Thành quả làm bánh bông lan của nghệ sĩ Chiều Xuân làm nhiều người phì cười nhưng cũng động viên cô "xấu xí nhưng chất lượng là được".
Nghệ sĩ Chiều Xuân từng chia sẻ, ông xã của cô - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mới là "bếp trưởng" trong gia đình. Cô nói rằng mình và chồng gắn bó với nhau chính là bởi nữ nghệ sĩ nể tài nấu nướng của nhạc sĩ họ Đỗ. Tài nấu nướng như là một tài lẻ của Đỗ Hồng Quân, là sở thích có từ trong máu chứ không chỉ để chiều lòng vợ.
Tuy nhiên nữ diễn viên nổi tiếng của làng điện ảnh Việt cũng đã thổ lộ rằng, thú vui vào bếp và mê ẩm thực thì cả nhà cô đều có. Trong mùa dịch này, Chiều Xuân cũng tập tành nấu nướng và làm vlog. Mới đây, cô còn thử làm bánh bông lan nhưng kết quả chưa được ưng ý lắm.
Chiếc bánh bông lan có hình thù mà Chiều Xuân tự nhận "xấu xí".
Nữ nghệ sĩ đã lên chức bà ngoại tâm sự về "tác phẩm" bánh bông lan có hình thù kỳ lạ của mình: "Bà ngoại cháu cũng đã làm được một chiếc bánh bông lan rồi ạ. Bánh xấu xí nhưng chất lượng thì ngon ạ. Mong các cao thủ bếp núc chỉ giáo".
Bạn bè, người quen và dân mạng hào hứng bình luận: "Cái bánh nhìn vui quá vậy cô", "Nhìn hoạ tiết em nhớ đến 10 con rồng đất của Trạng Quỳnh", "Trang trí nhìn ngộ quá cô ạ","Bánh bông lan trừu tượng", "Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao", "Kem trát như mây bay đỉnh núi chị nhể", "Bánh này là huyền thoại ấy chị nhỉ", "Con nhìn kem mà con cười xỉu".... Chiều Xuân còn hài hước đặt tên cho chiếc bánh của mình là "Núi rừng ơi".
Tuy nhiên nữ nghệ sĩ cho biết bánh vẫn ngon, còn có hương bưởi.
Nhiều người an ủi Chiều Xuân: "Cốt bánh chuẩn rồi bạn, chỉ còn phần trang trí nữa thôi. Làm nhiều, quen tay sẽ đẹp", "Hình thức chiếm 30. Chất lượng chiếm 70. Bác nhớ phần em", "Bề ngoài không quan trọng, miễn bánh thơm ngon béo ngậy là quá ok rồi chị ạ", "Xấu xí nhưng chất lượng là được", "Không chuyên vậy là được rồi tuy nhìn có vẻ còn cứng chưa hoa lá cành"...
Chiều Xuân chia sẻ cô chưa biết làm hoa kem và mùa dịch này không kiềm được đồ làm hoa. Không ít người cũng chỉ cho nữ nghệ sĩ cách xử lý với chiếc bánh này. Một bạn khuyên: "Cô dùng dao cắt bánh hoặc dao thường, cắt gọt hết phần vỏ ngoài cạnh và mặt trên bánh, xong trát như trát vữa xây nhà 1 lớp nha, rồi hãy bắt kem nhé. Cháu cũng mò mẫm chứ không chuyên". Chiều Xuân lập tức cảm ơn: "A hay quá, một ý kiến hay. Lần sau làm cô sẽ thử. Cô cảm ơn cháu nhiều nha".
Trước đó Chiều Xuân đã thử làm bánh bông lan tại nhà để nhâm nhi thế này.
Một người bạn động viên Chiều Xuân làm mãi sẽ quen tay và truyền cho cô bí kíp: "Đừng để bọt khí nhiều, bánh sẽ không mịn. Phô mai đánh với đường ngay từ đầu. Cho tiếp bơ và sữa tươi tan chẩy vào đánh. Tiếp là cho bột mì và bột ngô vào + lòng đỏ trứng đánh đều lên. Đánh bông lòng trắng và đường lên, trộn 2 hỗn hợp vào rồi đồ khuôn nướng".
Ngoài làm bánh, nghệ sĩ Chiều Xuân còn trổ tài làm giá đỗ.
"Ngón nghề" này thì cô lại thành công xuất sắc.
Cô hài hước: "Chị Xuân Vê Lốc nhân những ngày Cô Vít đã học được cách làm giá đỗ cực ngon không có rễ với một chiếc áo len".
XEM VIDEO: Nghệ sĩ Chiều Xuân hướng dẫn làm giá đỗ.
Giá Chiều Xuân tự làm trắng muốt, trông khá mập, chất lượng.
Với giá đỗ, gia đình cô làm được nhiều món ăn. Đây là một bữa tối với mắm, thịt lợn luộc ghém giá sống. Mắm tép do ông xã cô tự làm.
Một món khác với giá là giá đỗ xào mực khô cũng rất hấp dẫn.
Chiều Xuân và chồng con ấm áp với bữa ăn gia đình, cả nhà đều yêu ẩm thực.
Có hôm cô khoe món miến lươn đồng mình nấu. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Lươn gần 3 lạng/con, chỉ tuốt ra từng miếng cho ít nước mắm ngon và gừng thái nhỏ. Miến nấu xong đổ lươn vào quấy nhẹ, rắc hạt tiêu, ớt, chanh. À không kiểu chiên giòn kiểu 'bánh rán lươn' đâu à nha".
Mâm cơm đạm bạc nhưng lại gây thích thú của gia đình Chiều Xuân: Cua sông Tích rang muối, tôm sông Tích “say rượu”, tôm chao dầu, canh cua nấu với rau tầm bóp, lá lốt. "Chả là khi chúng em đang làm vườn, có bác đặt lưới chèo thuyền qua, em ới bác ấy bán cho, thế là được 1 mớ", cô dí dỏm.
Những món ăn đồng quê được gia đình Chiều Xuân rất yêu thích. Một dịp, gia đình làm cá trắm bọc lá dong, lá chuối ướp lá xoài, sả, giềng nướng than hồng, ôc luộc bỗng rượu ăn với bún.
Gần đây cô khie món bún ốc nhồi giòn theo “trường phái” bún ốc nguội Hà Thành do ông xã làm, nhiều người phải xuýt xoa vì nhìn đã thèm.
Một món khác được nam nhạc sĩ thực hiện: Sốt vang sách bò và lưỡi bò, hầm với đu đủ.
Con gái của Chiều Xuân cũng thích nấu nướng làm mẹ mát lòng: "Đi về, con gái lại làm món để phần mẹ: Bún bò Nam Bộ ngon quá. Vừa ngon, trình bày đẹp. Có con gái sướng cái đời thật".
Từ lúc nhỏ thế này, Hồng Khanh đã tự nấu ăn, không để mẹ động vào. Hồi đó, cô bé làm món cá thu một nắng ăn kèm dưa chua.
