Đã từ rất lâu, thiết mộc lan đã trở thành một trong những loại cây cảnh được yêu thích không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn sự tươi tốt, cao lớn mà cây đem lại. Cùng tìm hiểu những cách chăm sóc thiết mộc lan đúng nhất để giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh.
Thiết mộc lan có tên khoa học là Dracaena fragrans, là loài thực vật thuộc họ Măng tây và có khả năng ra hoa. Loài cây này vốn là loài cây bản địa của một số quốc gia châu Phi, tuy nhiên hiện nó đã phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thiết mộc lan có vẻ đẹp cuốn hút cùng giá trị tốt lành cho phong thủy, cho nên nó rất được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong nhà.
Điều đặc biệt của thiết mộc lan so với nhiều loại cây cảnh khác, đó là chúng có khả năng sinh trưởng cực tốt kể cả khi bị cắt ngang thân. Khi này chồi mới chỉ việc mọc ra từ phần thân bị cắt và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, loài cây này còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại trong không khí, giảm bức xạ điện từ phát ra từ các thiết bị điện tử. Nhờ đó không khí xung quanh sẽ trở nên thoáng đãng, an toàn.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chăm sóc thiết mộc lan sao cho hợp lý để khiến cây nhanh lớn và phát triển vượt trội. Thậm chí nhiều người trồng mãi mà cây chả chịu ra cành lá hoặc ra hoa, vậy làm thế nào để chăm sóc thiết mộc lan sao cho tốt nhất?
Cách chăm sóc thiết mộc lan hiệu quả nhất
Để giúp chậu cây của bạn có thể mọc nhanh, cao lớn hoặc thậm chí ra hoa, điều quan trọng nhất đó chính là công đoạn chăm sóc. Bạn không nên bỏ qua những yếu tố sau đây:
1. Tưới nước thường xuyên
Thiết mộc lan là loài thực vật cần được tưới nước thường xuyên vì nhu cầu của chúng khá lớn. Do đó bằng mọi cách mà bạn cần cung cấp lượng nước tưới đều đặn hàng ngày để giúp cây phát triển tốt và cao lớn nhanh chóng. Tốt nhất nên tưới cây vào sáng sớm để giúp cây có thể hấp thụ tốt hơn và đủ độ ẩm để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt khi vào mùa hè nóng nực.
Thực tế việc tưới nước thường xuyên cho thiết mộc lan còn phải phụ thuộc vào các dấu hiệu xuất hiện trên lá hoặc thân. Nếu có dấu hiệu vàng lá bất thường chứng tỏ cây đang bị thừa nước, bạn nên dừng tưới một thời gian. Còn nếu lá cây khô lại thiếu sức sống tức là cây đang bị thiếu nước, cần gia tăng lượng nước tưới lên.
Thông thường chỉ nên tưới từ 4-5 lần mỗi tuần đối với những cây thiết mộc lan trồng ngoài trời. Còn nếu chúng được đặt trong nhà thì số lần tưới chỉ vào khoảng 1-2 lần mà thôi. Đất trồng yêu cầu phải là loại có khả năng thoát nước tốt, có đủ độ tơi xốp và giàu dinh dưỡng để giúp ích cho sự phát triển của cây.
2. Bón phân hợp lý
Thiết mộc lan ngoài việc cần nhiều nước tưới, chúng còn rất cần được bón phân để cải thiện thêm dinh dưỡng, khi mà dinh dưỡng từ đất trồng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển vượt trội của cây. Bạn có thể duy trì bón phân NPK hoặc phân hữu cơ cứ mỗi 2-3 tháng/lần, phân được bón sát gốc và cách thân cây một đoạn từ 5-10cm để tránh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Hoặc phân bón có thể được pha loãng rồi tưới đều khắp gốc cây.
3. Phòng ngừa bệnh cho cây
Những bệnh mà thiết mộc lan thường gặp phải chủ yếu đến từ việc chăm sóc cây sai cách:
- Bệnh vàng lá: Do tưới quá nhiều nước cho cây khiến lá dần chuyển sang màu vàng, rễ bị thối và chết cây. Cần giảm lượng nước tưới lại, quan sát kỹ độ ẩm trong đất, cắt bỏ bớt các lá bị hỏng.
- Bệnh đốm trắng: Do cây ít được mang đi tắm nắng, trồng trong phòng kín có điều hòa nhiệt độ chạy liên tục cả ngày khiến cho lá cây thiếu dinh dưỡng, không quang hợp được.
- Bệnh bạc lá: Mức độ cao hơn của bệnh đốm trắng, do cây gần như không được mang đi tắm nắng ngày nào khiến cho lá cây dần bạc màu và thiếu sức sống.
- Sâu, côn trùng tấn công: Có thể do cây thiết mộc lan được đặt ở những nơi có nhiều loại côn trùng làm tổ, khiến cho chúng tấn công cây để hút dinh dưỡng. Vậy nên bạn chỉ cần loại bỏ các dấu vết của côn trùng xung quanh nơi trồng cây, hoặc đặt chậu cây trong nhà là được.
4. Lau lá cây định kỳ
Thiết mộc lan có thể giúp thanh lọc không khí và loại bỏ các độc tố có hại, cung cấp nguồn oxy chất lượng cho ngôi nhà của bạn. Do đó mà lá cây rất dễ bám bụi bẩn, điều sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh lọc không khí lẫn sức khỏe lâu dài của cây. Do đó mà bạn nên tiến hành lau sạch sẽ lá cây định kỳ để tránh tình trạng bụi bẩn xảy ra. Việc lau sạch lá cây còn có thể giúp ngăn ngừa một số loại bệnh có hại có thể làm hại đến cây trồng.