Nhiều lần chuyển phôi đều không thành công vì bị thai sinh hóa, vợ chồng hiếm muộn ám ảnh trong suốt hành trình tìm con.
Trong suốt hành trình tìm con của mình, cụm từ thai sinh hoá có lẽ là cụm từ ánh ảnh nhất đối với vợ chồng chị Trần Thùy Minh khi mà chị từng làm IVF 2 lần với 3 lần chuyển phôi đều là thai sinh hoá.
Khi kể về những trường hợp thai sinh hóa của các cặp vợ chồng hiếm muộn, nam bác sĩ Bác sĩ Thân Trọng Thạch - Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhớ ngay về trường hợp vợ chồng chị Minh.
Vợ chồng chị Minh đến gặp bác sĩ Thạch năm 2020 sau 10 năm kết hôn mà vẫn chưa thể có tin vui. Được biết vợ chồng này đã làm IVF 1 lần trước đó với 02 lần chuyển phôi nhưng đều thai sinh hoá. Trong khi đó, cả hai xét nghiệm đều bình thường, bác sĩ bảo chị trong nhóm 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Thế nhưng, dù bình thường như vậy nhưng “cày cuốc” 10 năm tin vui vẫn biệt tăm tích với cả hai vợ chồng khát con.
Khi thai kỳ ở tuần thứ 32, chị Minh bị đau bụng, lúc vào viện cổ tử cung đã mở 5cm. (Ảnh minh họa)
“Kiểm tra kỹ tôi phát hiện bệnh nhân có nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng nhỏ kèm theo lạc nội mạc khu trú ở tử cung. Tiến hành IVF được 03 phôi ngày 03 loại trung bình dù noãn còn kha khá”, bác sĩ Thạch kể.
Năm 2021 chị Minh mới bắt đầu chuyển phôi. Lần đầu chị chuyển 01 phôi ngày 03 nhưng sau lại thai sinh hoá. Điều này khiến chị vô cùng lo lắng và chán nản vì “không vượt qua được lời nguyền thai sinh hoá”.
Sau đó chị quyết định nghỉ ngơi 1 năm và năm 2022 mới chuyển 02 phôi còn lại. Lần này beta-hCG không phải thai sinh hoá nhưng khá thấp khiến chị vừa lo lắng vừa mong chờ, hy vọng. Để rồi khi siêu âm có tim thai lúc 7 tuần chị vỡ òa cảm xúc dù cho trong suốt thai kỳ, mẹ bầu phải đối mặt với nhiều giông bão vì không biết bao lần ra huyết và nhập viện.
Khi thai kỳ ở tuần thứ 32, chị Minh bị đau bụng, lúc vào viện cổ tử cung đã mở 5cm dù ối còn nguyên. Nhận thấy tình hình sản phụ như vậy, bác sĩ Thạch đã tư vấn cho mẹ bầu chuyển viện tuyến trên dù đi xe mất 1,5 giờ bởi sợ bệnh nhân sinh non, ở viện tỉnh khó có thể chăm sóc trẻ sinh non 32 tuần được tốt nhất.
“Rồi sản phụ cũng nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà chuyển viện. Khi vừa nhập viện đã được lên phòng sinh và đỡ sinh nhanh chóng trong vài phút. Cuối cùng 2 mẹ con sản phụ cũng mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Thạch nhớ lại.
Sau khi sinh, bé sinh non 32 tuần cần được chăm sóc đặc biệt ngay nên vợ chồng hiếm muộn rất lo sợ. Bởi đứa bé đỏ hỏn chính là niềm hi vọng cuối cùng của gia đình chị Minh. Bản thân sản phụ không còn cơ hội có thể làm IVF nữa.
“May mắn thay, bé con nhà chị Minh đã hồi phục qua từng ngày, diễn tiến tốt dần lên. Cho đến mấy hôm trước, con đã được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và bác sĩ”, bác sĩ Thạch nói.
Cho dù chặng đường phía trước vẫn còn là cả một hành trình dài để chăm con vượt qua những lần kiểm tra sức khoẻ ở bệnh viện chuyên khoa nhưng bác sĩ Thạch luôn cầu mong con sơ sinh của vợ chồng chị Thùy sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả như cách họ đã vượt qua 12 năm đằng đẵng đầy bão giông để được ôm con trong vòng tay.
