Năm nay ông Công ông Táo vào thứ 6 (17/1/2020), nhiều chị em phải đi làm, chính vì vậy mọi người đã tranh thủ làm mâm cơm cúng sớm để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
Cúng ông Táo là truyền thống tốt đẹp có từ hàng ngàn năm nay của người dân Việt Nam. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời. Đây là ngày ông Táo về Thiên đình thông báo sự việc trong gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng. Việc thờ cúng ông Táo nhằm thể hiện sự mong muốn, Táo Quân giúp giữ bếp lửa gia đình để luôn hạnh phúc và ấm áp.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, mọi người chuẩn bị mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
Hiện nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản đi nhiều sao cho phù hợp hoàn cảnh của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là lòng thành của gia chủ. Nhiều bà nội trợ đã dùng gà luộc ngậm hoa hồng bằng đĩa thịt vai luộc hay canh măng, canh mọc, canh bóng.. được thay bằng các món khác như bánh chưng gấc, xôi chè, thịt đông, nem rán, miến xào lòng gà, hành muối...cho phù hợp thời tiết hoặc khả năng chuẩn bị. Điều này vô cùng hợp lý với các chị em văn phòng - những người vốn chỉ có thời gian rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối.
Năm nay, ngày ông Công ông Táo lại rơi thứ 6 (17/1/2020), chính vì thế, nhiều chị em, gia đình đã làm mâm cỗ cúng ông Táo từ 19-20 tháng Chạp trở đi. Sau khi làm lễ cúng, nhiều người chia sẻ lại mâm cỗ của gia đình, khiến mạng xã hội ngập tràn không khí Tết vừa ấm cúng, vừa đủ các sắc màu rất rực rỡ.
Chị Dương Thùy Linh (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ mâm cỗ cúng ông Công ông Táo với rất nhiều món ăn hấp dẫn khiến ai xem cũng phải thốt lên “hoành tráng quá”, “tươm tất quá”. Trong đó, mâm cỗ gồm: gà hấp lá chanh, tôm tẩm bột rán, bò sốt tiêu đen, nem bề bề, giò bê, nộm thập cẩm, khoai lang kén, cải chíp trần nấm, mầm đá xào tỏi, canh bóng ngũ sắc, xôi gấc.
Chị Thùy Linh cho biết, vì nhà chị ai cũng thích món rau nên chị làm nhiều món rau cho mọi người. Để làm được mâm cơm đó, chị phải đi chợ buổi sáng sớm và chiều xin nghỉ làm để nấu từ 12h30 đến 16h mới xong xuôi.
Mâm cỗ cúng của chị Thùy Linh.
Chị Tống Lê Tâm (33 tuổi, Hà Nội) vì bận nhiều công việc nên làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo sớm hơn ngay từ ngày 21 tháng Chạp. Mâm cỗ cúng năm nay của chị gồm: nem rán, canh măng, xôi gấc, tôm, giò, bánh chưng, thịt gà luộc, súp lơ luộc.
Để làm mâm cỗ nhanh chóng, ngay từ hôm trước chị đã đồ xôi và cuộn sẵn nem rán sơ qua. Canh măng chị cũng phải hầm móng giò xương trước sao cho xương và móng giò mềm tơi, không bở, măng mềm không bị nát. Nhờ đó, sáng hôm sau chỉ mất 2 tiếng để luộc gà, rán tôm, luộc rau củ.
“Mình nghĩ mọi người nên chọn món đơn giản và có thể mua hoa, trái cây, đồ lễ trước. Một số món như xôi có thể ngâm gạo đồ trước hay nem có thể gói và rán sơ qua 1 lượt”, chị Tống Lê Tân tư vấn.
Cũng giống chị Tống Lê Tâm, chị Hòa Phạm (33 tuổi, Hà Đông) đã phải xin về từ 2h chiều đi chợ để về làm cơm cúng ông Công ông Táo. 2 tiếng hì hụi trong căn bếp cuối cùng đến 5h chiều chị cũng hoàn thành xong nhiệm vụ của mình để cho chồng cúng.
Mâm cỗ năm nay của nhà chị gồm 10 món: Xôi gấc cá chép, tôm hấp rượu, sườn nướng, mực xào cần tây, bánh chưng, canh bò nấu dưa, khoai tây chiên kèm tương cà tự làm, gà luộc, đậu luộc, nem ghẹ.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của chị Hòa.
Mâm cỗ của chị Phạm Thu Hiền.
Mâm cỗ của chị Võ Kim Qui.