Chị em không hề biết những thói quen thường làm khi luộc thịt lại vô tình khiến thịt mất đi chất dinh dưỡng, thậm chí còn làm những chất có hại ngấm ngược vào trong.
Luộc thịt bằng nước lạnh
Muốn thịt ngọt thì luộc bằng nước sôi còn muốn nước ngọt thì luộc bằng nước lạnh.
Thông thường, chị em thường luộc thịt bằng nước lạnh ngay từ đầu. Cách thường làm là trần thịt qua nước sôi rồi rửa lại lần đầu. Sau đó, cho thịt vào nồi nước lạnh rồi luộc trên bếp cho đến khi chín. Nhưng theo đầu bếp chuyên nghiệp thì muốn miếng thịt lợn ngon, ngọt đậm thì cách làm tốt nhất là luộc thịt bằng nước sôi.
Theo phân tích của các chuyên gia, với cách luộc này, khi thả miếng thịt chưa chín (có thể đã trần và rửa qua) vào nồi nước sôi sẽ làm các thớ thịt và hợp chất protein se cứng đóng vón lại, các chất protein bên trong không thôi ra được.
Như vậy, khi luộc thịt bằng nước sôi, thịt ăn vào có thể có cảm giác ngon ngọt hơn so với việc bỏ thịt vào nồi nước lạnh rồi mới luộc. Cách này cũng sẽ giữ được chất dinh dưỡng hơn (không bị phân hủy do bị đun sôi quá lâu).
Còn nếu chị em muốn dùng nước luộc để nấu canh thì có thể làm theo cách thông thường là luộc bằng nước lạnh để chất ngọt từ thịt có thể tiết ra ngoài. Nhưng cách này phải chấp nhận là miếng thịt không còn ngon ngọt bằng luộc với nước sôi.
Cho thêm nước lạnh khi đang luộc
Thêm nước lạnh khi đang luộc sẽ khiến thịt mất đi chất dinh dưỡng
Khi đang luộc thịt mà sợ nước bị cạn, cách xử lý của phần lớn chị em là đổ thêm nước lạnh vào luộc tiếp. Tuy nhiên, việc làm này vô hình chung sẽ khiến thịt mất đi độ ngon.
Bởi khi thịt đang luộc dở ở nhiệt độ cao, việc chế thêm nước lạnh sẽ làm các protein và chất béo trong thịt, xương lập tức bị kết tủa, làm thịt co lại và cứng, không chỉ làm mất đi dinh dưỡng mà mùi vị cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, chị em cần ước lượng số nước luộc thịt chuẩn ngay từ đầu để không bị rơi vào tình trạng trên.
Chọc đũa để kiểm tra thịt
Khi muốn kiểm tra thịt đã chín chưa, chị em thường lấy đầu đũa để chọc vào miếng thịt. Tuy nhiên, nếu làm như vậy quá nhiều thì các chất ngọt và hương vị trong thịt sẽ bị tan ra, khiến chất và mùi vị của thịt sẽ không còn được ngon.
Chị em cần canh giờ chuẩn để thịt chín. Tùy từng độ dày, mỏng của miếng thịt mà thời gian chín của miếng thịt có thể từ 30-60 phút.
Chị em cũng không nên đun thịt quá kỹ bởi thịt được để trong nhiệt độ 200 – 300 độ C trong thời gian dài sẽ khiến axit amin, creatinin, đường và các hợp chất vô hại trong thịt xảy ra phản ứng hóa học, hình thành các axit amino aromatic.
Chị em chỉ nên nấu cho thịt vừa đủ mềm và thường xuyên hớt bọt trong khi luộc để miếng thịt được sạch, thơm.
Cách luộc thịt chân giò giòn, ngon
Thịt chân giò được sơ chế sạch, cuộn chặt
Nguyên liệu: 8 lạng thịt chân giò; Gia vị: hạt tiêu, muối, nước mắm, hạt nêm; dây buộc.
Cách làm:
Bước 1: Thịt chân giò mua về rửa lại nhiều với nước muối, để ráo. Ướp 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 2 thìa cà phê hạt nêm vào bên trong miếng thịt chân giò.
Bước 2: Dùng tay cuộn tròn thịt chân giò vào trong lớp da theo chiều dài như bó giò và dùng dây bó chắc phần giò đã cuộn từ đầu này đến đầu kia.
Khi cuộn phải thật chắc tay để lúc luộc các khối thịt sẽ dính kết vào nhau, tạo thành khoanh tròn đẹp mắt và không bị nát khi cắt.
Đợi nước sôi hãy cho thịt chân giò vào luộc
Bước 3: Cho vào nồi nước luộc 1 thìa cà phê muối. Khi nước sôi, cho thịt chân giò vào nồi. Khi nước sôi được 10 phút, để lửa nhỏ liu riu cho thịt chân giò được chín kỹ vào bên trong.
Tùy từng cuộn thịt to hay nhỏ mà thời gian luộc khoảng từ 30-45 phút. (tính từ sau khi để lửa nhỏ liu riu)
Ngâm thịt vào nước đá có pha chút muối
Bước 4: Khi thịt chân giò chín, tắt bếp. Vớt thịt ngâm vào 1 bát nước đá cho pha chút muối để thịt được trắng. Sau đó, vớt ra cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 3 tiếng cho thịt săn dính lại.
Thịt chân giò luộc được thái khoanh đẹp mắt
Khi ăn, tháo dây buộc, cắt thịt chân giò thành từng miếng theo khoanh. Ăn kèm nước mắm, cắt vài lát ớt cùng dưa cải chua.