Sảy thai sinh hóa là gì?
Chia sẻ về trường hợp thai sinh hóa nhiều lần của chị Minh nói trên, bác sĩ Thạch khẳng định, hiện tượng sảy thai sinh hóa là tình trạng sảy thai sớm trước khi siêu âm thấy hình ảnh túi thai. Do bản thân thai nhi có bất thường hoặc do tử cung của người mẹ. Vì sảy thai sinh hóa rất sớm nên nhiều người không biết mình mang thai hoặc đã phát hiện triệu chứng mang thai nhưng chưa thể siêu âm thấy túi thai.
Do thai sinh hóa xảy ra ở thời điểm quá sớm nên chưa có cách để tìm ra nguyên nhân gây sảy một cách chính xác. Tuy nhiên có một số nguyên nhân sau có thể gây ra tình trạng thai sinh hóa sớm: “Có thể kể tới 1 số nguyên nhân gây ra tình trạng thai sinh hóa sớm như phôi thai cấu tạo không hoàn hảo, do sự phối hợp giữa các gen không được tốt hoặc thiếu một số gen, dẫn tới việc phôi thai không phát triển được, bị thoái hóa và tự hủy. Trường hợp này, nếu chị em vẫn có thể sinh được con ra đời thì đứa bé cũng dễ bị dị tật.
Hoặc sảy thai do thai sinh hóa còn do tử cung không bình thường, có thể là niêm mạc tử cung quá mỏng nên thai không bám được vào nên tự tuột ra, hoặc là bám vào nhân xơ, sẹo mổ cũ nên bị sảy ngay ra ngoài. Bên cạnh đó, có thể do thiếu hóc môn, hội chứng Antiphospholipid gây rối loạn đông máu hoặc do nhiễm một số bệnh có thể lây truyền từ cơ thể mẹ sang thai nhi, dẫn đến sảy thai như bệnh HIV, viêm gan B, C, giang mai, chlamydia, Rubella, Toxoplasma, CMV...”, bác sĩ Thạch nhận định.
May mắn thay, bé con nhà chị Thùy Minh đã hồi phục qua từng ngày, diễn tiến tốt dần lên. (Ảnh: BSCC)
Do không thể xác định nguyên nhân một cách chính xác gây tình trạng này nên theo bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch cũng không thể đảm bảo mẹ bầu nên làm gì sẽ không bị thai sinh hóa liên tiếp.
Để hạn chế hiện tượng sảy thai sinh hóa diễn ra liên tiếp, khi lên kế hoạch có thai, chị em ngoài việc chuẩn bị tinh thần và thể chất cần trang bị một số kiến thức cơ bản cũng như cần chuẩn bị tâm lý để xử lý các tình huống không mong muốn xảy ra. Nếu bất cứ băn khoăn nào, đừng ngần ngại hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn từ cán bộ nhân viên y tế.
Ngoài ra, khi muốn có thai lần sau, chị em cần phải kiểm tra toàn diện, kỹ càng nhằm phát hiện những bệnh mạn tính để kịp thời chữa trị.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tin liên quan
Cặp song sinh đã vượt qua nhiều thử thách để trở thành những cá thể độc lập.
Hở eo tử cung là tình trạng cổ tử cung suy yếu không thể giữ được thai trong lòng tử cung, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non... Vậy hở eo...
Nhìn lại hành trình mang thai của chính mình, nhiều khi mẹ bỉm này mới giật mình thấy sự hy sinh của bản thân to lớn như nào để 2 con chào...
Cứ tưởng em tôi thích đông con, muốn đẻ luôn một lần để chăm nom 1 thể, ai ngờ đằng sau có lý do khác.
Tin bài cùng chủ đề IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm
Vì đã ngoài 50, vợ chồng người phụ nữ 52 tuổi được các bác sĩ khuyên nên sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Dù biết rằng tuổi tác của mình sẽ khiến việc mang thai trở nên rất nguy...