Tham khảo những lỗi thường gặp khi làm bánh bông lan và cách khắc phục 1. Bánh bị xẹp, lõm đáy Nguyên nhân: Nhiệt độ trong lò nướng quá cao, dẫn đến bánh nở nhanh nhưng bên trong chưa kịp chín, thành bánh còn yếu dẫn đến bánh xẹp ngay trong lò hoặc xẹp sau khi lấy ra khỏi lò. Bánh nướng chưa đủ thời gian dẫn đến bị xẹp sau khi lấy ra khỏi lò. Cách khắc phục: Để bánh ở rãnh thấp nhất của lò nướng, nên có một chiếc nhiệt kế lò nướng (có thể mua ở các tiệm bán đồ làm bánh) để canh chỉnh nhiệt độ cho chính xác. Nướng bánh đảm bảo đủ thời gian theo công thức, có thể thử bánh chín bằng cách xiên tăm qua bánh, rút tăm ra mà tăm khô là bánh đã chín. 2. Bánh không nở trong lò hoặc nở kém Nguyên nhân: Do bạn đánh trứng chưa đúng cách và trứng không đủ bông để làm cho bánh nở được. Lúc trộn trứng với bột bạn trộn mạnh tay, khuấy quậy nhiều dẫn đến những bọt khí bên trong lòng trắng trứng đánh bông bị vỡ, dẫn đến khi nướng bánh không thể nở được. Để bột bánh ở ngoài quá lâu không đem nướng ngay cũng là một nguyên nhân làm bánh không nở được. Cách khắc phục: Khi đánh trứng làm bánh phải đảm bảo độ bông của trứng, khi bạn nhấc máy đánh trứng lên thấy tạo thành chóp là đạt. Hạn chế trộn bột quá nhiều, quá lâu. Khi trộn bột với lòng trắng trứng đánh bông phải trộn thật nhẹ nhàng, dứt khoát. Sau khi trộn bột xong phải đem nướng ngay, tránh để bột bên ngoài quá lâu ảnh hưởng tới chất lượng của bánh cũng như bánh không nở được. 3. Bánh còn sống, bột còn ướt Nguyên nhân: Nhiệt độ nướng bánh không đủ, nhiệt độ quá thấp do không làm nóng lò nướng trước khi nướng.Nướng bánh chưa đủ thời gian, lấy bánh ra quá sớm. Công thức có quá nhiều chất lỏng như sữa, nước cam... dẫn tới nướng bánh không nở và bị bết dính, ẩm ướt bên trong. Cách khắc phục: Luôn làm nóng lò nướng trước khi nướng khoảng 10 - 15 phút, để lò đạt đúng nhiệt độ yêu cầu.Nướng bánh đúng thời gian quy định, hạn chế mở cửa lò nướng nhiều lần. Cân đo đúng nguyên liệu trước khi làm bánh, hạn chế tình trạng áng chừng nguyên liệu rất dễ thất bại. 4. Bánh bị chai cứng không đông xốp Nguyên nhân: Do trộn bột quá nhiều, dẫn đến bánh nở kém, chai cứng không bông xốp. Chất lượng bột nở quá kém (đối với những công thức bánh có dùng bột nở). Nướng quá thời gian quy định. Cách khắc phục: Trộn bột theo 1 chiều và không trộn quá kỹ. Sử dụng bột nở còn hạn sử dụng, mua ở những cửa hàng uy tín, có nhãn hiệu rõ ràng. Nướng bánh đúng thời gian quy định, tránh nướng bánh quá lâu. 5. Bánh bị cháy, mặt bánh bị nứt Nguyên nhân: Nhiệt độ lò nướng quá cao, làm cho bề mặt của bánh nhanh chóng bị nướng chín. Trong khi đó, ruột bánh vẫn chưa chín và tiếp tục nở, nên nó sẽ làm nứt phần mặt bánh và làm cho mặt bánh dễ bị cháy khét. Khuôn bánh không được đặt ở rãnh giữa lò. Khuôn bánh màu quá sậm dẫn đến hấp thụ nhiệt nhiều dẫn đến cháy bánh. Cách khắc phục: Tốt nhất là nên có 1 chiếc đồng hồ đo nhiệt độ đặt vào chính giữa lò, nhìn đồng hồ là biết lò đã đạt nhiệt độ chưa, bởi vì những lò nướng thông dụng phổ biến trong gia đình thường bị một vấn đề là nhiệt độ thực tế cao hoặc thấp hơn mức nhiệt chuẩn. Luôn đặt khay bánh đúng vị trí giữa lò, trừ một số loại bánh yêu cầu để phía gần lửa trên... Khi bánh nở quá cao có thể dùng một tấm giấy bạc che phía trên mặt bánh để hạn chế bánh bị cháy đen. Hạn chế dùng khuôn quá sẫm màu để nướng bánh. Chúc các bạn thành công! |