướng chăm sóc hai con nhỏ, Trần còn quản lý chính khu chung cư chuyên cho những gia đình hiếm muộn thuê trọ gần bệnh viện Tập Ái nổi tiếng Trung Quốc về điều trị hiếm muộn. Những người phụ nữ thuê trọ ở đây cũng luôn coi cô như bậc tiền bối bởi sự tư vấn tận tình.
"Chỉ cần cố gắng nhất định sẽ có kết quả", người phụ nữ 49 tuổi thường xuyên nói câu này khi gặp ai đó có ý định bỏ cuộc.
Gia đình bà Trần sau 10 lần IVF đã sinh được cặp sinh đôi năm 2021. Ảnh: 163.com
Tiền Tiền, 35 tuổi cùng chồng tên Tiểu Bạch quê An Huy cũng thuê trọ ở chung cư này. Họ đã chi hơn 300.000 tệ (gần 1,1 tỷ đồng) cho hai lần thực hiện IVF nhưng chưa thành công.
"Nếu còn trứng, tôi nhất định không bỏ cuộc", Tiền Tiền khẳng định vợ chồng cô vẫn trẻ và còn nhiều cơ hội. "Thụ tinh ống nghiệm chứ đâu phải tự nhiên, không được lần này sẽ được lần khác", cô nói.
Nhưng không phải ai cũng có quyết tâm như Tiền Tiền. Vì chưa thể sinh con nên nhiều phụ nữ đang mắc kẹt tại chung cư này khi phải chịu áp lực nối dõi tông đường từ nhà chồng cũng như kinh tế ngày càng khó khăn.
Văn Hạ quê ở Tứ Xuyên kết hôn đã nhiều năm, làm IVF ba lần nhưng chưa có kết quả. Đứa con là hy vọng duy nhất để cứu vãn mối quan hệ vợ chồng trên bờ vực của người phụ nữ này.
Với trọng trách phải có người nối dõi tông đường, nhiều năm qua Văn Hạ hoàn toàn đánh mất vị thế của mình trong gia đình chồng. Để bù đắp cho lỗi "không có con", làm việc gì cô cũng phải nhìn sắc mặt chồng để lựa chọn.
Khi hai người đi đâu đó cùng nhau, Văn Hạ luôn lùi lại phía sau. Mỗi khi đối diện, cô dùng ánh mắt dịu dàng và chịu đựng để nói chuyện. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cặp đôi là khi nói về con cái.
"Con trai hay con gái không quan trọng, tốt nhất có cả hai cùng một lúc", kết thúc câu chuyện, người chồng luôn thể hiện khao khát của mình. Với cặp đôi này, việc đứa trẻ ra đời trở thành tiêu chí duy nhất để xác định ý nghĩa cuộc sống.
Để tiết kiệm chi phí, Văn Hạ không dám dùng thuốc tê, sẵn sàng chịu đựng những cú xiên của những chiếc kim trong điều trị hiếm muộn. Trước mặt chồng cô vẫn nói: "Em không sao, không thấy đau", nhưng luôn quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt.
Gần đây, cô lại sảy thai. Ở thời điểm bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần thì chồng và mẹ chồng đã đuổi cô ra khỏi nhà đồng thời đòi lại 600.000 tệ (2,2 tỷ đồng) đã chi cho IVF.
Một cặp đôi thuê trọ tại "chung cư cầu con" ở Thượng Hải để điều trị hiếm muộn. Ảnh: 163.com
Giống như Văn Hạ, Đơn Đơn cũng mang trên vai trọng trách của gia đình chồng. Rất nhiều lần bơm trứng không thành, áp lực nặng nề khiến người phụ nữ 34 tuổi phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Dù vậy cô vẫn tin "gánh nặng dòng dõi là việc phụ nữ phải làm, cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không có con".
Do tử cung, buồng trứng cũng như nhiễm sắc thể của Đơn Đơn không bình thường, dù chữa trị nhưng khả năng mang thai vẫn rất thấp. Nếu muốn có con, cô phải chấp nhận xin trứng. "Đứa con sinh ra sẽ mang dòng máu của chồng nhưng chẳng có huyết thống gì với tôi", cô nói.
Tuy nhiên ở Trung Quốc ngân hàng trứng chưa được thiết lập, nên chỉ có thể dựa vào việc "hiến chồng cho người khác". Dù cặp đôi vẫn yêu thương nhau, nhưng gia đình chồng dường như không còn đủ kiên nhẫn. Họ đưa ra thời gian, nếu trong một năm điều trị không thành công sẽ phải ly hôn.
Mẹ chồng khẳng định, gia đình họ không chấp nhận con nuôi, phải là con mang dòng dõi gia tộc và là con trai.
Đối mặt với bố mẹ, cặp vợ chồng vẫn có định ý hòa hoãn để Đơn Đơn tiếp tục chữa trị với mong muốn mang thai được nhờ IVF. Tuy vậy, gia đình chồng nói rằng mọi chi phí sẽ phải do bố mẹ ruột của cô chi trả, bởi "Vấn đề đó thuộc trách nhiệm nhà gái".
Bác sĩ điều trị cho Đơn Đơn nói rằng, việc phụ nữ chấp nhận người chồng khó có con vì bất kỳ lý do nào sẽ phổ biến hơn so với tình huống ngược lại.
"Mỗi người là một cá thể độc lập, cần tự quyết định niềm vui nỗi buồn cuộc đời mình. Quan trọng nhất là sống khỏe và sống có ích chứ không phải là làm người khác vui trong khi mình đang kiệt sức", bác sĩ khuyên cô.
Ở chung cư cầu con này, người quản lý như bà Trần đã từng chứng kiến nhiều cặp đôi bên bờ vực tan vỡ nhưng cũng có người vẫn hy vọng vào sự tiến bộ của y học. Trong số này, nhiều phụ nữ đã chấp nhận nghỉ việc, mất tự chủ kinh tế, phải chịu nhiều đau đớn khi kiên trì điều trị 6-7 năm nhưng họ chưa bao giờ thể hiện sự tiếc nuối.
"Những người nuôi giấc mơ làm cha mẹ như chúng tôi sẵn sàng trả mọi giá để được hưởng niềm hạnh phúc đơn giản ấy", bà Trần nói.