Nghe có vẻ lạ nhưng thay vì cắt dây rốn cho trẻ ngay sau khi bé cất tiếng khóc chào đời, ngày càng nhiều ông bố bà mẹ chọn cách giữ nguyên bánh nhau của trẻ cho đến khi cuống rốn tự rụng.
Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Daily Mail đã từng đăng tải bài viết cùng hình ảnh vô cùng xúc động ghi lại khoảnh khắc một em bé sơ sinh ngủ ngon lành bên bọc nhau thai và còn giữ nguyên dây rốn xếp hình chữ “LOVE”. Hình ảnh này được chính mẹ của em bé, chị Emma Jean Nolan, 30 tuổi đến từ Brisbane (Úc) chụp lại và ngay sau khi được đăng tải, bức ảnh đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Hình ảnh bé sơ sinh còn nguyên dây rốn và bọc nhau thai được chia sẻ hồi tháng 1 vừa qua.
Mặc dù những hình ảnh sinh con còn giữ nguyên dây rốn như thế này khá lạ lẫm ở Việt Nam nhưng với các bà mẹ Mỹ và các nước phát triển nó cũng đã khá phổ biến và ngày càng nhiều các ông bố bà mẹ chọn cách giữ nguyên bánh nhau của trẻ cho đến khi cuống rốn rụng tự nhiên.
Chia sẻ trên tờ Australian Women's Weekly, cô Kim Vale (sính sống tại Úc) cho biết lần đầu tiên cô được chứng kiến trường hợp sinh con giữ nguyên dây rốn là khi chị gái cô sinh con. "Khi ấy, tôi thực sự rất shock. Tôi thực sự không có nhiều hiểu biết về phương pháp sinh con này.", mẹ Vale nói.
Bà mẹ Kim Vale chọn phương pháp liên sinh trong cả 2 lần sinh con.
Khó khăn duy nhất khi áp dụng phương pháp này là khi bế và di chuyển em bé.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, Kim Vale đã quyết định áp dụng phương pháp đặc biệt này trong 2 lần sinh con của mình. “Tôi gặp chút khó khăn khi di chuyển em bé. Tôi rất sợ liệu rằng tôi có đánh rơi bánh nhau khi đang bế con hay không. Sau đó chúng tôi đã rất thận trọng và cẩn thận mỗi khi di chuyển và mọi việc diễn ra rất suôn sẻ.” Thậm chí, đến lần sinh nở thứ 2, cô Kim Vale còn cân nhắc đến việc sẽ sử dụng nhau thai để chế biến thành thuốc bồi bổ cho mẹ.
Nói về lợi ích của việc giữ nguyên dây rốn và nhau thai sau khi con chào đời, bà mẹ 2 con cho biết: “Tôi nghĩ có lẽ phương pháp này giúp bé đến được với thế giới một cách thật nhẹ nhàng. Bé không hề khóc lóc sau khi chào đời.”
Trước trường hợp của mẹ Emma Jean Nolan, Dailymail cũng từng đưa tin về kinh nghiệm sinh theo phương pháp liên sinh của mẹ Adele Allen đến từ từ Brighton, Anh. Theo đó, bà mẹ này chia sẻ, để nhau thai không bị bốc mùi, cô đã phù một lớp muối và hoa hồng lên đó và quấn trong một tấm vải sau đó thay mỗi ngày.
Bọc nhau thai được rắc muối và hoa hồng để tránh gây mùi.
Phương pháp liên sinh là gì?
Trên thực tế, phương pháp không cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh còn được gọi là phương pháp liên sinh (Lotus Birth). Thay vì cắt cuống nhau cho bé khi chào đời thì bà mẹ sẽ lựa chọn lưu giữ nhau thai trong một túi vải lụa và để nó rụng tự nhiên. Trước khi trở nên phổ biến vào những năm 1970, phương pháp "liên sinh" được quan sát thấy ở loài tinh tinh. Đến năm 1974, một bác sĩ đã áp dụng cách này khi sinh cậu con trai của mình và từ đó đến nay, Lotus birth được quan tâm nhiều hơn.
Lý giải cho phương pháp này, các nhà khoa học cho biết sau 9 tháng nằm trong bụng mẹ, việc các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cắt dây rốn và nhau thai ngay khi trẻ vừa chào đời sẽ khiến bé có thể bị đau đớn. Trong khi đó, việc để nhau thai tự rụng sẽ giúp trẻ có thêm thời gian (thường là từ 3 đến 10 ngày) để tự mình làm quen với thế giới bên ngoài.
Ngoại trừ việc hơi bất tiện khi tắm rửa, làm vệ sinh cho bé và cha mẹ phải đảm bảo khu vực bao quanh dây rốn sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng thì phương pháp này không có nhược điểm nào đáng kể.
Mặc dù có nhiều ưu điểm tích cực cho em bé tuy nhiên cho đến nay, phương pháp liên sinh vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới y học cũng như các bà mẹ bỉm sữa.
Một vài hình ảnh về phương pháp liên sinh:
Phương pháp không cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh còn được gọi là phương pháp liên sinh (Lotus Birth).
Phương pháp này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1970, tuy nhiên, mãi đến 1974, khi một bác sĩ áp dụng thành công phương pháp này cho chính cậu con trai của mình, phương pháp liên sinh mới bắt đầu trở nên phổ biến.
Việc để nhau thai tự rụng sẽ giúp trẻ có thêm thời gian (thường là từ 3 đến 10 ngày) để tự mình làm quen với thế giới bên ngoài.