Cứ nghĩ con gái lấy chồng xa nhưng được ông bà thông gia và con rể chăm sóc nên tôi ở quê rất yên tâm.
Nhà tôi có 2 cô con gái nên lúc nào cũng mong các con sau này lớn lên lấy chồng gần để tiện chăm sóc cho những lúc mang thai, ở cữ và nuôi con nhỏ. Nhưng số phận sắp đặt, cả 2 con gái của tôi đều lấy chồng xa nhà. Con gái lớn lấy chồng cách nhà đẻ 100km còn con gái thứ 2 sống với chồng nó tận bên trời Tây.
Được cái 2 con gái đều được gả vào gia đình chồng tử tế. Riêng con gái lấy chồng Tây cuộc sống rất ổn định, thường xuyên gửi tiền về biếu bố mẹ vì 2-3 năm mới về thăm nhà 1 lần.
Thương con gái cả ốm nghén không có mẹ ở bên chăm sóc nên 2 vợ chồng tôi cứ 2-3 tuần lại gửi cho con rất nhiều đồ ăn. (Ảnh minh họa)
Có con gái lấy chồng xa, nhiều khi vợ chồng tôi cũng nhớ chúng lắm. Nhưng vì xa xôi như vậy nên cũng đành phải giữ nhớ nhung ở trong lòng. Nhất là con gái cả nhà tôi dù lấy chồng ở cách nhà mẹ đẻ 100km cũng ít khi về nhà được. Phần vì vợ chồng con bận công việc, phần vì sau cưới con có bầu ngay nên ốm nghén nhiều, phải nằm dưỡng thai một thời gian không về ngoại chơi được.
Thương con gái cả ốm nghén không có mẹ ở bên chăm sóc nên 2 vợ chồng tôi cứ 2-3 tuần lại gửi cho con rất nhiều đồ ăn. Sau đó tôi gọi cho con rể hay ông bà thông gia để ý xe khách đi qua nhà thì lấy hộ.
Mỗi lần như vậy, ông bà thông gia thường rất vui và cảm ơn nhiều. Thông gia cứ bảo, nhà bên ấy nhiều đồ ăn, việc mua bán rất tiện nên bên nhà không phải gửi, cứ để họ lo liệu chăm sóc cho con dâu. Tôi cũng bảo vì tiện xe và đồ ở quê nhiều nên tranh thủ gửi cho con cháu bồi bổ.
Hôm con gái sinh, vợ chồng tôi mấy lần định đến thăm con nhưng con rể và ông bà thông gia gọi bảo không phải về. Mọi việc ở cữ đã có gia đình bên này chăm sóc chu đáo. Vì thế, sau khi con gái sinh 3 tuần tôi mới về nhà chồng của con thăm. Do các con vẫn ở chung với nhà chồng nên chúng tôi xác định về đó 1 ngày rồi chiều tối lại bắt xe về.
Hôm đến thăm con gái, bà thông gia bưng mỗi bát cháo trắng với ít thịt băm lên. Thấy bữa ăn cho gái đẻ đạm bạc quá tôi hỏi:
“Gái đẻ mà chỉ ăn thế này thôi à chị?”
“Ừ, cháu nó cứ đòi ăn vậy bà ạ”.
Nhìn con gái ở cữ gầy guộc xanh xao tôi càng xót. Lúc bà thông gia ra chợ mua thêm đồ ăn, tôi vào tủ lạnh gia đình mở xem có gì nấu cho con gái ăn thêm được không thì thấy mấy bọc thực phẩm giấu tít bên trong tủ lạnh.
Tôi mở thử các bọc ấy ra có rất nhiều đồ ngon như thịt bò, tôm, gà, sườn… nên liền chọn mấy con tôm to hấp lên rồi bóc vỏ rồi bê vào cho con gái ăn. Con tôi ăn hết sạch, còn gật đầu tấm tắc khen ngon.
Chiều ấy khi tôi sắp về thì thông gia lại làm cho cháu một nồi cháo tôm trong khi cả nhà mâm cơm đầy ắp thịt cá ngon. Tôi lại mang ít thịt và hoa quả vào cho con gái ăn ngon lành. Thông gia ngượng quá giải thích, thấy nhiều người bảo ăn cháo sau sinh có tác dụng bổ thận, thông sữa, tránh táo bón rất tốt cho sản phụ nên bà cứ làm theo.
Thật chưa thấy ai tệ như bà thông gia, con dâu ở cữ mà ngày nào cũng chỉ cho ăn cháo, trong khi tủ thì đầy ắp đồ ngon. Tôi nghĩ thế mà không dám nói ra vì sợ thông gia tự ái bảo tôi chăm được gái đẻ thì đón về bên đó mà chăm. Đã phải hầu hạ cho mà giờ ngồi đó để rồi chê với trách.
Xót con quá chiều ấy tôi xin phép đón luôn con gái về bên ngoại ở cữ vì không chịu nổi cảnh ngày nào cả nhà chồng nó cũng nấu đồ ăn thơm nức, còn gái mới đẻ được có mấy bát cháo.
Xót con quá chiều ấy tôi xin phép đón luôn mẹ con cháu về bên ngoại ở cữ. (Ảnh minh họa)
Những ngày này con gái và cháu ngoại đã về nhà tôi ở cữ rồi. Hàng ngày tôi cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm và ăn 6 bữa/ngày. Nhưng do ở cữ lâu nên tôi hơi bí thực đơn, không biết nên cho con ăn thế nào chuẩn nhất để con mau hồi phục, đủ sữa cho con bú. Mẹ nào biết thì mách tôi với.
Nhu cầu dinh dưỡng sau sinh của bà mẹ đang nuôi con bú
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ đang nuôi con bú khá cao, thậm chí cao hơn so với thời kỳ đang mang thai vì bà mẹ mất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng qua việc mất máu khi chuyển dạ, sản xuất sữa non và sữa nuôi con ngay sau khi sinh.
Nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang cho con bú sẽ cao hơn khoảng 500 kcal/ngày so với phụ nữ khi chưa mang thai. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ cho con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong giai đoạn mang thai. Cụ thể là:
Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, tăng 10 - 12kg: Cần đảm bảo nhu cầu năng lượng đạt 2.260 kcal/ngày đối với người lao động nhẹ, 2.550 kcal/ngày đối với người lao động trung bình;
Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng không tốt, tăng dưới 10kg: Cần đa dạng thực phẩm và ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng lượng khi nuôi con bú.
Nhu cầu về các chất dinh dưỡng
Chất đạm: Trong 6 tháng đầu sau sinh, tổng lượng đạm cần cung cấp cho phụ nữ đang cho con bú là 79g/ngày. Trong 6 tháng tiếp theo, tổng lượng chất đạm cần cung cấp là 73g/ngày. Về tỷ trọng, lượng đạm động vật nên chiếm trên 30% tổng protein tiêu thụ. Các bà mẹ sau sinh nên chọn thực phẩm có hàm lượng đạm cao như cá, thịt, trứng, sữa, đậu đỗ,...
Chất béo: Lượng chất béo cần cung cấp cho bà mẹ đang nuôi con bú nên chiếm 20 - 30% năng lượng khẩu phần. Các chất béo như EPD, DHA, n3, n6,... có nhiều trong dầu cá, một số loại cá mỡ, một số loại dầu thực vật,... được khuyến khích sử dụng vì chúng rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị lực của bé.
Vitamin và khoáng chất: Cần bổ sung đầy đủ cho người mẹ đang nuôi con bú. Theo đó, bà mẹ sau sinh nên ăn trên 400g trái cây, rau củ mỗi ngày và ăn đủ chất xơ để tránh táo bón.
Nước: Để sản xuất đủ sữa cho nhu cầu của bé, bà mẹ đang cho con bú nên uống khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày.
Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng sau sinh hợp lý
- Tăng số bữa ăn trong ngày
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh và nuôi con bú tăng cao nên khẩu phần ăn cả ngày nên được chia thành nhiều bữa: 3 - 6 bữa/ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.
- Đa dạng các nhóm thực phẩm
Bữa ăn của bà mẹ đang nuôi con bú nên đa dạng các loại thực phẩm với đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là: Đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Một chế độ ăn cân bằng, phối hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau gồm:
+ Tinh bột: Cơm, mì, phở, bánh mì, khoai tây,...
+ Chế phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, phô mai,...
+ Chất béo: Dầu cá, các loại cá vùng biển lạnh, các loại hạt…
+ Protein: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu, mè, ngũ cốc,...
+ Vitamin và khoáng chất: Có trong các loại rau củ và trái cây.
+ Nước: Nên uống 12 - 15 cốc nước mỗi ngày.
Hằng ngày, bà mẹ đang nuôi con bú cần lượng thực phẩm gồm: 450 - 500g ngũ cốc, 50 - 100g đậu và chế phẩm từ đậu, 80 - 100g cá và thịt, 40 - 50g trứng, 300 - 400g rau, 100 - 200g hoa quả, 20g dầu mỡ.