Một số loài hoa nhìn bên ngoài rất đẹp nhưng lại thu hút rất nhiều côn trùng, sâu bọ hoặc dễ bị sâu bệnh, không thích hợp để trồng trong nhà.
Việc trồng hoa và cây cảnh mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp con người nuôi dưỡng tinh thần, giải tỏa căng thẳng, trang trí nhà cửa mà một số loại cây còn có tác dụng thanh lọc không khí hay mang lại những điều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Mặc dù vậy, khi chọn cây và hoa trồng trong nhà, bạn cần phải “tinh mắt” một chút vì một số loại hoa trông rất đẹp nhưng lại không thích hợp để trồng trong nhà, do chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Dưới đây là 5 loài hoa là “bạn” của bệnh tật, không nên trồng trong nhà mà nên chuyển ra ngoài sân vườn:
1. Những loài hoa thu hút sâu bọ
Hoa dành dành.
Một số loài hoa nhìn bên ngoài rất đẹp nhưng lại thu hút rất nhiều côn trùng, sâu bọ hoặc dễ bị sâu bệnh chẳng hạn như hoa đăng tiêu, hoa dành dành, hoa hồng, cây thủy sinh… Để tránh sâu bệnh gây hại, những người yêu hoa phải phun thuốc thường xuyên khiến môi trường xung quanh có mùi thuốc.
Do đó, những loài hoa này tốt hơn hết nên đặt ngoài trời, không nên đặt trong nhà, đặc biệt là trong phòng ngủ. Phần là để tránh trứng của côn trùng bám vào quần áo, chăn màn,… phần là để tránh mùi thuốc trừ sâu lan ra khắp nhà khi phun thuốc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
2. Cây cảnh có gai
Cây xương rồng bát tiên.
Một số loài cây cảnh có gai có thể kể đến như xương rồng, xương rồng bát tiên, cọ gai,… Những loại hoa này trên thân thường phủ đầy gai nhọn và đây là “cơ chế phòng vệ” riêng của chúng.
Tuy nhiên loại cây này không nên trồng trong nhà vì có nó thể mang lại những nguy hiểm tiềm ẩn. Bởi lẽ chúng ta có thể bị gai của những loài cây này đâm phải khi vô tình đụng trúng, đặc biệt là với những gia đình có trẻ nhỏ càng không nên đặt trong nhà.
3. Cây cảnh có độc
Cây vạn niên thanh.
Trẻ nhỏ thường rất tò mò về thế giới bên ngoài, thích cảm nhận mọi thứ bằng tay và miệng nên rất dễ ăn nhầm những bông hoa độc. Sức đề kháng của trẻ em lại kém nên nếu lỡ ăn phải hoa độc thì rất nguy hiểm, nhẹ thì tiêu chảy, nôn, nặng thì có thể hôn mê, thậm chí là tử vong.
Cho nên trước khi chọn cây trồng trong nhà bạn nên tìm hiểu thật kỹ xem loại cây đó có độc hay không. Trúc đào, hoa loa kèn, kim tiền, vạn niên thanh, hồng môn, ngô đồng,… là một số loại cây cảnh có độc phổ biến.
4. Loại cây cảnh kém phát triển
Cây trầu bà kém phát triển.
Một số loại cây khi mới mua về trông tràn đầy sức sống, nhưng có thể do chăm sóc không đúng cách hoặc các yếu tố khác như môi trường mà sau một thời gian cây còi cọc, héo úa, thậm chí trông như sắp chết. Thực tế có khá nhiều loại cây như vậy, chẳng hạn như trầu bà xanh mới mua về sau vài tháng trồng rất dễ héo úa hay cây lan chi khô xơ xác,…
Nếu cây xanh trong nhà gặp tình trạng đó, tốt hơn hết bạn nên loại bỏ những lá khô héo, vàng úa đi. Nếu không thể cứu chữa được nữa, đừng tiếc rẻ mà hãy vứt chúng đi, vì những chậu hoa như vậy tiếp tục để trong nhà không những không cải thiện được môi trường mà còn ảnh hưởng đến vận khí của gia đình, khiến tài lộc hao hụt.
Ngoài ra khi cây héo úa, lụi tàn, lá và thân của chúng rất dễ bị côn trùng, vi khuẩn xâm nhập, gây thối rữa và có mùi khó chịu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
5. Hoa quá thơm
Hoa dạ lan hương.
Nhiều người thích nhà tràn ngập hoa lá và hương thơm của cây cỏ, nhưng có một số loại hoa lại không mấy “thân thiện” với môi trường sống. Nếu trong nhà có người già thể chất yếu, trẻ em, phụ nữ mang thai,… thì tốt nhất không nên trồng những loại hoa có mùi thơm quá nồng.
Bởi vì trong hương hoa của những loại hoa này thường chứa chất có thể kích thích hệ thần kinh của con người, dễ khiến người ta mất ngủ, tâm trạng bồn chồn, chẳng hạn như hoa huệ, hoa dành dành, hoa huệ, lan dạ hương,… Hơn nữa, phấn hoa còn là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm mũi dị ứng, ngứa da. Vì vậy, tốt hơn hết nên trồng những loại hoa này ở nơi thoáng gió như ngoài sân, ban công,… chứ không nên trồng trong nhà.