Thời gian qua, nhiều người lầm tưởng rằng việc không để làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp bảo vệ da sáng khỏe, nhưng đây là một quan niệm sai lầm.
Chống nắng là một bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da nhằm bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc chống nắng đã được phát triển và tuyên truyền quá mức, dẫn đến những tác động tiêu cực không mong muốn đến sức khỏe, đặc biệt là làn da của bạn.
Sự ảnh hưởng của truyền thông đến việc chống nắng
Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của việc chống nắng ngày nay có công rất lớn từ sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông và những ngôi sao nổi tiếng. Dù đông hay hè, các sản phẩm chống nắng như quần áo, mỹ phẩm vẫn luôn cháy hàng. Tuy nhiên, chính sự tuyên truyền về tác hại của ánh nắng mặt trời đã khiến nhiều người cảm thấy không an toàn khi ra đường, dẫn đến việc che chắn kín mít, dù chỉ đi một đoạn đường ngắn.
Nhiều chị em cứ ra phố lại che chắn kín mít từ đầu tới chân.
Chống nắng quá mức sẽ ảnh hưởng đến làn da của bạn như thế nào?
Việc chống nắng quá mức lại gây tác hại cho da nhiều hơn bạn nghĩ và thậm chí còn gây hại hơn cả khi không chống nắng.
Thiếu hụt vitamin D
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chống nắng quá mức có thể dẫn đến thiếu ánh nắng, gây ra thiếu hụt vitamin D. Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, thiếu nó sẽ làm tăng nguy cơ mất xương, loãng xương, gãy xương và giảm khả năng miễn dịch. Nguồn vitamin D trong cơ thể chủ yếu đến từ hai nguồn: ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím chiếu vào da và chế độ ăn uống, nhưng tỷ lệ hấp thu từ thực phẩm khá thấp.
Thông thường, chỉ bôi kem chống nắng sẽ không gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D, nhưng nếu sử dụng các biện pháp chống nắng vật lý ngăn chặn 100% tia cực tím và ở trong nhà lâu dài, sẽ dễ dẫn đến thiếu hụt vitamin này. Đặc biệt, hiện nay có nhiều phụ huynh áp dụng biện pháp chống nắng nghiêm ngặt cho trẻ em từ nhỏ, nếu trẻ em thiếu vitamin D trong thời gian dài, sẽ dễ dẫn đến bệnh còi xương.
Nguy cơ gây mụn và viêm da
Việc sử dụng các sản phẩm chống nắng vật lý như áo chống nắng, khẩu trang liên tục trong một ngày nếu không thoáng khí và sử dụng các chất liệu không thấm hút mồ hôi tốt sẽ gây bí da và dẫn đến dị ứng, rôm sảy hoặc mụn. Đặc biệt ở những vị trí khó thoát nhiệt như mặt, cổ, nách. Hơn nữa, nếu không vệ sinh sạch sẽ các sản phẩm chống nắng, vi khuẩn dễ dàng phát triển, dẫn đến tình trạng mụn và viêm nhiễm trên da.
Làm thế nào để chống nắng đúng cách và bảo vệ làn da khỏe mạnh?
Có thể thấy rằng việc chống nắng là cần thiết và quan trọng để bảo vệ làn da, nhưng việc chống nắng đúng cách mới là cách tốt nhất để giúp cho làn da của bạn khỏe mạnh và sáng đẹp. Dưới đây là một số lưu ý của các chuyên gia da liễu trong việc chống nắng đúng cách, phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh.
1. Khi ở trong nhà: Không cần bôi kem chống nắng
Có thể rất nhiều thông tin đã khuyên rằng bạn nên bôi kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà vì làn da vẫn có thể tiếp xúc với tia cực tím thông qua những tấm kính cửa sổ. Tuy nhiên, trong hai năm qua, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng không thật sự cần thiết bôi kem chống nắng trừ khi phòng bạn có cửa sổ lớn và hứng nhiều ánh sáng mặt trời, vì không có nhiều tia cực tím có thể xuyên qua phòng ngủ của bạn.
Với những nhà thiếu ánh sáng, việc bôi kem chống nắng có thể dễ dàng gây gánh nặng cho da, đặc biệt với chị em có làn da nhờn, dễ nổi mụn.
Ở trong nhà nếu không có nhiều ánh nắng, không cần thiết thoa kem chống nắng.
2. Sử dụng lớp kem chống nắng mỏng khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian ngắn
Trên thực tế, làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn cũng có thể giúp cơ thể tổng hợp vitamin D và thúc đẩy tiết melatonin. Chính vì thế, nếu bạn không dành cả ngày ngoài đường thì chỉ cần một lớp kem chống nắng nhẹ cũng đủ bảo vệ làn da.
Theo các chuyên gia, trước đây, mọi người đều chú ý đến giá trị SPF và giá trị PA khi chọn kem chống nắng và thường lựa chọn những chỉ số cao. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều người được khuyến khích sử dụng kem chống nắng đúng cách, tức là sử dụng một lượng vừa đủ và bôi lại thường xuyên (cách 2-4 tiếng một lần).
Chỉ nên thoa lớp kem chống nắng mỏng khi ra ngoài trong thời gian ngắn.
3. Khi đi du lịch ở biển hoặc nơi có nhiệt độ cao: Kem chống nắng + biện pháp chống nắng vật lý
Ở những nơi như bãi biển hoặc khu vực có địa hình cao là nơi có tia cực tím rất mạnh. Nếu chỉ dành thời gian ngắn ngoài trời như khi di chuyển hằng ngày, kem chống nắng kết hợp với kính râm và mũ che nắng cũng đủ để tia cực tím không làm hại làn da của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài thì ngoài việc liên tục phải bổ sung kem chống nắng sau 2-3 tiếng, bạn nên lựa chọn kem chống nắng SPF 50+ để đảm bảo làn da được bảo vệ tốt nhất. Lúc này, bạn có thể kết hợp thêm với áo chống nắng và các phương pháp bảo vệ khác để giúp làn da được an toàn và không bị cháy nắng.
Ở nơi phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, chị em nên kết hợp thoa kem chống nắng và dùng áo chống nắng.
Để làn da luôn sáng khỏe nhất, chúng ta cần tìm kiếm sự cân bằng giữa việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và đảm bảo cơ thể được tiếp xúc với ánh nắng đủ để tổng hợp vitamin D. Điều này có nghĩa là bạn không nên quá lo lắng về việc chống nắng, hãy để làn da được hít thở và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý.
Chống nắng là cần thiết, nhưng việc che chắn quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe làn da. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng và áp dụng các biện pháp chống nắng một cách hợp lý và khoa học để làn da luôn khỏe mạnh nhất.