Cơm tấm Sài Gòn vừa ngon lại đẹp mắt, đủ chất, thích hợp để đãi cả nhà dịp cuối tuần.
Trước đây, cơm tấm Sài Gòn vốn được coi là món ăn của người lao động nghèo. Có nguồn gốc như vậy bởi hạt gạo tấm nhỏ, bị vỡ ra trong quá trình xát, ít nở, giá thành lại rẻ nên có thể dùng cho bữa cơm hàng ngày mà không tốn nhiều chi phí như hạt gạo lành lặn bình thường.
Thế nhưng dần dần, cơm tấm lại được nhiều người yêu thích và trở thành đặt sản của người dân mảnh đất này mà bất cứ ai đến đây cũng muốn được nếm thử. Một đĩa cơm tấm thường được chuẩn bị như sau: Cơm tấm, sườn cốt lết nướng, chả trứng, bì lợn trộn thính, đồ chua ngọt ăn kèm, nước chấm ăn kèm... Do được yêu thích nên cơm tấm hiện tại phổ biến ở nhiều nơi, nó cũng có thêm các biến thể để phù hợp với sở thích của mỗi vùng, mỗi người thưởng thức.
Chị Nguyệt Anh.
Dưới đây là cách làm cơm tấm Sài Gòn của chị Nguyệt Anh, các bạn có thể tham khảo nhé:
1. Phần sườn cốt lết
Chuẩn bị:
- Sườn cốt lết 5 miếng (700gr)
- Hành tím 5 củ.
- Dầu ăn 1 thìa.
- Nước mắm 1/2 thìa.
- Dầu hào 1 thìa.
- Nước ướp thịt Hàn Quốc 1 thìa.
- Hạt tiêu 1 thìa cà phê.
Cách làm:
- Để thịt mềm, bạn có thể dùng búa đập thịt và đập nhẹ tay đến khi thịt đạt độ mềm mong muốn.
- Trộn đều các gia vị nêu trên, hành khô đập dâp. Bạn cho sốt ướp phủ đều thịt, ướp 60 phút để thịt thấm đều gia vị.
- Nướng sườn bằng nồi chiên không dầu, nhiệt độ 180 độ trong 20 phút, lót giấy bạc vào nồi rồi mới xếp thịt lên để nướng.
- Khi thịt chín phết lên bề mặt thịt thêm một lớp nước sốt nướng thêm mỗi mặt 5 phút nữa để có màu vàng đẹp.
- Sườn được ướp vừa ăn, đậm đà, có hương thơm quyến rũ, chắc chắn sẽ là món ăn được tất cả thành viên trong gia đình yêu thích.
2. Phần chả trứng
- Thịt nạc vai xay 250g ướp chút gia vị, nước mắm để 15 phút cho ngấm. Cà rốt 1/3 củ, mộc nhĩ 2 tai, hành lá thái nhỏ, miến ngâm xong mềm thì vớt ra để ráo, cắt nhỏ. Trộn các hỗn hợp vào bát tô, ướp với 1 thìa cà phê gia vị, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa dầu ăn.
- Trứng gà 5 quả tách để riêng 3 lòng đỏ còn lại trộn đều vào hỗn hợp.
- Thoa chút dầu quanh bát tô, đổ hỗn hợp vào bát. Hấp cách thủy cho chín. Khi chín, cho lòng đỏ trứng lên mặt cho vào nồi chiên không dầu nướng 5 phút 150 độ C là xong.
Mục đích nướng công đoạn này là làm ráo chả, giúp chả khô mặt, khi cắt không bị bở, và bảo quản được lâu nếu sử dụng ngay không hết.
3. Nước mắm chua ngọt
Tỉ lệ pha nước mắm chua ngọt: 1 thìa nước mắm + 1 thìa đường + 1 thìa giấm + 2 thìa nước ấm.
Lưu ý: Sử dụng thìa nào đong đường thì dùng chính thìa đó đong nước mắm và nước. Sau đó cho tỏi ớt băm nhỏ vào. Nêm lại cho vừa theo khẩu vị.
4. Đồ chua ăn kèm
- Cà rốt, củ cải bào sợi, xíu dấm, xíu đường, xíu muối (ngâm 15 phút là có món để ăn rồi). Thêm tỏi băm và ớt nếu thích cay. Nói chung làm theo khẩu vị của mỗi người.
- Dưa leo tương tự cách làm ở trên.
5. Làm mỡ hành
Cho dầu ăn hoặc mỡ vào chảo, phi thơm vàng hành khô, rồi cho hành lá băm nhỏ vào đảo nhanh tay rồi tắt bếp.
Trình bày cơm tấm Sài Gòn
Xếp các đồ ăn kèm lên đĩa, cắt chả trứng thành từng khoanh nhỏ. Cơm nấu chín, xới ra bát ăn cơm, rồi nén nhẹ một chút, sau đó úp ngược bát cơm ra đĩa. Xếp sườn vào cạnh cơm. Rưới chút mỡ hành lên trên cơm.
Lưu ý: Nếu bạn thích thêm bì thính, chỉ cần làm đơn giản như sau. Bì luộc chín tới, vớt ra, ngâm với nước đá cho nguội sau đó thái sợi. Trộn bì với một chút bột canh, tỏi băm và ớt nhỏ, lá chanh thái sợi. Thêm chút thính gạo vào, trộn đều là xong.
Đĩa cơm tấm Sài Gòn kiểu này vừa ngon lại đẹp mắt, đủ chất, thích hợp để đãi cả nhà dịp cuối tuần.
Chúc các bạn thành công!