"Đến một ngày, mình không thể chịu được nữa, mình đã vừa gào vừa khóc, vừa tự đánh bản thân trước mặt chồng vì ngay cả chồng cũng không hiểu cho mình, chửi mình: "Điên, làm quá!"
Sau khi nghi phạm của vụ việc bé trai 33 ngày tuổi bị sát hại được xác định chính là mẹ ruột của em bé, trên mạng xã hội các bà mẹ bỉm sữa liên tục bày tỏ quan điểm của mình quanh vụ việc, đồng thời cũng chia sẻ những câu chuyện của bản thân đã trải qua liên quan đến chứng bệnh trầm cảm sau sinh vô cùng nguy hiểm này.
Chia sẻ trên một hội nhóm dành cho các bà mẹ đang có con ở độ tuổi ăn dặm, chị H. (sinh sống tại T.p Hồ Chí Minh) đã kể lại câu chuyện của chính bản thân mình mà theo chị là "chuyện có thật mà ai cũng ngỡ như trên phim". Chị cho biết giờ đây con trai đầu lòng của chị, bé June, đã được 2 tuổi, gia đình chị cũng có cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc nhưng chị mãi không bao giờ quên được những ngày tháng khổ sở vì trầm cảm sau sinh đó.
(Ảnh minh họa)
Được sự đồng ý của nhân vật, xin chia sẻ lại câu chuyện về trầm cảm sau sinh mà chị H. đã trải qua:
"Sau khi xem xong bài báo về vụ việc em bé 33 ngày tuổi bị sát hại mà nghi phạm lại chính là mẹ ruột được cho là bị trầm cảm sau sinh, mình sẽ kể cho các mẹ nghe câu chuyện có thật mà ai cũng ngỡ như phim của mình. Đến tận bây giờ dù con đã được 2 tuổi nhưng mình mãi không bao giờ nguôi được những ngày tháng đó.
Mình là người lúc nào cũng vui vẻ nên người ngoài không ai biết mình bị trầm cảm, thậm chí chồng mình ngày đó còn nói là mình: "Điên, vớ vẩn, làm quá!" Bà ngoại thì suốt ngày mắng chửi vì mình không kiêng cữ, chồng mình không giàu.... Còn em ruột thì la ó, mở nhạc um sùm khiến con mình không ngủ được, khóc ngặt nghẽo.
Thời gian sau sinh đó, mình đã ước được quay lại bệnh viện để được chăm sóc, ngày nào cũng bị căng thẳng khiến mình phát điên. Bà ngoại hơ than cho bé June quá tay nên June bị viêm hô hấp và viêm da đầy mặt. Mình thì bị bắt hơ than vùng kín, làm đứt vết khâu và phỏng âm đạo, mình không làm thì sẽ nghe điệp khúc của mẹ: "Mày sề, mày xấu, chồng bỏ cho xem".
Sinh con, xuất viện chưa được 2 ngày mình đã phải bồng con quay ngược trở lại bệnh viện để khám vì đã vượt giới hạn chịu đựng. Bác sĩ ở hai khoa sản và nhi mắng mình tơi tả và nói thời nào rồi còn kiêng cữ kiểu đó nữa. June thì đi vật lý trị liệu từ 2 ngày tuổi đến tận 3 tháng. Chai nước muối sinh lý và các cô y tá ở bệnh viện là không thể thiếu với June, vì sao, vì đờm dãi của con do hít khói than làm June không thở được, bú vào là ói. Nhìn con khóc vì không bú được, thở không xong có người mẹ nào cầm lòng nổi. Hồi đó, hầu như ngày nào chồng mình cũng phải đưa mình đến bệnh viện để June khám và làm vật lý trị liệu. Đến đêm con bú là ói, giấc ngủ không tròn, hai vợ chồng mình thay phiên nhau dậy thay đồ thay mền gối cho con. Có những trưa chồng mình đi làm cũng phải chạy ngược về xem tình hình hai mẹ con thế nào.
Đồ ăn ở cữ thì toàn móng giò và cá kho, các món khác không được ăn, mình ăn là bị mẹ mắng. Mình ngồi cho con bú cũng bị mẹ mắng vì sợ bị đau lưng sau này.
Càng ngày bệnh trầm cảm của mình càng tăng, mình ôm con khóc suốt, đau cũng không được nói, nói ra cũng không ai hiểu cho. Mình nghe tiếng con khóc là phát điên, chỉ muốn đánh con, đưa tay ra đánh thì như có ai cản, lực đánh mình giảm lại. Mình tỉnh ra, bồng con lên khóc nức nở.
Đến một ngày, mình không thể chịu được nữa, mình đã vừa gào vừa khóc, vừa tự đánh bản thân trước mặt chồng vì ngay cả chồng cũng không hiểu cho mình. Nhưng lúc đó chồng lại mắng mình: "Điên, làm quá".
June được 1,5 tháng, vợ chồng mình có việc đưa về nội, mình chưa hồi phục và còn đau vết khâu tầng sinh môn, ngủ không được sâu giấc vì thức đêm. Vì vậy mình rất mệt mỏi, bơ phờ nên buổi sáng chồng mình tự giặt đồ cho con, phụ vợ rửa chén nhưng lại bị hàng xóm xỏ xiên, chê con dâu gì mà lười, để chồng làm mà coi được, ở nhà ăn bám chồng, sao không gửi con đi làm phụ chồng.
Về tới thành phố, chồng mình nghe vậy không nói nhưng lại ức chế rồi chê mình lười. Mình tức quá nói thẳng: "Anh không biết bênh vực vợ con sao để người ta nói vậy. Em sinh đẻ yếu ớt, anh có việc đi làm, em ở nhà chăm con chả lẽ sướng lắm hả? Anh ở nhà đi rồi biết, em đi làm được cũng đi cho khỏe người, ai cũng nói em ăn bám như thế này thì sống sao nổi."
Từ ngày đó, chồng mình mỗi ngày thay đổi một chút và dần là thay đổi rõ rệt. Mình nghĩ không ai hoàn hảo, chỉ có người vợ và hoàn cảnh mới thay đổi được chồng và giúp người đàn ông làm chồng tốt hơn. Thói xấu của chồng thì người vợ biết, người vợ chịu đựng và người vợ sửa. Ngược lại đối với mình cũng vậy, mình sai thì chồng mình chịu đựng, chồng mình sửa cho mình.
Cuối cùng, chính chồng và con đã vực mình dậy. Chồng mình nói chuyện với bà ngoại không can thiệp vào chuyện kiêng cữ của mình nữa. Anh ngày ngày an ủi, phụ mình hết việc nhà, chăm sóc con cũng một tay chồng mình lo, làm cho mình vui. Mình khóc thì nói với mình: "Em khóc thì lấy sữa đâu nuôi con, em phải vui lên chứ, có anh và con ở đây rồi, không ai bắt nạt em nữa đâu".
Mình đã phải tự nhủ, nếu không có mình, chồng và con ai sẽ lo đây? Và vậy là mình cố gắng vượt qua tất cả để có ngày hôm nay, cố gắng tất cả vì chồng con.
Mình khuyên các mẹ mới sinh con hãy cố gắng chia sẻ và làm cho chồng thấu hiểu, chăm sóc bản thân thật tốt để không bao giờ cho bệnh trầm cảm có cơ hội đến với mình, quật ngã mình."