Nhiều chị em nghĩ rằng dùng nước muối hay nước chè để vệ sinh "vùng kín" là sạch sẽ. Tuy nhiên điều này liệu có an toàn?
Bác sĩ Tạ Việt Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) và Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà sẽ giúp quý độc giả giải đáp thắc mắc về căn bệnh viêm âm đạo.
Chào bác sĩ, tôi năm nay 30 tuổi đã kết hôn. Tôi là người vệ sinh rất sạch sẽ, ngày thay quần lót 2 lần, trước và sau quan hệ đều vệ sinh nhưng gần đây lại được chẩn đoán mắc viêm âm đạo. Tôi nghi ngờ chồng mình ngoại tình nên đã mang bệnh về cho vợ. Liệu phụ nữ có thể bị viêm âm đạo vì lây bệnh từ chồng không, tôi có cần phải đưa anh đi khám?
Thực chất mà nói thì trong trường hợp này không nên tin ai, nếu không có bằng chứng rõ ràng. Nếu nói không quan hệ với ai là chỉ khi có mặt vợ ở đó, nếu không thì những bác sĩ như chúng tôi sẽ có cách để người chồng phải khai ra sự thật.
Vậy nên việc người vợ ép đi khám, thì trước hết bản thân người vợ phải đi khám trước vì cơ thể mình đang mắc bệnh. Điều thứ 2 là nguyên nhân từ đâu? Điều này anh chồng nếu đi khám thì là điều rất tuyệt vời. Còn việc cứ đưa nhau ra truy tố thì tôi nghĩ không nên vì chỉ nhận được lời nói dối.
Thưa bác sĩ, làm thế nào để tự kiểm tra xem bản thân có bị viêm âm đạo hay không? Em năm nay 17 tuổi, em lo lắng liệu đi khám viêm âm đạo có thể làm “mất trinh” không? Có những dấu hiệu gì để nhận biết căn bệnh này?
Việc một cô gái còn trinh tiết đi khám phụ khoa bao giờ cũng e ngại. Còn việc viêm nhiễm âm đạo thì như đã nói, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu khẳng định vẫn còn trinh tiết thì trước khi khám cần phải thông báo cho bác sĩ trước, để bác sĩ khám cho mình khi dùng dụng cụ khám không dùng những dụng cụ làm giãn rộng màng trinh của mình ra.
Tất nhiên, với những trường hợp này nên có người thân hoặc nếu chưa đến tuổi vị thành niên thì phải có người giám hộ bên cạnh. Bởi bác sĩ chúng tôi khám là vì người bệnh, nhưng sau khi khám xong lại đổ lỗi cho bác sĩ, nhất là bác sĩ nam là làm mất màng trinh thì rất rắc rối.
Chào bác sĩ, tôi thường hay dùng nước muối pha loãng hoặc đun nước chè xanh để vệ sinh “vùng kín” hàng ngày, đặc biệt là những ngày đèn đỏ. Đôi khi tôi cảm thấy vẫn bị ngứa và có lúc nổi mẩn đỏ ở quanh khu vực này. Bác sĩ cho tôi hỏi cách vệ sinh như vậy có giúp ngăn ngừa viêm âm đạo hay các bệnh phụ khoa hay không?
Việc dùng nước trà xanh đun để vệ sinh vùng kín chỉ làm mất thời gian. Còn những chấm đỏ như bạn miêu tả thì tôi nghĩ có thể do kích ứng của băng vệ sinh hoặc do nấm. Nếu do băng vệ sinh chúng ta có nhiều phương án loại trừ nó ra một cách dễ dàng.
Ví dụ như dùng tăm bông để làm giãn cạnh băng vệ sinh ra như vậy không làm cọ vào vùng kín, nếu làm vậy mà mất những mẩn đỏ đi thì chúng ta xác định được nguyên nhân và xử lý bằng cách đổi sang loại khác. Còn nếu không phải dùng băng vệ sinh mà vẫn có triệu chứng như vậy thì phải đi khám để xác định nguyên nhân.
Đối với việc dùng nước muối pha loãng để vệ sinh âm đạo, tôi khẳng định rằng nước muối chỉ có lợi với những vết thương hở, còn ai nghĩ rằng nước muối rửa bộ phận sinh dục để dễ chịu hơn thì tôi nghĩ không phải.
Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản, nếu đi tắm biển xong mà không tắm tráng người thì có khó chịu không? Chắc chắn là da rất khó chịu, dù nước biển cũng rất loãng. Đó là ở những nơi không phải nhạy cảm như ở lưng, ở da, ở đùi... Như vậy thì dùng nước muối rửa âm đạo thì chắc chắn cũng rất khó chịu. Vì thế nếu bộ phận không có vết thương mà dùng nước muối rửa thì hoàn toàn vô nghĩa.
Chào bác sĩ, tôi có con gái 8 tuổi. Gần đây, bé hay kêu bị ngứa “vùng kín”, đặc biệt là vào ban đêm. Đôi khi tôi cũng thấy có dịch lạ màu trắng đục lẫn xanh dính trên quần lót của con. Tôi có đọc được bài viết nói rằng trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm âm đạo, có những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị viêm âm đạo?
Với trường hợp này, con bạn có khả năng là nhiễm giun kim. Đặc biệt là bị ngứa vào ban đêm thì điều đó phù hợp với chu trình phát triển của giun kim chui ra từ hậu môn, sau đó chui ngược vào âm đạo và gây ngứa, viêm nhiễm.
Vì thế tốt là nên cho em bé tẩy giun. Sau đó tiếp tục theo dõi xem em bé có còn dịch âm đạo đó nữa hay không. Nếu vẫn còn thì hãy đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám. Thường những trường hợp như em bé này thì tẩy giun là sẽ hết.
Gần đây, tôi có đọc được một vài thông tin liệt kê một số thực phẩm có thể gây viêm âm đạo như là đồ cay nóng, đồ ăn dầu mỡ hay đồ ngọt vì nó làm tăng tiết dịch âm đạo. Tuần trước, tôi phát hiện mình mắc viêm âm đạo và tôi cũng có sở thích ăn đồ ngọt rất nhiều. Vậy liệu những thực phẩm trên có thật sự gây bệnh phụ khoa, tôi có cần kiêng những món gì khi bị viêm âm đạo?