Nhiều người tin rằng trồng một cây hồng trong sân thì nhà như có một “tấm bùa hộ mệnh”, giúp mọi việc suôn sẻ, gia đình được bình an, gặp nhiều may mắn.
Ngoài rau và hoa, bạn cũng có thể trồng một số loại cây ăn trái trong nhà, không chỉ có quả ngọt để ăn mà còn giúp làm đẹp cảnh quang, cho bóng mát và mang tới điềm lành cho gia đình. Chẳng hạn như 5 loại cây ăn quả dưới đây, nhiều người cho rằng chỉ cần trồng một chậu trong sân hoặc trước cổng nhà có thể mang lại may mắn, tài lộc và sự bình yên cho gia đình.
1. Cây cam
Nếu trong sân có một cây họ cam, chanh, quất hoặc bưởi thì khi hoa nở vào mùa xuân đều ra nhiều hoa, tỏa hương thơm ngát giúp thư giãn tinh thần, thanh lọc không khí. Cây sẽ cho rất nhiều quả, khi chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng óng, treo lủng lẳng trên cành không những đẹp mắt mà quả còn thơm ngon, bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trong phong thủy, quả cam có hình dáng tròn xoe, màu vàng, nặng trĩu cành nên đây là biểu tượng của tài lộc và sự thịnh vượng, viên mãn. Nếu trồng một cây họ cam, chanh trước nhà sẽ giúp gia đình ăn nên làm ra, của cải như nước vào nhà. Cây càng sai quả thì gia chủ càng có lộc.
Để trồng cam, bạn có thể trồng bằng phương pháp chiết cành, ghép cành hoặc mua cây giống về trồng. Cần trồng ở nơi có đủ ánh sáng, nắng quanh năm vì đây là loại cây ưa nắng. Nên trồng trên đất nhiều mùn, thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng để cây phát triển tốt.
2. Cây hồng
Nếu ngoài sân còn dư một khoảng trống, bạn có thể trồng một cây hồng. Loại quả này có vị ngọt, giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nên được nhiều người yêu thích.
Thân cây hồng cao, thẳng tắp, nhiều cành tỏa bóng rộng. Vào mùa thu, từng chùm quả hồng trĩu trịt, màu cam đỏ treo trên cành trông rất đẹp mắt.
Cây hồng có tuổi thọ cao, thậm chí có cây sống tới 300 năm nên nó tượng trưng cho sự trường thọ, điềm lành. Nhiều người tin rằng trồng một cây hồng trong sân thì nhà như có một “tấm bùa hộ mệnh”, giúp mọi việc suôn sẻ, gia đình được bình an, gặp nhiều may mắn.
Cây hồng tương đối lớn, cần bón nhiều phân, có thể bón phân hữu cơ vào mùa xuân thu, đảm bảo đủ ánh nắng, chú ý tưới nước kịp thời vào mùa xuân hè để tránh khô hạn. Nếu chăm sóc đúng cách, cây hồng có thể sống được hàng trăm năm, trở thành “vật gia truyền” được.
3. Cây táo tàu
Ý nghĩa của cây táo tàu cũng rất hay, tượng trưng cho đông con nhiều cháu, gia đình có nhiều phúc lộc về được con cái. Ngoài ra, cây táo tàu còn mang biểu tượng của sự tốt lành, gia chủ ăn nên làm ra, phát tài phát lộc. Cho nên, dù trồng ở cổng nhà hay trồng trong sân vườn đều rất tốt.
Phương pháp chủ yếu để nhân giống cây táo tàu là gieo hạt ngoài ra còn có thể chiết cành, ghép cành, chồi rễ, cắm hom. Trồng cây táo tàu cũng cần môi trường có đủ ánh sáng, thoáng gió. Nên bón phân định kỳ cho cây táo tàu, nhất là vào thời kỳ cây ra hoa, tạo quả thì cần bón nhiều hơn.
4. Cây sơn trà
Mỗi vùng có một tên gọi khác nhau như sơn trà, nhót tây, mận Trung Quốc, mận Nhật Bản,… Cây không chỉ có trái ngon mà còn có hoa đẹp, có tác dụng chữa bệnh nhất định nên được trồng làm cây ăn trái hoặc làm cảnh, lấy thuốc chữa bệnh.
Quả sơn trà có hình tròn hoặc dạng quả lê nhưng kích thước khá nhỏ, mọc theo chùm, vỏ mọng, thường có màu vàng, cam hoặc đỏ. Loại quả này có vị chua ngọt nhẹ nên được khá nhiều người yêu thích.
Trong phong thủy, đây cũng là một trong những loại cây ăn quả trồng trong nhà có thể mang đến điềm lành cho gia chủ. Cây sơn trà có thể được trồng sân vườn hoặc trồng trong chậu đều được.
Không chỉ cho quả ngon, mang lại may mắn và tài lộc cho gia đình, cây sơn trà cũng đóng vai trò giảm nhiệt độ và hấp thụ khí CO2, thanh lọc không khí rất tốt. Lưu ý, đây là loại cây ưa nắng vì thế nên trồng ở nơi có nhiều ánh nắng, thông thoáng, đồng thời cần bón phân thường xuyên thì cây sẽ phát triển liên tục và ra nhiều quả.
5. Cây lựu
Quả của nó to và đẹp, màu đỏ rủ khắp cành, không chỉ ngon mà còn là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy, gia đình đông con nhiều cháu, hạnh phúc viên mãn. Hoa lựu kết thành từng chùm được cho là có thể xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, mang đến sự bình an cho gia đình. Chính vì thế, cây lựu không chỉ thích hợp để trồng lấy quả mà còn có thể trồng làm cảnh, làm cây phong thủy.
Khi trồng cây lựu, bạn có thể trồng bằng phương pháp giâm cành hoặc chiết cành, có thể trồng trong sân vườn, trước cổng nhà hoặc trồng trong chậu đặt ở ban công hoặc sân thượng. Người xưa có câu “phía Đông trồng lựu là vàng, phía Tây trồng hồng là bạc”, vì vậy bạn có thể trồng lựu ở phía Đông sân vườn để gia đình có nhiều vàng bạc, giàu có hơn.
Nhưng lưu ý, dù trồng ở vị trí nào thì cũng cần trồng cây ở nơi có nhiều gió, có độ thông thoáng tốt. Về việc chăm sóc, nên chú ý cắt tỉa và bón phân ít nhất mỗi năm một lần để bổ sung chất dinh dưỡng, để cây cao lớn, tươi tốt và ra nhiều trái.