Hầu hết các nàng dâu cho biết đều chuẩn bị nem, nộm, giò, bánh chưng trước cho mâm cỗ Tết.
Tết là thời điểm mà dường như ai cũng mong ngóng bởi đó là lúc gia đình được sum vầy đoàn tụ, là khoảng thời gian được nghỉ ngơi sau một năm vất vả làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui đó vẫn còn những nỗi lo thường trực như chuẩn bị mâm cỗ Tết sao cho đầy đủ thắp hương gia tiên, thần linh. Và có lẽ những ngày Tết này, mâm cỗ Tết khiến các nàng dâu lo lắng hơn cả.
Những món ăn có thể chuẩn bị được trước
Để giảm bớt những vất vả làm mâm cỗ trong ngày Tết, nhiều nàng dâu cho biết, họ thường chuẩn bị trước những món ăn có thể để lâu được, bảo quản trong tủ lạnh.
Chia sẻ về cách làm mâm cỗ Tết nhàn tênh, chị Trần Kiều Chinh cho biết, chị thường chuẩn bị trước những món nem rán, nộm để ngày mồng một không phải vất vả trộn và gói nem.
“Với nem mình gói hết trước rồi rán sơ đến khi có khách mình chỉ việc đem ra rán lại cho nóng thôi. Vào những ngày Tết làm cơm thắp hương, mình chỉ làm những món canh cho nóng”, chị Chinh cho biết.
Chị Chinh thường chuẩn bị trước những món nem, nộm trước.
Cũng giống như chị Chinh, chị Nguyễn Linh thường làm thịt gà, nem, giò trước để mâm cỗ những ngày Tết đơn giản và nhanh gọn, không mất thời gian hơn.
“Bánh chưng, giò, chả là những thứ nhà mình mua với làm trước. Ngoài ra trước đó, mình cùng gia đình gói nem, rán qua cất tủ lạnh hay làm nộm, giò nấu đông nhiều cho những ngày Tết để sau đó không phải vất vả nữa. Sáng mồng 1, mồng 2, mồng 3 chỉ việc nấu canh măng, canh xương thôi. Mâm cỗ Việt Nam toàn những món truyền thống dễ làm nên mình không gặp khó khăn nhiều”, chị Nguyễn Linh cho biết.
Chị Nguyễn Linh thường làm thịt gà, nem, giò trước để mâm cỗ những ngày Tết đơn giản và nhanh gọn, không mất thời gian hơn
Đối với các nàng dâu, mặc dù ngày Tết còn nhiều nỗi lo nhưng họ vẫn không hề than phiền bởi đó là những ngày hạnh phúc khi được vui vẻ bên gia đình, người thân. Đặc biệt với 2 nàng dâu ở cuối clip dù không giỏi nấu ăn nhưng họ vẫn cảm thấy ấm áp hơn khi nhận được những lời khen động viên, sự quan tâm, chia sẻ của chồng, bố mẹ chồng.
Sự chung tay vun vén đó của tất cả các thành viên đã khiến cho ngày Tết thêm phần trọn vẹn và ý nghĩa.
Tham khảo thêm cách làm nem rán vàng giòn, 100 cái như 1:
Nguyên liệu:
- Thịt nạc vai: 300g.
- 30g miến dong, 2 cái mọc nhĩ, 2 quả trứng vịt.
- 1 củ cà rốt nhỏ, 1 củ hành tây, 100g giá đỗ, hành lá.
- 1 thếp bánh đa nem.
- Gia vị, tiêu, tỏi, chanh, ớt, giấm, đường, nước mắm.
Cách làm:
Thịt nạc vai, rửa sạch, bằm hoặc xay nhỏ. Mọc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, sau đó rửa sạch, thái sợi, xắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo, dùng kéo cắt khúc cỡ 1,5-2cm. Chú ý miến chỉ ngâm khoảng 2-3 phút cho sợi mềm, dễ cắt là được, không ngâm lâu quá miến bị nhũn, nem không ngon.
Hành tây, bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sau đó cắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó thái sợi. Giá đỗ rửa sạch, vớt ra để ráo, dùng tay bóp nát cho bớt nước để nhân nem không bị ra nước khi gói. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ. Chú ý: để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không xắt nhỏ quá và độ dài của các loại nguyên liệu nên dài ngắn khác nhau.
Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với chút gia vị, tiêu cho vừa khẩu vị, để khoảng 5’ cho nhân ngấm gia vị.
Cho lòng đỏ trứng vịt vào tô chứa nhân nem ở trên trộn đều. Để nhân nem không bị ướt quá thì mình chỉ sử dụng lòng đỏ trứng, không dùng lòng trắng.
Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa dấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán. Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước –dấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn chiên nem rất dễ bị bục.
Bạn thực hiện như trên cho đến khi hết lượng nhân đã chuẩn bị.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt.
Trong lúc chờ nem chín, bạn chuẩn bị pha nước chấm nem. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch và cũng băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Bạn pha nước chấm nem theo tỷ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 nước cốt chanh và 4-5 nước tùy thuộc vào độ mặn của nước mắm bạn dùng. Hòa tan hoàn toàn hỗn hợp trên, sau đó cho tỏi, ớt đã bằm nhỏ vào trộn đều. Để có một bát nước chấm ngon, tỏi ớt nổi đẹp mắt thì tỏi chỉ bằm nhỏ, không được đập giập, chanh trước khi vắt nên gọt vỏ.