Nhiều độc giả ở nước ngoài chia sẻ, dù xa xứ bao năm nhưng họ vẫn giữ được truyền thống của ngày Rằm tháng Bảy rất long trọng, tựa như họ luôn mang hồn Tổ quốc ở bên mình.
Xuất phát từ câu chuyện xa xưa, Rằm tháng Bảy vừa được coi là ngày lễ Vu Lan báo hiếu cho cha mẹ, vừa là ngày cúng chúng sinh với mong muốn các linh hồn được siêu thoát. Cho nên, với người Việt - luôn coi trọng nghi lễ, tổ tiên thì việc ăn chay vào những ngày này cũng là một trong những cách để đền ơn những người đã sinh thành ra mình và mong cho những "cô hồn" lang thang đây đó "không nơi nương tựa" được siêu thoát, để thấy mình thanh thản hơn.
Đối với những người Việt ở nước ngoài, dù xa xứ bao năm nhưng họ vẫn giữ được truyền thống của ngày Rằm này rất long trọng, tựa như họ luôn mang hồn Tổ quốc ở bên mình.
Chị Nhữ Hoa Kim Ngân, giáo sư Vật lý, Trường Đại học sư phạm Krakow ở Ba Lan chia sẻ, "Lễ Vu Lan được tổ chức tại nhiều thành phố lớn ở Ba Lan, do chi hội người Việt ở từng thành phố đảm nhiệm. Nhiều người tự nguyện tham gia, người cắt chữ, chuẩn bị phông màn, người mua và cắm hoa, người phụ trách… và mọi việc được Ban tổ chức quán xuyến toàn bộ, nhất là khâu tổ chức toàn bộ buổi lễ theo đúng qui trình".
Cỗ cúng cô hồn của một nhóm người Việt ở Ba Lan (Ảnh độc giả cung cấp)
Bông hồng cài áo ngày Vu Lan
Chị Kim Ngân còn cho biết, nơi tổ chức lễ thường được chọn ở một quán ăn của người Việt. Phòng tổ chức khá rộng rãi, thuận tiện luôn cho cả việc tổ chức bữa cơm chay sau đó. Nhưng cũng có năm, ngày này được tổ chức ở một hội trường thuê gần chỗ nơi làm ăn buôn bán của người Việt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều người cùng được tham gia.
Chị Nhữ Hoa Kim Ngân chia sẻ hình ảnh mâm cỗ chay trong buổi lễ chung ngày Rằm tháng Bảy của người Việt ở Ba Lan
Nhiều người Việt tham gia buổi lễ chung này. Trước đó hoặc sau đó, ở nhà họ sẽ chỉ thắp hương bàn thờ. Còn những người không tham gia được sẽ làm mâm cơm chay tại gia. Bàn thờ cúng lớn với xôi chè, hoa quả, bánh nường bánh dẻo chay... và các món như nộm xu hào ca rốt, nem chay, đậu phụ kho cà chua, ngô rang giòn, rau (cải, cà rốt…) xào nấm, canh rau, cơm, xôi vò, chè (ăn với xôi vò), bánh nướng bánh dẻo chay (nhân hạt sen…). Tất cả đều mang chất đặc trưng món ăn của người Việt.
Còn chị Lâm Anh Đào, một người Việt kiều sống ở Úc đã lâu chia sẻ rằng, “Mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh”.
Những món chay thường mà người việt Kiều ở đây thường làm cũng rất đơn giản tuy nhiên, theo chị Lâm Anh Đào, “do nguyên liệu không nhiều như trong nước nên một món chay vẫn có thêm trứng gà công nghiệp”. Hơn nữa, mọi người ăn chay thành tâm là chủ yếu nên cũng không quá quan trọng trong thành phần có gì.
Chị Anh Đào còn cho biết, vào những ngày lễ lớn thì chùa thường nấu các món chay như canh thanh tịnh. Mì ngủ sắc, chả giò chay, bò kho chay hay bún riêu chay… Chị đã chia sẻ những hình ảnh về mâm cơm chay của gia đình mình.
Mâm cơm chay Rằm tháng Bảy của gia đình chị Lâm Anh Đào
Trứng vẫn được sử dụng trong món chay
Bắp cải xào ngũ sắc
Cà tím sốt xì dầu
Món nem chay
Canh nấm chay
Đậu phụ sốt chay
Chị Lâm Anh Đào bên món nem chay được chị trang trí đẹp mắt