Nhiều người thường nghĩ viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa chỉ gặp ở những phụ nữ có gia đình, đã sinh con hoặc ở các bạn trẻ quan hệ tình dục quá sớm mà ít người để ý rằng, các bé gái cũng có nguy cơ bị viêm âm đạo.
Bị viêm âm đạo do nghi bị nhét chất bẩn vào vùng kín
Gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin một phụ huynh sống tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tố cáo một nữ giáo viên đang công tác tại trường mầm non cùng xã vì cho rằng cô này có hành vi nhét chất bẩn vào vùng kín của con gái mình.
Bé gái ở Thái Nguyên bị viêm âm đạo nghi bị nhét chất bẩn vào vùng kín. Ảnh: Internet
Theo chia sẻ của bà mẹ này, cách đây không lâu, sau khi đón con gái 5 tuổi đi học về, chị thấy bé kêu đau bên dưới. Kiểm tra thì thấy vùng kín của bé có nhiều chất nhầy màu trắng vàng. Khi gặng hỏi, cháu bé cho biết đã bị cô giáo kéo vào nhà vệ sinh và nhét gì đó vào vùng kín.
Cũng theo bà mẹ này, bé đã được đưa đi kiểm tra tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và bác sĩ kết luận, cháu bé bị viêm âm đạo do tạp khuẩn. Dù đã được vệ sinh sạch sẽ và uống kháng sinh nhiều ngày nhưng vùng kín của bé chỉ đỡ hơn chứ chưa khỏi hoàn toàn.
Sự việc trên đã khiến nhiều người, nhất là những bà mẹ có con gái phải giật mình, xót xa cho cháu bé tội nghiệp. Bởi lẽ, viêm âm đạo là căn bệnh tuy không nguy hiểm nhưng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu, bứt rứt, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Đặc biệt, theo các bác sĩ, ở độ tuổi còn quá nhỏ, bộ phận sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, nếu viêm âm đạo không được chữa trị dứt điểm, rất có thể sẽ tái phát, gây nhiều phiền toái về sức khỏe sinh sản cho trẻ về sau.
Trẻ nhiễm giun kim làm gia tăng nguy cơ bị viêm âm đạo
Từ trước đến nay, nhiều người thường nghĩ viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa chỉ gặp ở những phụ nữ có gia đình, đã sinh con hoặc ở các bạn trẻ quan hệ tình dục quá sớm mà ít người để ý rằng, các bé gái cũng có nguy cơ bị viêm âm đạo.
Ngoài việc bị nhét chất bẩn vào vùng kín gây viêm âm đạo như sự việc đề cập ở trên, thực tế tại các bệnh viện đã từng khám và điều trị cho nhiều bé gái bị viêm âm đạo do các nguyên nhân khác nhau (do di truyền, bất thường bộ phận sinh dục...). Trong đó, không ít trẻ em gái bị viêm âm đạo do nhiễm giun.
Như trường hợp của bé T (5 tuổi, ở Lạng Sơn) được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây không lâu vì vùng kín hay bị ngứa và ra nhiều dịch vàng. Kèm theo đó, bé chậm lớn, đêm ngủ trằn trọc, không sâu giấc.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được làm các xét nghiệm để loại trừ khả năng trẻ mắc các bệnh lý viêm nhiễm, dị dạng bộ phận tiết niệu sinh dục. Khi soi phân của trẻ, các bác sĩ nhận thấy trong phân có nhiều trứng giun kim
Trẻ em gái mắc giun kim sẽ gia tăng nguy cơ bị viêm âm đạo. Ảnh minh họa
Theo TS.BS Phạm Thu Hiền (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh giun kim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác và tái nhiễm nhiều lần do vệ sinh kém. Đặc biệt, ở một số trẻ em gái bị mắc giun kim, giun có thể theo phân từ hậu môn chui vào âm đạo gây tình trạng âm hộ - âm đạo của trẻ bị viêm nhiễm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây rất nhiều bất lợi cho sức khỏe của trẻ.
Biểu hiện trẻ bị viêm âm đạo do nhiễm giun kim
Giun kim là một loại giun nhỏ, sống chủ yếu ở đường tiêu hóa. Giun kim cái thường ra rìa hậu môn để đẻ trứng, vì vậy, mỗi lần đẻ trứng thì sẽ kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa, sưng tấy làm cho trẻ rất khó chịu.
Theo BS Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), ở các bé gái, giun kim thường bò ra âm đạo để đẻ trứng gây tình trạng ngứa ngáy, khó chịu (trẻ hay lấy tay gãi vùng kín). Tuy nhiên, nhiều bố mẹ vì quá lo lắng khi thấy con kêu ngứa lại nghĩ ngay đến các bệnh viêm nhiễm phụ khoa mà bỏ qua bệnh về ký sinh trùng.
Cũng theo BS Thọ, giun kim thường hay đẻ trứng vào cuối giờ chiều (18h - 19h), do đó, nếu thấy trẻ nhỏ kêu ngứa phần phụ vào buổi tối, bố mẹ có thể dùng đèn pin để soi xem có giun kim bò ra đẻ trứng hay không. Khi phát hiện có giun kim, bố mẹ cần tẩy giun đúng cách cho con theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Nhiều bà mẹ biết con mắc giun kim nhưng chủ quan tẩy giun cho trẻ không đúng hoặc tẩy không đủ liều nên trẻ hay bị tái nhiễm giun. Mãi đến khi con đã có nhiều biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng như: Âm hộ đỏ, đau, có mùi hôi, dịch tiết âm đạo bất thường, trẻ đau khi đi tiểu… mới đưa con đi khám. Điều này gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Để phòng ngừa các bệnh phụ khoa cho con, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ cần vệ sinh vùng kín tối thiểu 2 lần/ngày, sáng và tối cho con; không để con ngồi lê la dưới nền đất, đặc biệt là khi bé mặc váy hoặc chỉ mặc quần lót; không mặc quần lót quá chật cho con.
Bên cạnh đó, dạy trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cắt móng tay cho trẻ thường xuyên để tránh tạo nơi trú ngụ của ấu trùng giun đồng thời thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ để tránh giun, nhất là giun kim có cơ hội sinh sôi gây hại cho trẻ.