Trong nhà cô nàng này có rất nhiều loại hoa giấy với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau, tạo ra khung cảnh nên thơ, thỏa sức để cô sống ảo.
Khi đi du lịch ở Hạ Môn và Quảng Châu (Trung Quốc), tiểu Hạ (25 tuổi, sống ở tỉnh Tứ Xuyên) đã rất ấn tượng với hoa giấy. Những cây hoa lớn nở rộ bồng bềnh như mây, chảy thẳng từ trên xuống tựa như một thác hoa khiến Tiểu Hạ không tài nào quên được.
Tuy nhiên, khu dân cư Tiểu Hạ sống lại không phù hợp để trồng cả thác hoa giấy. Trong mảnh sân nhỏ của mình, cô đã trồng hoa hồng mấy lần nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn, nhiều vấn đề liên tiếp xuất hiện nên cuối cùng đành phải bỏ cuộc.
Góc ban công phủ đầy hoa giấy của Tiểu Hạ.
Sau này phát hiện mình vẫn không thể quên được hoa giấy, vì vậy cô chuyên tâm nghiên cứu về giống hoa này và phát hiện ra nhiều lợi ích của nó. Ví dụ như hoa giấy có rất nhiều giống, hầu như không có sâu bệnh. “Không giống như hoa hồng, có yêu cầu rất cao về thông gió, cũng không cần phải trồng một thác nước hoa giấy lớn, tôi vẫn có thể trồng những cây hoa giấy với hình dáng độc đáo. Vì thế, tôi đã bắt đầu sự nghiệp trồng hoa giấy từ ngày đó”, Tiểu Hạ nói.
Giờ đây, trong nhà Tiểu Hạ có rất nhiều loại hoa giấy với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau, tạo ra khung cảnh nên thơ, thỏa sức để cô sống ảo. Theo Tiểu Hạ, để hoa giấy tươi tốt, có hoa ngắm quanh năm thì cần chú ý tới 4 yếu tố sau:
1. Đất trồng chậu phải tơi xốp
“Những chậu hoa giấy bán bên ngoài đa số không được trồng trong đất dinh dưỡng. Sau khi mua về trực tiếp trồng xuống đất cũng không sao, chỉ cần xới đất ở gốc và bón thêm một ít phân hữu cơ làm phân bón lót là được. Tuy nhiên, tôi khuyên nên thay thế đất dinh dưỡng cho hoa giấy. Đất trồng tốt sẽ giảm bớt khó khăn trong việc bảo trì sau này. Đất có độ thoáng khí kém, đặc biệt là đối với hoa giấy trồng trong nhà, thì khả năng nảy mầm và ra hoa của cành mới sẽ giảm đi rất nhiều, cây sinh trưởng kém”, Tiểu Hạ nói.
Theo cô nàng 9X, đất dinh dưỡng để trồng hoa giấy phải tơi xốp, thoáng khí, hơi chua, có thể đất vườn thông thường với 20 đến 30% đất hạt hoặc cát sông. Loại đất này không dễ tích tụ nước, không gây úng rễ. Ngoài ra, có thể trộn với một ít phân cừu đã hoai mục hoặc đất mốc lá cây sẽ giúp cây phát triển nhanh hơn và nở hoa nhiều hơn.
Đối với hoa trồng trong chậu, tuổi thọ của đất thường khoảng 1 năm, chất dinh dưỡng trong đó sẽ cạn kiệt, nếu tiếp tục sử dụng thì đất dễ nén chặt, cực kỳ bất lợi cho hoa. Tuy nhiên, quá trình bảo dưỡng nếu sử dụng nhiều phân hữu cơ thì tuổi thọ của đất có thể được kéo dài.
Nhưng, vẫn nên thay đất, thay chậu 1-2 năm một lần. Thay thế bằng đất dinh dưỡng mới và bón thêm lượng phân bón lót thích hợp, nếu cây phát triển nhanh bạn cũng có thể thay thế bằng chậu hoa lớn hơn.
Kích thước chậu hoa cũng phải phù hợp. Nếu dùng chậu sâu, đất sẽ nhiều, khi tưới nước thì đất sẽ khó khô và dễ bị úng nước. Vì vậy tốt nhất nên thêm một số mảnh gốm, đá ceramsite,… phía dưới để khả năng thấm khí và thoát nước của chậu tốt hơn.
2. Cần đảm bảo hoa giấy được nhận đủ ánh sáng
Hoa giấy là loại cây cực kỳ ưa ánh sáng, ánh sáng đủ là cơ sở để cây ra hoa, nên nơi trồng hoa giấy cần có nhiều ánh sáng. Với Tiểu Hạ, cô trồng hoa giấy ở ban công phía Nam, bậu cửa sổ phía Nam.
May nhà có nhiều ánh sáng nên hoa giấy của Tiểu Hạ trồng luôn ra hoa nhiều, hoa nở tươi tắn, kéo dài khoảng 30 ngày mới tàn.
3. Kiểm soát lượng nước tưới hợp lý
“Tôi tin rằng những người yêu hoa biết chút ít về hoa giấy đều biết rằng muốn hoa giấy nở sớm thì cần phải kiểm soát nước. Nếu không kiểm soát lượng nước tưới hợp lý thì hoa giấy chỉ phát triển thân và lá, không nở hoa cho dù bạn trồng ở nơi nhiều ánh sáng, hoặc hoa sẽ héo ngay sau khi nở”, Tiểu Hạ nói.
Cô nàng 9X cho biết, khi trồng hoa giấy cần tuân thủ quy tắc “đất khô hẵng tưới nước”, tức là đất trong chậu khô hoàn toàn mới tưới nước.
4. Bón phân thường xuyên cho hoa giấy
Hoa trồng trong chậu bị hạn chế về không gian sinh trưởng, thường xuyên bón phân là cơ sở để đảm bảo cây sinh trưởng tốt và ra hoa thường xuyên. Hoa giấy phát triển nhanh, thời gian ra hoa dài, số lượng hoa nhiều nên cần nhiều chất dinh dưỡng, vì thế trong quá trình chăm sóc cần bón phân thường xuyên.
Tiểu Hạ khuyên, nên sử dụng nhiều phân hữu cơ phức hợp trong thời kỳ sinh trưởng, có dinh dưỡng cân đối, như thế có thể duy trì độ chua, tơi xốp của đất. Nếu muốn có kết quả nhanh chóng, hãy sử dụng các loại phân hòa tan trong nước, cứ 10-15 ngày tưới một lần cho cây.
Kali dihydrogen photphat là chất kích thích ra hoa tốt nhất trong thời kỳ ra hoa, có thể pha với nước theo tỷ lệ 1:1000 và tưới trực tiếp vào rễ hoặc phun lên lá, sử dụng 7 - 10 ngày/lần.
“Khi trồng hoa tại nhà, nhất là trong môi trường khép kín trong nhà, tốt nhất không nên chọn những loại hoa dễ bị sâu bệnh, côn trùng gây hại. Nếu từng thất bại khi trồng hoa hồng, bạn có thể thử trồng hoa giấy giống như tôi. Khi chăm chút những chậu hoa, nó sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui hơn, giúp bạn thư thái hơn đấy”, Tiểu Hạ nói.