Bà xã Mạc Hồng Quân chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên cô làm thứ thức uống giải nhiệt này và "thành công xuất sắc".
Mùa hè nóng nực đang đến, cũng là mùa mà cơ thể chúng ta luôn cảm thấy háo nước nhất. Chị em nên chuẩn bị các công thức làm một số thức uống giải nhiệt để chăm sóc cả nhà. Trong số đó, sâm bí đao là một loại đồ uống thanh mát, thơm ngon mà chị em có thể tự làm ngay tại nhà.
Đầu mùa, người mẫu Kỳ Hân cũng đã thử áp dụng làm sâm bí đao. Cô chia sẻ đây là "lần đầu làm chuyện ấy" và đã "thành công xuất sắc". Khi khoe thành quả là nồi sâm bí đao to bự lên mạng xã hội, ông xã Mạc Hồng Quân cũng không khỏi ngạc nhiên và lập tức vào khen vợ: "Oách vậy". Kỳ Hân bày tỏ với nam cầu thủ rằng nấu chờ chồng về giải nhiệt.
Vợ chồng Kỳ Hân và Mạc Hồng Quân.
Nồi sâm bí đao đầy ắp mà Kỳ Hân "nấu chờ chồng về".
Trong khi đó, bạn bè của Mạc Hồng Quân đùa vui: "Thế bảo sao Quân ghi bàn ầm ầm". Lời nửa vui nửa thật của người bạn này xuất phát từ việc Mạc Hồng Quân đang lên phong độ tại V-League 2019. Ông xã Kỳ Hân có sự trở lại ấn tượng trong màu áo Than Quảng Ninh tại hai vòng liên tiếp vừa qua. Anh liên tục "chọc lưới" đối thủ, đem về chiến thắng cho đội nhà.
Ngoài những lời khen ngợi dành cho Kỳ Hân, không ít người cũng thắc mắc về tác dụng của loại nước này. Theo nữ người mẫu món này chỉ để uống cho mát nhưng thực ra nó còn có nhiều tác dụng kỳ diệu hơn thế. Không chỉ giải nhiệt, nước sâm bí đao còn là thức uống rất bổ dưỡng, đẹp da, mượt tóc, chống say nắng hiệu quả.
Nước sâm bí đao được làm từ các thành phần bí đao, mía lau, lá dứa, thục địa, quả la hán. Mỗi thành phần này lại có một tác dụng riêng đối với cơ thể:
- Bí đao có thành phần chủ yếu nước, nhiều chất xơ, không chứa lipid, bao gồm protid, glucid, canxi, sắt, nhiều loại vitamin (A, B1, B2, B3, B9, C, E…) và khoáng chất như kali, phốt pho, magiê…
- Mía lau có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, giải nóng trong, trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, suy tim, táo bón...
Các nguyên liệu dùng để nấu sâm bí đao.
- Lá dứa: Được dùng rất nhiều trong ẩm thực dân gian như nấu chè, làm bánh, làm kem.. tạo mùi thơm hấp dẫn. Nó còn có tác dụng ổn định đường huyết của người bị bệnh tiểu đường loại 2 hiệu quả.
- Thục địa: Có tác dụng bổ huyết, chữa thiếu máu, giảm mệt mỏi, làm điều kinh, bổ thận, sáng mắt, đen râu tóc, điều kinh, sinh tinh.
- Quả la hán: Đây là một loại quả rất lành và tốt cho sức khỏe. Được dùng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh như tiểu đường, béo phì... Loại quả này thường xuyên được sử dụng làm nước uống thanh nhiệt giải khát, thải độc cho cơ thể.
Tham khảo công thức nấu sâm bí đao tại nhà:
- 1,5kg bí đao (chọn mua loại già, tươi, không bị giập nát)
- 4 khúc mía lau bằng gang tay
- 10 cọng lá dứa (lá nếp)
- 1 quả la hán
- 20g thục địa
- 4 lít nước lạnh
- Chuẩn bị nồi 5l và dụng cụ đựng nước sâm bí đao
Loại thức uống này không hề khó thực hiện, nguyên liệu dễ kiếm mà giá lại rẻ.
Thực hiện:
- Rửa sạch tất cả các nguyên liệu và để ráo nước.
- Mía chẻ từng khúc ngắn, chẻ nhỏ, đặt dưới đáy nồi. Bí đao đừng gọt vỏ và đừng bỏ ruột. Cắt từng lát tròn mỏng rồi cho vào nồi. Thục địa bạn cắt từng miếng nhỏ. La hán bóp ra và cho vào nồi.
- Cho nước lạnh vào nồi, bật bếp, đun sôi. Khi nồi nước sôi thì để nhỏ lửa đến khi bí đao mềm (khoảng 1 tiếng). Cho tiếp lá dứa vào, khoảng 5 phút thì tắt bếp.
- Đậy nắp nồi và để cho nước nguội rồi lọc lược bỏ phần cái và lấy phần nước.
Thức uống giải nhiệt bổ dưỡng cho ngày hè lại giúp đẹp da, mượt tóc.
Lưu ý:
- Không nên sử dụng đường vào thức uống này hoặc dùng đường phèn để không làm mất đi vị ngon của sâm.
- Có thể cho vào tủ lạnh để uống cho mát.
* Đặc biệt: Do có tính hàn nên nước sâm bí đao không thích hợp cho người huyết áp thấp và người có cơ địa hàn.