Việc tính chuẩn ngày dự sinh giúp các bậc cha mẹ không bị bối rối trong hành trình đón con chào đời.
Mong ngóng đến ngày sinh nở là tâm lý phổ biến với các mẹ mang thai. Chắc chắn hầu hết các mẹ sẽ dựa vào ngày dự sinh để lập kế hoạch cho các công việc và coi đó là điểm mốc để bạn hoàn thành, chuẩn bị đón bé. Và không chỉ một mình mẹ bầu quan tâm đến điều đó, bố của đứa trẻ, ông bà, cha mẹ và thậm chí là những người chẳng thân quen nhiều cũng tò mò hỏi: "Bao giờ bạn sinh?" khi nhìn thấy bụng bầu đang lớn dấn.
Có thể nói ngày dự sinh là một thời điểm quan trọng để qua đó mẹ kiểm tra xem liệu em bé của mình có phát triển bình thường hay không. Căn cứ vào ngày dự sinh, mẹ có thể xác định được những điểm mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé, như khi nào nghe được tim thai, kích thước bụng bầu hoặc quá ngày dự sinh...
Ngày dự sinh chỉ là phép tính sai số
Mẹ nên nhớ rằng ngày dự sinh không phải là ngày em bé của bạn chắc chắn sẽ ra đời. Ngày dự sinh được ước tính dựa trên độ dài trung bình của thai kỳ đối với những phụ nữ có vòng kinh “trung bình”.
Ngày dự sinh cũng được tính dựa trên lý thuyết rằng việc thụ thai diễn ra trong khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Điều này xảy ra ở một phụ nữ bình thường, tuy nhiên vẫn có những bà mẹ không tuân theo quy luật thông thường này.
Mẹ nên nhớ rằng ngày dự sinh không phải là ngày em bé của bạn chắc chắn sẽ ra đời. (ảnh minh họa)
Ngày dự sinh được tính như thế nào?
Tính theo chu kỳ kinh nguyệt
Người ta ước lượng ngày dự sinh bằng cách cộng thêm 40 tuần hay 280 ngày vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Phần lớn các em bé sẽ ra đời trước hoặc sau thời hạn này 2 tuần. Và đối với những phụ nữ mang thai con đầu lòng, em bé thường chào đời sau ngày dự sinh.
Nhưng dù chào đời ở tuần thứ 38 hay tuần thứ 42, các em bé vẫn được coi là phát triển đầy đủ. Sự khác biệt 4 tuần này đến từ sự khác biệt trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, bởi không phải mọi phụ nữ đều có vòng kinh 28 ngày.
Nếu người mẹ không thể xác định được ngày dự sinh một cách rõ ràng, các bác sỹ sẽ ước lượng khoảng thời gian mà em bé có thể ra đời. Dù người mẹ mong muốn xác định được một thời điểm chính xác, nhưng những đứa bé lại có cơ chế hoạt động riêng của mình vì vậy không thể khẳng định được rõ ràng ngày dự sinh.
Siêu âm
Hầu hết phụ nữ đang mang thai thường có thói quen siêu âm ít nhất một lần trong suốt thai kỳ. Lần siêu âm đầu tiên thường được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên, đặc biệt nếu người mẹ có một số nghi ngờ về thời gian dự sinh hay tuần tuổi của thai nhi. Lần thứ hai được gọi là siêu âm sàng lọc thai kỳ và được thực hiện trong khoảng tuần thứ 18 của thai kỳ.
Siêu âm sàng lọc và xác định ngày sẽ cho thấy sự trưởng thành của bé, vị trí của nhau thai và sức khỏe của em bé. Nó cũng được dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của em bé. Theo đó, nếu kích thước em bé phù hợp với tuần tuổi thai, thì em bé đang phát triển đúng theo ngày dự sinh.
Thụ tinh ống nghiệm tính ngày dự sinh thế nào?
Nếu bạn được thụ thai bằng thụ tinh ống nghiệm hay các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác, thì việc ước tính thời điểm thụ thai sẽ chính xác hơn nhiều. Từ đó, bạn có thể tính ngày dự sinh dễ dàng hơn. Tuy vậy, một vài phụ nữ có vẻ mất nhiều hoặc ít thời gian hơn để “nuôi lớn” em bé của mình. Trong trường hợp người mẹ mang đa thai, khả năng sinh trước ngày dự sinh là lớn hơn. Tương tự như vậy, nếu người mẹ gặp các biến chứng khi mang thai thì dễ có khả năng sinh non.
Khi nào nên sinh sớm?
Những phụ nữ được chẩn đoán bị tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ hay rối loạn hệ thống tự miễn dịch được khuyến khích sử dụng biện pháp sinh mổ hay kích thích chuyển dạ sớm hơn ngày dự sinh. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ cân nhắc nhằm đảm bảo người mẹ đủ sức khỏe để có thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật. Nhưng quan trọng hơn, bạn nên chú ý đặc biệt đến những nguy cơ sức khỏe ở bé sinh non.
Khi một em bé phát triển chậm hoặc có thể bị tổn hại do một nguyên nhân gì đó, các bác sĩ thường khuyến khích người mẹ sinh con sớm. Những điều kiện chăm sóc bên ngoài cần được chuẩn bị tốt hơn sao cho em bé cảm thấy như vẫn còn trong bụng mẹ. Trong trường hợp này, mẹ hãy dùng ngày dự sinh như một bản hướng dẫn để ra quyết định và cân nhắc tất cả mọi yếu tố.