Viêm âm đạo là tình trạng bệnh gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho chị em mà hầu như ai cũng mắc phải. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh hiệu quả nhất cho căn bệnh này nhé!
Ngoài những căn bệnh phụ khoa phổ biến như viêm lộ tuyến cổ tử cung, polyp cổ tử cung hay ung thư tử cung, viêm âm đạo cũng xuất hiện nhiều không kém, thậm chí ai cũng từng mắc phải căn bệnh này.
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm dẫn đến tiết dịch bất thường, ngứa hoặc đau rát. Nguyên nhân thường gặp là do sự thay đổi trong cân bằng vi khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng vùng kín. Nồng độ estrogen giảm sau khi mãn kinh và một số vấn đề về da cũng có thể gây ra viêm âm đạo.
Đây là một tình trạng phổ biến, và hầu hết phụ nữ nào cũng gặp phải ít nhất một lần trong suốt cuộc đời họ.
Viêm âm đạo được chia ra làm nhiều loại, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra:
Nhiễm khuẩn âm đạo: Đây là kết quả của sự phát triển vi khuẩn quá mức bình thường trong âm đạo. Thông thường, với trường hợp này, vi khuẩn lactobacilli sẽ có nồng độ thấp hơn.
Viêm teo âm đạo: Nội mạc hoặc niêm mạc của âm đạo trở nên mỏng hơn khi nồng độ estrogen giảm trong thời kì mãn kinh, khiến âm đạo trở nên dễ bị kích ứng và viêm nhiễm.
Nấm Candida albicans: Một loại nấm gây ra tình trạng nhiễm nấm, hay còn gọi là nấm âm đạo. Candida tồn tại với một lượng nhỏ trong ruột và được kiểm soát bởi vi khuẩn đường ruột.
Trichomonas: Tình trạng này được gây ra bởi một kí sinh trùng đơn bào, lây lan qua đường tình dục. Nó cũng có thể nhiễm bệnh cho các phần khác của bộ phận sinh dục như đường niệu đạo.
Nguyên nhân viêm âm đạo
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm âm đạo, bao gồm nấm Candida, viêm do vi khuẩn hoặc nhiễm Trichomonas. Bệnh nhân mắc viêm âm đạo có tới 90% là qua tuổi dậy thì.
Trước khi dậy thì
- Vi khuẩn Streptococcus spp;
- Vệ sinh không đúng cách khiến vi khuẩn lây lan từ hậu môn đến bộ phận sinh dục.
- Thiếu hụt estrogen;
- Ít lông mu bảo vệ cơ quan sinh dục;
- Thiếu chất béo.
Sau khi dậy thì
- Vi khuẩn Gardnerella;
- Mang thai;
- Nồng độ estrogen thấp trong thời kì mãn kinh;
- Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.
Yếu tố khác
- Bệnh lậu;
- Bệnh Chlamydia;
- Vi khuẩn Mycoplasma;
- Bệnh herpes;
- Vi khuẩn campylobacter;
- Một số kí sinh trùng khác;
- Vệ sinh thân thể kém;
- Dị ứng với bao cao su, xà phòng, nước hoa, dung dịch tẩy rửa, thậm chí là tinh dịch;
- Kích ứng do băng vệ sinh;
- Thụt rửa âm đạo và sử dụng các sản phẩm cho vùng kín như thuốc xịt, chất diệt tinh trùng, thiết bị ngừa thai;
- Sử dụng kháng sinh;
- Mặc quần bó sát hoặc đồ lót ướt.
Dấu hiệu viêm âm đạo
Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm âm đạo bao gồm:
- Vùng sinh dục bị kích thích;
- Khí hư có màu trắng, xám, lỏng hoặc bọt;
- Viêm nhiễm, sưng tấy đỏ;
- Khó tiểu, đau hoặc khó chịu khi đi tiểu;
- Đau đớn khi quan hệ tình dục;
- Mùi âm đạo hôi hoặc tanh.
Cách chữa viêm âm đạo
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi về lịch sử y tế của bạn. Họ có thể sẽ lấy mẫu khí hư để xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm.
Nguyên nhân của căn bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra sự xuất hiện của dịch âm đạo, nồng độ pH cũng như mùi hôi.
Điều trị
Cách điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.
Một số loại thuốc thường được sử dụng giúp phục hồi sức khỏe từ căn bệnh này là:
- Kem Cortisone để điều trị kích ứng nghiêm trọng;
- Thuốc Butoconazole và Clotrimazole để điều trị nhiễm nấm;
- Thuốc kháng sinh như Metronidazole hoặc Clindamycin để chữa viêm âm đạo do vi khuẩn;
- Thuốc kháng Histamine nếu viêm xuất hiện do dị ứng;
- Kem bôi tại chỗ nếu nguyên nhân do nồng độ estrogen thấp.
Phòng tránh viêm âm đạo
Dưới đây là những phương pháp hay nhất được tổng hợp lại, giúp ngăn ngừa tối đa khả năng viêm nhiễm âm đạo:
- Vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín, nhưng không được thụt rửa âm đạo;
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ cho làn da, không mùi và không gây kích ứng;
- Mặc đồ lót làm từ cotton, mềm nhẹ, thoáng mát;
- Luôn lau từ trước ra sau khi vệ sinh vùng kín;
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái;
- Quan hệ tình dục an toàn.