Nếu biết cách nấu, món mì tôm mà bạn yêu thích sẽ hạn chế được những chất dầu mỡ và phụ gia không phù hợp với sức khỏe.
Mì tôm hay mì ăn liền là món ăn được rất nhiều người ưa thích không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà nó còn vô cùng tiện lợi. Thông thường, mọi người chỉ mất từ 3-5 phút là có thể “úp” xong một bát mì. Cụ thể là đổ nước vào mì, thêm gói gia vị, đậy nắp khoảng vài phút là ăn được.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những phụ gia hóa chất bổ sung để tạo lên gói mì bao gồm: phụ gia tạo độ dai, tạo màu cho mì, tạo độ trắng cho bột mì khi sản xuất bột, chất bảo quản và gói gia vị. Ngoài ra, các loại dầu sử dụng trong chiên mì thường là các loại có chứa chất béo trans, gây độc hại cho sức khỏe. Đặc biệt, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được những vấn đề đó, kể cả khi sử dụng các thiết bị mát móc hiện đại để kiểm tra.
Do đó, Tiến sĩ Đào Huy Phong - GĐ Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng cho biết, với những người “nghiện” mì tôm, cần bổ sung thêm các thực phẩm lành mạnh như rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đặp lượng vitamin, chất xơ và protein thiếu hụt. Như vậy, cơ thể sẽ đỡ gánh nặng các chất độc hại từ mì tôm.
Mì tôm có chứa nhiều chất phụ gia không phù hợp với sức khỏe (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, tiến sĩ Phong cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn loại mì tôm có ít chất bổ sung hóa học bằng cách xem các thành phần nguyên liệu trên bao bì, các chất phụ gia thường mang những ký hiệu như E621 (hoặc MSG) : mì chính, E102: chất tạo màu tartrazine, hoặc mang những tên hóa học mà khi nhìn vào sẽ không có mấy người tiêu dùng biết được là gì.
Vì thế, khi ăn mì gói, thay vì chỉ “pha”, “úp” mì, chúng ta hãy nấu mì lên. Cách làm chị em nội trợ có thể tham khảo dưới đây:
Chần mì rồi mới nấu
Trước khi nấu mì, đun sôi một nồi nước, rồi thả mì vào chần sơ khoảng 30 giây đến một phút, rồi đổ mì ra rổ.
Tiếp tục đun sôi một nồi nước mới rồi đổ phần mì vừa gắp ra bát vào lại nồi nước. Nhanh tay tắt bếp để mì không bị nát.
Không sử dụng gói gia vị mì
Bạn có thể sử dụng gia vị bên ngoài như bột canh, bột ngọt, bột nêm (loại tự làm) để nấu vào mì. Vì sử dụng gia vị bên ngoài có thể hạn chế những chất dầu mỡ, phụ gia không phù hợp với sức khỏe.
Nếu trong mỗi bát mì bạn bổ sung thêm nhiều rau xanh sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo (Ảnh: Internet)
Bổ sung thêm rau xanh, thịt để mì ngon hơn
Cải ngọt, súp lơ, giá đỗ hay thịt bò, tôm, thịt gà, trứng… không chỉ giúp tô mì thêm phần hấp dẫn mà nó còn giúp bạn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, nếu trong mỗi bát mì bạn bổ sung thêm nhiều rau xanh sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo.
Lưu ý, nếu bổ sung thêm các loại thực phẩm này, bạn hãy cho chúng vào nước nấu mì trước khi cho mì vào nhé.
Với cách làm này, có thể mì tôm không còn là mì ăn liền theo đúng nghĩa nhưng chúng sẽ hạn chế được những chất dầu mỡ và phụ gia không phù hợp với sức khỏe.