Dưỡng da cả năm không trắng, Hoa hậu Tiểu Vy phơi nắng một ngày đã "cháy" thành cục than.
Mùa hè nắng gắt là nỗi sợ của rất nhiều chị em, việc đi ngoài trời không che chắn sẽ khiến làn da bị cháy nắng loang lổ. Hoa hậu Tiểu Vy cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.
Mới đây, khi cô tham gia một dự án thời trang và phải chụp hình ngoài trời cả ngày đã khiến phần da ở vai, tay và vùng ngực cháy đỏ như tôm luộc và rất rát. Sau buổi chụp hình, nàng hậu phải nhanh chóng "hạ hỏa" cho làn da bằng kem dưỡng cùng dòng chia sẻ: "Dưỡng da 1 năm chưa kịp trắng, phơi nắng 1 ngày thành cục than".
Hoa hậu Tiểu Vy phải chụp hình ngoài trời suốt một ngày dưới thời tiết vô cùng nắng và nóng, hơn nữa còn phải mang những thiết kế thời trang mà không được che chắn kỹ hay dùng đồ bảo hộ.
Làn da của cô nàng bị cháy đỏ như tôm luộc, đặc biệt ở phần ngực và vai, hai khoảng da trắng - đỏ được phân chia rõ ràng. Nàng hậu phải nhanh chóng dùng ngay gel dưỡng ẩm để làm dịu da.
Tiểu Vy trước đây cũng có lần bị phát hiện làn da ở chân loang lổ và không đều màu khi cô nàng diện váy xẻ đùi cao.
Tiểu Vy theo đuổi hình ảnh trẻ trung năng động, biến hóa liên tục giúp bản thân có nhiều cơ hội thử sức. Cô nàng cũng có nhiều bộ hình thời trang được thực hiện với làm da rám nắng cá tính.
Tiểu Vy lãng du tới vùng biển đầy nắng và gió trong một lần hợp tác cùng NTK Lê Thanh Hòa.
Hoa hậu sở hữu nhan sắc xinh đẹp ngàn năm có một cũng thích du lịch biển và diện những bộ trang phục mát mẻ kiệm vải. Nhiều chị em bị cháy nắng, da sạm đen rất nhiều cũng vì lí do này.
Vui chơi và chụp hình thật xinh đẹp với bikini đã, còn chuyện dưỡng trắng da thì tính sau.
Da bị cháy nắng không chỉ gây bỏng rát, khó chịu và sạm màu mà còn khiến cho làn da bị tổn thương trầm trọng. Bên cạnh đó, yếu tố thẩm mỹ cũng bị ảnh hưởng, khiến bạn trông kém hấp dẫn hơn nếu da không đều màu.
Để giúp làn da phục hồi nhanh, giảm tối đa những tổn thương do cháy nắng, chị em có thể áp dụng 3 bước khắc phục dưới đây.
1. Giảm nhiệt cho làn da
Việc đầu tiên cần làm khi làn da bị tổn thương do nắng chính là hạ nhiệt, làm mát cho da. Tắm bằng nước mát sẽ có tác dụng và làm chậm quá trình cháy nắng. Sau đó, dùng một chiếc khăn mềm và thật sạch để massage nhẹ nhàng cho làn da. Lưu ý, mọi động tác phải thật nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh sẽ khiến da đang yếu ớt càng tổn thương hơn.
Da bị cháy nắng nếu không được chăm sóc kịp thời sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
2. Cấp ẩm cho da
Sau khi tắm mát, hãy dùng một loại kem dưỡng ẩm để bôi lên khắp vùng da, cả vùng bị cháy và không cháy. Tốt nhất, nên chọn loại kem dưỡng ẩm chuyên cho da cháy nắng. Bởi vì những loại kem này sẽ chứa tinh chất lô hội để làm mát da, tái tạo vùng da bị tổn thương. Có vẻ như Hoa hậu Tiểu Vy cũng sử dụng kem dạng gel từ lô hội để giúp phục hồi da.
Một số phương pháp giúp hạ nhiệt cho da như tắm nước mát, bôi kem dưỡng ẩm và uống nước thực sự quan trọng và có hiệu quả cao.
3. Uống nước
Để giảm tổn thương da do cháy nắng, ngoài chú ý làm mát bên ngoài còn cần làm mát bên trong. Lúc này, một cốc nước là thứ mà làn da cần để phục hồi nhanh chóng. Khi bị cháy nắng, da sẽ mất nước và trở nên thô ráp, ngứa ngáy. Khi đó, bạn nên uống nhiều nước giúp bù đủ lượng nước bị mất, hạn chế tối đa tổn thương về sau.
Ngoài 3 bước chăm da trên đây, thêm một lưu ý quan trọng mà chị em cần nhớ khi da bị cháy nắng chính là không tẩy tế bào chết, không gãi.
Việc tẩy tế bào chết cho da bị cháy nắng là không nên vì việc chà xát sẽ khiến da càng tổn thương hơn.
Khi da bị cháy nắng, ngứa rát sẽ là biểu hiện rõ rệt. Nhưng tuyệt đối không gãi da vì chúng rất dễ gây ra những vết xước trên da và gây sẹo. Khi bạn quá ngứa và rát, hãy cho đá lạnh vào một chiếc khăn khô sạch và đắp vào phần da ngứa. Bên cạnh đó, dù bạn có thói quen tẩy da chết bằng gel thì trong thời điểm này cũng cần dừng lại. Da bị cháy nắng vốn rất yếu nên sẽ khó chịu được việc tẩy da chết, dẫn đến việc hồi phục lâu hơn.