Để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em hãy tham khảo các thông tin dưới đây nhé!
Mùa hè không chỉ có những trái mận, đào, vải thơm ngon mà bên cạnh đó sấu cũng là thứ quả đặc trưng của mùa này. Những quả sấu xanh ngắt, nhỏ, tròn từ lâu đã trở thành một nguyên liệu chế biến các món ăn thơm ngon phục vụ con người.
Trong Đông y, quả sấu được dùng chữa các chứng bệnh như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, ho, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa. Thậm chí sấu còn chữa được bệnh ói nghén cho phụ nữ mang thai.
Quả sấu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như sấu ngâm đường để giải khát, sấu ngâm mắm để ăn kèm cơm, sấu nấu các món canh chua hay sấu chín dầm, làm ô mai… cho chị em ăn vặt.
Tuy nhiên để chọn sấu sao cho ngon, hợp với cách chế biến không phải ai cũng biết cách.
Cách chọn sấu
Nhiều người chưa có kinh nghiệm thường thích những quả sấu xanh mướt, da mịn, trơn bóng nhưng thực chất những quả sấu này còn non, chỉ nên mua một ít về nấu canh hoặc chế biến trong vài ngày. Sấu non có nhiều thịt nhưng hạt lại mềm nên nếu để ngâm rất dễ bị ủng. Vì thế, để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em nên chọn loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần.
Để làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng, chị em nên chọn loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần (Ảnh: Tuyết Hoàng)
- Hoặc cũng có thể chọn loại sấu bánh tẻ vì lúc này thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, nên chỉ cần dùng ít quả mà vẫn được nồi canh ngon lành.
- Không nên chọn quả sấu quá già, hạt to, thịt sấu mỏng, chỉ gần gọt quả vỏ cũng đã vào gần đến hạt.
- Khi chọn, chị em chọn kỹ từng quả một để có được những quả sấu đủ tiêu chuẩn và không thâm, dập, thối.
Bảo quản sấu
Vì mùa sấu chỉ kéo dài từ 2-3 tháng cho nên hết mùa sấu cần phải bảo quản để có thể ăn sấu quanh năm. Chị em hãy tham khảo một số thông tin dưới đây để biết cách bảo quản:
- Sấu đem cạo vỏ chứ không gọt, rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại. Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị hơi chát của vỏ.
Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.
Nếu ngại gọt vỏ, bạn có thể tìm đến hàng chuyên chà vỏ sấu, máy chà sẽ làm rất nhanh và đều nhau.
Nên gọt, cạo vỏ sấu trước khi bảo quản (Ảnh: Phương Anh)
- Lưu ý, không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh. Để cả túi to như vậy sẽ khiến mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Vì vậy, hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ, với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
- Với sấu chín sẽ không còn nhựa, nên không cần cắt cuống hay cạo vỏ, bạn chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.