Mức độ độc hại của mì tôm phụ thuộc vào số và lượng phụ gia hóa chất bổ sung như phụ gia tạo độ dai cho sợi mì, tạo độ trắng trong bột mì nguyên liệu, hương liệu và các chất bảo quản.
Đối với người Việt, mì tôm được xem là phát minh “lớn” của thời đại công nghiệp. Bởi, nó là sự lựa chọn của số đông người trong những bữa sáng mỗi ngày. Thậm chí, đôi lúc mì tôm trở thành thực phẩm “thay thế” bữa chính cho cả gia đình. Đặc biệt, ai cũng biết những tác hại của mì tôm đối với sức khỏe nhưng... họ vẫn không bỏ được món ăn nhanh này.
Mức độ độc hại tùy thuộc vào số lượng phụ hóa chất bổ sung
Tiến sĩ Đào Huy Phong - GĐ Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng khẳng định: “Bản thân mì tôm không có gì để bàn luận. Vấn đề cần nói ở đây chính là nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu như thế nào(?). Đặc biệt, mức độ độc hại của mì tùy thuộc vào số lượng phụ gia hóa chất bổ sung trong nguyên liệu”.
Tiến sĩ Đào Huy Phong- GĐ Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng
Những phụ gia hóa chất bổ sung để tạo lên gói mì bao gồm: phụ gia tạo độ dai, tạo màu cho mì, tạo độ trắng cho bột mì khi sản xuất bột, chất bảo quản và gói gia vị. Ngoài ra, các loại dầu sử dụng trong chiên mì thường là các loại có chứa chất béo trans, gây độc hại cho sức khỏe. Đặc biệt, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được những vấn đề đó, kể cả khi sử dụng các thiết bị mát móc hiện đại để kiểm tra.
“Trên thực tế, khuyến khích các nhà sản xuất không nên lạm dụng phụ gia hóa học để sản xuất mì. Bởi, con người không phù hợp với việc dung nạp, xử lý các chất hóa học. Vì vậy, tránh việc sử dụng mì có phụ gia hóa học là tốt nhất”, tiến sĩ Đào Huy Phong khuyến cáo.
Tác hại của mì tôm
- Gây béo phì
Mì tôm chứa quá nhiều carbohydrate và chất béo. Do vậy, dung nạp nhiều mì vào cơ thể sẽ dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao. Từ đó, gây béo phì và gia tăng nguy cơ các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao,…
- Gia tăng quá trình lão hóa
Chất mỡ trong mì tôm đều có thêm chất chống oxy hóa. Nhưng, nó chỉ làm chậm tốc độ oxy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mì tôm. Nếu nạp quá nhiều chất chống oxy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy lão hóa.
- Gây ung thư
Ăn mì tôm trong thời gian dài dễ gây táo bón, phân lưu lại trong thời gian dài trong đại tràng. Đây là yếu tố dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng.
Ăn mì tôm nhiều có thể dẫn tới ung thư trực tràng (ảnh minh họa)
- Gây bệnh tiểu đường, tim mạch
Sử dụng mì tôm thường xuyên có thể mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ. Bởi chất béo transfat và chất béo bão hòa có trong mì vô cùng có hại cho sức khỏe.
- Hại thận, gây sỏi thận
Mì tôm thường được ướp rất nhiều muối với lượng cao. Do đó, khi ăn sẽ vô tình hại thận hoặc gây sỏi thận.
Bên cạnh đó, mì tôm chứa đầy phosphate - chất cải thiện mùi vị thức ăn. Tuy nhiên, nó dễ khiến con người bị loãng xương, mất xương,…
Chần mì tôm trước khi chế biến có đảm bảo an toàn?
Hiện nay, có nhiều phương pháp chế biến mì tôm giảm các chất độc hại. Trong đó, có phương pháp chần mì qua 1 lần nước sôi để lọc chất sáp và lớp dầu trên mì. Sau đó, tiếp tục cho vào nước đun sôi mới.
Tuy nhiên, tiến sĩ Đào Huy Phong cho biết: “Cách chế biến như vậy cũng có thể loại bỏ được 1 số loại phụ gia dễ tan trong nước và phía ngoài sợi mì. Nhưng, bên trong sợi mì và gói gia vị cho vào sau đó có loại bỏ được chất độc hại hay không thì rất khó kiểm chứng”.
Chần mì tôm khi chế biến chỉ là một biện pháp trấn an tâm lý người sử dụng (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi sử dụng mì tôm
- Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tiến sĩ Đào Huy Phong khuyến cáo: “Người Việt không nên coi mì tôm như thực phẩm thường xuyên, thay thế cho các bữa chính hằng ngày. Bởi trong mì tôm chỉ có carbonhydrate và chất béo”.
- Với những người “nghiện” mì tôm, cần bổ sung thêm các thực phẩm lành mạnh như rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đặp lượng vitamin, chất xơ và protein thiếu hụt. Như vậy, cơ thể sẽ đỡ gánh nặng các chất độc hại từ mì tôm.
- Theo tiến sĩ Đào Huy Phong, người tiêu dùng nên lựa chọn loại mì tôm có ít chất bổ sung hóa học bằng cách xem các thành phần nguyên liệu trên bao bì, các chất phụ gia thường mang những ký hiệu như E621 (hoặc MSG) : mì chính, E102: chất tạo màu tartrazine, hoặc mang những tên hóa học mà khi nhìn vào sẽ không có mấy người tiêu dùng biết được là gì.
Xem clip sợi mì tôm vẫn nguyên vẹn trong dạ dày sau 2 tiếng ăn: