U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm

Ngày 08/07/2019 11:30 AM (GMT+7)

Hơn 20 năm qua, các thế hệ học sinh của Trường THPT Yên Hòa dù có đi đâu xa vẫn luôn nhớ về quán tào phớ của u Chiến và bao kỷ niệm một thời gắn bó với u Chiến.

Tào phớ Yên Hòa hay tào phớ u Chiến (ở con đường Nguyễn Khang, gần Trường THPT Yên Hòa) là một địa điểm nổi tiếng của 24 thế hệ học sinh Yên Hòa khi nói những năm tháng học trò đầy ắp kỷ niệm của mình.

Hè về, cứ mỗi khi tiếng trống trường tan, tụi học trò lại tìm đến u Chiến, tìm đến bát tào phớ gắn bó những năm tháng “nhất quỷ nhì ma thứ 3 học trò” ấy.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 1

Bà Nguyễn Thị Chiến được học sinh Yên Hòa gọi tên thân thương u Chiến.

Video u Chiến chia sẻ kỷ niệm về quán tào phớ của mình. 

Tào phớ U Chiến mỗi ngày bán hơn tạ phớ

Quán tào phớ u Chiến nằm ở ngay ngã ba trường cấp 3 Yên Hòa và Ủy ban Nhân dân phường Yên Hòa khá dễ tìm. Cứ mỗi khi vào giờ tan học 11h30 hay 17 giờ, đoạn đường này lại tắc vì các lớp học sinh cứ sa vào quán như đàn chim vỡ tổ.

Quán nằm ở địa điểm vô cùng đặc biệt, trong một không gian rộng rãi, thoáng mát với kiến trúc đình chùa cũ, từ cột kèo đến trần tường đều khắc chạm hoa văn kiểu xưa, sân phía trước có 2 cây đại lớn đang trổ hoa thơm ngát.

Có thể nói, nếu đến đây lần đầu tiên, bạn sẽ bị ấn tượng ngay bởi không gian vô cùng rộng, sạch sẽ của quán và sự nhiệt tình, cởi mở của u Chiến với con trai.

Đón chào mọi người là nụ cười tươi rói trên gương mặt phúc hậu của u và phong cách phục vụ vô cùng nhanh chỉ 2 phút là bạn có thể thưởng thức được bát tào phớ lừng danh khu vực này.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 2

Tào phớ được đựng trong bát nhỏ nhưng đủ no căng bụng với rất nhiều phớ, thạch, trân châu, dừa khô. 

Ở đây, tào phớ chỉ có một loại truyền thống chứ không biến tấu nhiều vị giống như các quán khác. Tào phớ được đặt trong chiếc bát nhựa xanh nhỏ nhưng đầy ắp đến tràn cả ra. Điều đặc biệt trong bát tào phớ này đó là sự ấm nóng, mềm mịn của từng miếng phớ kết hợp cùng trân châu dai dai ngọt ngọt, thạch đen thanh mát thêm chút dừa khô giòn giòn, bùi ngọt. Hơn nữa, nước đường lại không ngọt gắt mà thoang thoảng vị hoa nhài vô cùng tuyệt vời.

Bát tào phớ ở đây cũng khá rẻ. Tào phớ truyền thống chỉ 6 nghìn, thêm trân châu hoặc thạch đen có giá 8 nghìn còn bát đầy đủ gồm phớ, thạch đen, trân châu, dừa khô khoảng 10 nghìn.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 3

Mỗi ngày quán u Chiến bán khoảng 5 nồi phớ.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 4

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 5

Bát tào phớ vô cùng đầy đặn ú ụ trân châu. 

Tất cả những nguyên liệu trong bát tào phớ đều do u Chiến làm nên đây là một địa điểm lý tưởng đáp ứng đầy đủ tiêu chí ngon bổ rẻ của mọi người, đặc biệt là học sinh. Có lẽ vì vậy, dù xung quanh khu vực trường THPT Yên Hòa có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt, thế nhưng những bát phớ trắng ngần, thanh mát do u Chiến làm ra vẫn có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các bạn trẻ. Và để phục vụ nhu cầu của mọi người, ngày nào u Chiến cũng phải làm khoảng hơn 5 nồi phớ 20 lít (khoảng 1 tạ phớ). Có hôm trời nắng, 5 nồi phớ cũng không đủ u lại phải nấu thêm để kịp bán.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 6

Không gian quán khá rộng rãi, thoáng mát. 

Ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, tự trả tiền chẳng cần đếm

Hơn 20 năm phục vụ bao thế hệ học sinh, u Chiến nay ở tuổi 68 đôi tay đôi chân không còn nhanh nhẹn như xưa. Bà để con trai và con dâu phụ giúp công việc bán hàng, còn mình thỉnh thoảng lại phụ rửa bát, đóng dừa khô để kịp gửi khách đặt về.

Bà Chiến kể, bà bắt đầu bán tào phớ từ năm 1995. Trước đó, bà làm kế toán ở khu gang tháp Thái Nguyên sau khi về chế độ trong một lần lên Hà Nội thăm con trai làm công việc lái xe từ Gia Lâm đi Bãi Cháy, bà đã học mót được quán tào phớ gần đó và tìm hiểu để làm bán.

Thời gian đầu bán, bà Chiến gánh rong đi khắp phố phường Hà Nội. Mỗi lần đi về chợ Cầu Giấy, chợ Cót, khách của bà lại đông nườm nượp đến nỗi không thể đứng dậy được. Ai muốn ăn tào phớ của bà quá lại phải chạy ra xách xoong tào phớ đi, bà mới thoát ra được. Sau này, bà chọn UBND phường Yên Hòa làm nơi dừng chân gánh hàng rong của mình và gắn bó với bao lớp học sinh, người dân Yên Hòa từ đó đến nay.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 7

Bà Chiến để con trai bán hàng, còn mình phụ giúp công việc lặt vặt. Nhiều lần mệt quá, bà ngủ quên cả gánh hàng. 

Nhớ lại kỷ niệm ngày xưa bán hàng, u Chiến lại cười, bởi khách hàng học sinh của đều phải tự làm tự phục vụ hết, bà chẳng phải làm gì.

“Trước đây làm tào phớ cũng đủ mệt, học sinh ăn đông, mỗi lần tụi nhỏ kéo ra đông như chim sẻ mình không phục vụ xuể nên để cho chúng tự phục vụ, đứa lấy bát, đứa đập đá, lấy nước đường rồi đứa lấy phớ. Đứa nào làm ngon ăn ngon còn làm không ngon thì ăn không ngon. Ăn xong chúng lại tự trả tiền cho u, bao nhiêu u chẳng cần biết, kệ cứ cuộn vào là xong”, bà Chiến cười.

Hơn 20 năm qua, u Chiến gần như chuyên phục vụ đối tượng học sinh nên bà có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với lớp học trò tinh nghịch ấy.

"Ngày xưa bát tào phớ chỉ có 500 đồng thôi, thế mà bọn trẻ cũng thường phải tích cóp từng tờ 100, 200 đồng mới đủ để mua. Có những lúc đi qua thấy thèm, chưa tích đủ tiền chúng nó lại bảo "u ơi, bán chịu con bát tào phớ đi u" hoặc là "u ơi, con còn thiếu 200 thôi, u cho con ăn mai qua con trả đủ”. Chúng nó là học sinh gọi mình là u, lại ăn đông nên không bao giờ ăn lận đâu.

Bán hàng vui lắm giống như như hội chợ vậy. Cứ chiều học sinh tan học lại ào ào, người cầm bát, thìa, đá, xách phớ, mình cứ thế là bán, học sinh ăn như một ngày hội luôn.

Ngày xưa lại không có địa điểm, phải ngồi ở cuối cùng góc chợ nên nhiều lúc học sinh phải phải lật nón lên xem có đúng là “u Chiến” không mới ăn.  Rồi gánh tào phớ không có tên gì cả, tụi nhỏ lại bảo “Con đặt tên cho u là tào phớ Yên Hòa", bà Chiến vui vẻ nhớ lại.

Bán hàng cho học sinh mang lại cho bà Chiến rất nhiều niềm vui, đặc biệt nhiều lần chúng cứu nguy cho nồi tào phớ hôm mưa bão của bà. “Nhiều lần làm phớ mệt mỏi, tôi bỏ gánh hàng lại ở ủy ban tranh thủ về ngủ một tí. Hôm ý trời mưa bão, ngủ thế nào đến tận 4h30 lúc sầm sét đùng đùng mới dậy giật mình nghĩ hơn 20kg phớ thế là ế hết rồi, ai dè đi ra ngoài cửa có bạn học sinh đang tìm nhà tôi bảo “U! con gửi u tiền”, hỏi ra thì chúng nó đã tự ăn tự trả tiền rồi tự mang tiền vào cho tôi”.

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 8

Bát phớ nay không còn đơn giản như xưa mà theo thị hiếu của học sinh. 

Chia sẻ về địa điểm bán hiện nay, bà Chiến cho biết, bà chuyển về đây bán từ năm 2004 chỉ cách UBND phường 30m. Nơi đây bà vừa trông nom nhà thờ họ Kim giúp người ta lại vừa có chỗ bán hàng rộng rãi hơn cho tụi nhỏ. Và kể từ năm 2013, khi nhà thờ xây xong, bà chuyển cho con trai và con dâu bán hàng. Có thêm người, quán của bà cũng không còn tự phục vụ như trước nữa. Các bạn học sinh chỉ cần đến nơi, chưa kịp ngồi xuống là có người phục vụ mang tào phớ tới.

Hiện nay, bát tào phớ của bà cũng không còn đơn giản như xưa chỉ có nước đường và phớ mà phục vụ thị hiếu của đám trẻ.

“Ngày xưa người ta chỉ ăn phớ với nước đường hoa nhài, dần dần mới ăn đá. Năm 2004, học sinh đòi ăn thạch nên tôi làm thêm, 2 năm sau chúng đòi ăn thập cẩm, mình cũng phải thay đổi và chiều chúng. Trước bán tào phớ không, phải cho nhiều phớ, bây giờ có thập cẩm lượng phớ ít đi nên bán được nhiều hơn trước dù số lượng nồi phớ nấu vẫn vậy”, bà Chiến cho hay.  

U Chiến bán tào phớ ngủ quên cả bán hàng, để khách tự phục vụ, trả tiền chẳng cần đếm - 9

Bà Chiến bảo, bán hàng cho học sinh, niềm vui nhất là những lớp học sinh cũ quay lại thăm bà, thưởng thức lại bát tào phớ xưa. Nhiều người còn nói vui với bà rằng “u bán cả đời bố rồi đến cả đời con”, bà lại cười tươi lộ rõ những nếp da nhăn nheo – minh chứng cho kỷ niệm thời gian tươi đẹp, hạnh phúc của bà với những thế hệ học sinh Yên Hòa.

Gánh hàng tào phớ 20 năm của mẹ Nam Định nuôi 2 con học thạc sĩ, mua được nhà HN
Ở Hà Nội, cứ khi nghe thấy tiếng ve kêu râm ran trên các hàng cây, khi nắng nóng oi bức ùa đến, mọi người lại rủ nhau giải khát bằng những bát tào phớ...
Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Địa điểm ăn uống