Với chị em lần đầu mang thai bị đau bụng khi mang thai tháng thứ 2 đều khá lo lắng. Tuy nhiên, nếu chỉ đau bụng đơn thuần không có những triệu chứng khác thường thì mẹ bầu có thể bình tĩnh.
1. Vì sao mẹ bầu đau bụng khi mang thai tháng thứ 2?
Có tới 90% thai phụ khi bước vào tháng thứ 2 của thai kỳ sẽ có trải nghiệm đau bụng dưới. Tuy nhiên, đa số các trường hợp này đều bình thường, không đáng lo. Và thông thường, nguyên nhân khiến mẹ bầu đau bụng khi mang thai tháng thứ 2 là do:
Kích thước tử cung to hơn
Bước sang tháng thứ 2, bụng bầu của chị em chưa xuất hiện nhưng thực tế bên trong bụng bào thai đã bắt đầu lớn dần. Điều này đồng nghĩa với việc tử cung của người mẹ phải thay đổi kích thước, trở nên to hơn để chứa đựng túi thai. Các mô cứng và dây chằng cũng bị kéo giãn ra để hỗ trợ cho tử cung phát triển. Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ có xu hướng phát triển nghiêng sang phải. Đây chính là nguyên nhân khiến các cơn đau bụng hoặc đau lưng ở bà bầu thường có xu hướng xuất hiện từ bên phải.
Chuột rút khi mang thai
Bên cạnh đó, sự thay đổi của các cơ ở vùng xương chậu và vùng bụng cũng khiến mẹ bầu gặp phải hiện tượng chuột rút hoặc đau cơ. Một chị em nhầm tưởng cảm thấy các cơn đau do chuột rút hay giãn cơ là các cơn đau bụng.
Rất nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng khi bị đau bụng trong thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Ốm nghén
3 tháng đầu của thai kỳ, có đến hơn 70% bà bầu trải qua thời kỳ ốm nghén với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chủ yếu chị em sẽ có biểu hiện ốm nghén như cơ thể mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, sợ mùi...Khi buồn nôn hoặc nôn thường xuyên ít nhiều chị em sẽ có cảm giác đau tức vùng bụng dưới. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất trong 1-2 ngày mà không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào cho thai nhi.
Ho khi mang thai
Thời kỳ mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu nhanh chóng suy giảm. Đặc biệt nếu chị em mang thai trong mùa lạnh hoặc mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, cúm, cảm lạnh... thường có triệu chứng ho. Khi ho thường xuyên, mẹ bầu dễ bị co thắt vùng bụng nên có cảm giác đau bụng.
Rối loạn tiêu hóa
Sự thay đổi của các hormone thai kỳ có thể khiến một số mẹ bầu bị đau bụng tiêu chảy. Hoặc tiêu chảy là do chị em đã ăn uống không đảm bảo vệ sinh gây nhiễm khuẩn đường ruột. Ngoài ra, cũng có mẹ bầu lại đau bụng do táo bón. Những nguyên nhân này chỉ cần thay đổi chế độ ăn thì mẹ bầu cũng nhanh chóng ổn định sức khỏe.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Ngoài hiện tượng đau bụng khi mang thai tháng thứ 2, nếu mẹ bầu kèm theo các triệu chứng bất thường như xuất huyết âm đạo ra máu đỏ tươi, cơ thể mệt mỏi suy kiệt, buồn nôn, đau đầu hoa mắt... thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân. Trong một số nguyên nhân thường gặp, hiện tượng đau bụng kèm chảy máu âm đạo khi mang thai tháng thứ 2 có thể do bà bầu mang thai ngoài tử cung hoặc dọa sảy thai, sảy thai.
Đôi khi chỉ cần nằm nghỉ một lát, cơn đau bụng của mẹ bầu cũng biến mất. (Ảnh minh họa)
2. Đau bụng khi mang thai tháng thứ 2, mẹ bầu nên làm gì?
Thông thường, mẹ bầu bị đau bụng khi mang thai tháng thứ 2 đều không cần điều trị. Vì đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể của người mẹ đang thay đổi để thích nghi với sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên, hiện tượng đau bụng này diễn ra trong giai đoạn mẹ bầu bị ốm nghén hoặc với chị em lần đầu mang thai thì sẽ khiến người mẹ thêm mệt mỏi, lo lắng, suy nhược cơ thể. Do đó, có một số biện pháp đơn giản nhằm phòng tránh hoặc giảm các cơn đau bụng khi mang thai tháng thứ 2.
Nếu mẹ bầu xuất hiện tình trạng đau bụng, trước hết nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Thư giãn tinh thần, nằm nghỉ ngơi một lúc. Tốt nhất nên nằm nghiêng về một bên ngược với bên bụng bị đau, co chân ở bên bị đau lên cao.
- Chườm nóng hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm.
- Nhanh chóng nhập viện khi thấy cơn đau bụng không thuyên giảm, mức độ đau càng ngày càng nặng kèm theo chảy máu âm đạo, nôn, sốt cao.
Đa số các cơn đau bụng thông thường sẽ biến mất sau vài phút nếu mẹ bầu được thư giãn, nghỉ ngơi.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng đau bụng trong thai kỳ, chị em cần lưu ý:
- Tránh mang vác bê vật nặng, với cao, đi giày cao gót.
- Tránh đứng lên, ngồi xuống đột ngột.
- Giữ ấm cơ thể tránh cảm lạnh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Có chế độ ăn dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh.
- Hạn chế quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục nhẹ nhàng trong thời gian đầu mang thai.