Một số bà bầu đang khỏe mạnh, đi dự đám tang về bỗng đau ốm khật khừ, có người sảy thai. Người lớn đi dự đám tang về chưa hơ lửa đã bế trẻ sơ sinh, thế nào đêm ấy trẻ cũng khóc… Vì sao lại có chuyện này?
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ có thai không nên tham dự đám tang. Ảnh: Chí Cường
Sảy thai sau khi đi dự đám tang
Ông Đỗ Trọng Khuê, Chủ nhiệm khoa Văn hóa phương Đông (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) kể lại câu chuyện có một cô gái tên Hòa ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang bầu được 2 tháng thì ông nội mất. Chị Hòa muốn chịu tang ông, nên theo chồng về quê chịu tang. Sau một hồi khóc bên linh cữu ông, chị xuống bếp khoe với mẹ đã có thai. Mẹ chị hốt hoảng “đuổi” chị sang nhà khác ở, vì cho rằng đang có bầu về dự đám tang sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Nghĩ mẹ kiêng kị quá đáng, nên chị vẫn ở lại đám tang. Sau khi từ đám tang về, chị Hòa bị xuất huyết phải vào viện, bác sĩ thăm khám và cho biết chị đã bị sảy thai. Chị không rõ là do dự tang lễ, hay do đi ô tô đường dài về quê, nhưng vẫn ân hận vì lần đầu tiên mang thai đã sảy mất đứa con đầu lòng.
Chị Lê Thị Hải (ở Phủ Lý, Hà Nam) gọi điện đến Trung tâm Tư vấn Hoàng Nhân (Hà Nội) chia sẻ, chị có bầu 3 tháng phải nằm nhà dưỡng thai. Mẹ chồng chăm sóc tỉ mỉ quá khiến chị cảm thấy mất tự do mà vẫn phải nhịn tất cả vì con. Tới hôm chị gái đột ngột qua đời, chị Hải muốn đi viếng nhưng mẹ chồng gạt phắt không cho. Chị Hải đã to tiếng với mẹ chồng, bởi những kiêng kị cổ hủ khiến không khí gia đình căng thẳng.
Còn với chị Thu Anh (ở Hải Phòng) cũng cho biết, trong chuyến về quê chơi, chị có đưa bà nội đi viếng đám ma. Sau đó, bà ghé chợ, còn chị về nhà ngay. Vừa dựng xe thì chị dâu bế cháu ra, chị Thu Anh vội sà vào bế bé. Khi chị dâu biết cô em vừa đi đám tang về thì hốt hoảng giằng con lại, bắt cô em đi hơ lửa. Bản thân chị cũng bế con bước qua bước lại lửa 3 lần. Lúc ấy chị Thu Anh cảm thấy không vui, phàn nàn với bà nội thì bà bảo nhà có trẻ nhỏ thì khi đi đám tang về phải hơ người qua lửa, hoặc nhảy qua đống rấm “đuổi tà”. Đêm hôm đó, tự nhiên bé quấy ngằn ngặt làm cả nhà mất ngủ.
“Tử khí” không tốt cho thai nhi
Trong dân gian vẫn truyền nhau rằng, khi bị ung thư, chó dại cắn, thậm chí ung thư đã được chữa khỏi thì cũng không nên đi đám tang, cải táng vì sẽ làm bệnh phát nhanh. Liệu việc kiêng kỵ này có đúng? Dưới đây là lý giải của các chuyên gia.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia tư vấn Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, thời kỳ phụ nữ mang thai là thời kỳ bào thai hấp thụ tinh hoa của trời đất, trong khi đám tang âm khí tích trệ cả trước – trong. Sau tang lễ nhiều ngày, nhất là đám trùng tang sẽ không tốt cho thai nhi, cả trẻ sơ sinh, bởi trẻ thóp chưa lành, trẻ yếu bóng vía, người sức khỏe kém, bệnh tim mạch, phong thấp… rất dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu, dân gian gọi là mắc hơi tử khí. Dân gian cho rằng, nhà có đám tang hơi lạnh lẽo sẽ gây ra tật bệnh không phải là mê tín, mà do tử khí khuyếch tán, người yếu sẽ không đủ sức chống đỡ, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.
Ở một số vùng miền núi, đám tang kéo dài, các thủ tục rườm rà, khiến người phục vụ và tham dự tiếp xúc rất lâu với tử khí, vi trùng vi khuẩn phát tán từ người chết có thể xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ khiếu, chân lông… rất có hại cho sức khỏe.
Theo các nhà khoa học, khi chết là quá trình ôxy hóa chấm dứt, cơ thể biến đổi do tan rã. Và chỉ sau 10 tiếng bị phân hủy mạnh, các vi trùng lên men thối tạo khí, phồng rữa, dịch thối chảy ra từ các lỗ tự nhiên và khuếch tán. Nhà có đám tang thường đông người, không khí u buồn lưu cữu… tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Trong khi phụ nữ có bầu cơ thể rất nhạy cảm, dễ bị nhiễm khuẩn và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Không khí tang thương của đám tang cũng làm tâm trạng bà bầu không tốt, có khi còn bị sốc vì nỗi đau mất mát… có thể dẫn tới nguy cơ sảy thai, sinh non. Dự một đám tang có thể làm ảnh hưởng tới tâm trạng của mẹ bầu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
BS Ngọc Dung, Trung tâm Tư vấn SKSS/KHHGĐ, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cũng cho rằng, người mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ thì tốt nhất không nên đi viếng đám tang, vì lúc đó bào thai yếu, gặp môi trường âm khí lạnh lẽo, không khí tang thương rất không tốt cho thai (kể cả thai phụ không đi viếng đám ma thì thời gian 3 tháng đầu cũng phải gìn giữ vì rất dễ sảy thai do cơ địa chưa vững).
Bắt buộc phải đi thì làm thế nào?
Cũng theo BS Ngọc Dung, trong trường hợp phụ nữ mang thai buộc phải đi dự đám tang thì chỉ nên đứng ở bên ngoài, tránh vào bên trong, tuyệt đối không đến gần người chết vì gặp âm khí rất có hại cho thai, có thể gây lưu thai… rất khó lường. Khi đi về, nhớ đốt lửa bước qua ba lần theo dân gian lưu truyền.
Để bảo vệ sức khỏe cho người phục vụ đám tang, các nhà đám nên đặt sẵn lò than đốt vỏ bưởi, quả bồ kết, hoặc luôn đốt đống lửa ở góc vườn, đặt nồi nước lá bưởi, lá chanh, lá ngũ vị để mọi người rửa, hơ liên tục, hoặc phun tinh dầu sả để hơi nóng thơm hỗ trợ sát khuẩn môi trường, giúp thân nhiệt người đến dự đám tang ổn định, giảm khả năng nhiễm khuẩn.
Làm gì để giũ bỏ âm khí khi đi đám tang - Bà bầu cần chủ động mang theo giấy, bật lửa để khi về tới cửa nhà thì đốt lên và bước qua lại 3 lần. - Bà bầu, người già yếu, người bệnh mãn tính, tim mạch, người sức đề kháng kém, người yếu bóng vía… không nên ở đám tang lâu, tránh ra nghĩa địa. - Trẻ em sơ sinh nhà có đám tang nên sơ tán để không bị không khí đám đông, nhạc hiếu ảnh hưởng. Ông Đỗ Trọng Khuê |