Cách trồng dưa leo trong chậu, thùng xốp đơn giản tại nhà

Nhật Linh - Ngày 11/07/2021 15:03 PM (GMT+7)

Dưa leo là loại quả bổ dưỡng và được rất nhiều bà mẹ và các chị em ưa trồng. Tuy nhiên không phải ai cũng biệt cách trồng dưa leo trong chậu hoặc trong thùng xốp đúng mà đơn giản nhất.

Lựa chọn thời vụ trồng dưa leo

Tùy thuộc vào khu vực mà bạn đang sinh sống mà thời vụ để trồng dưa leo sẽ khác nhau:

- Nếu bạn ở miền Bắc: Nên trồng vào vụ Xuân bắt đầu từ tháng 2 cho đến tháng 4. Hoặc bạn có thể trồng vào vụ Thu Đông từ tháng 9 cho đến cuối tháng 1. Không nên trồng dưa leo vào mùa Hè bởi sẽ khó cho cây có thể sinh trưởng.

- Nếu bạn ở miền Nam: Dưa leo tại đây có thể trồng được quanh năm bởi khí hậu nhiệt đới tại khu vực miền Nam. Tuy nhiên để sản lượng và chất lượng dưa leo được tốt nhất, bạn nên trồng bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 sang năm hoặc từ tháng 5 cho đến hết tháng 8.

Dưa leo có thể trồng quanh năm tùy thuộc vào khu vực địa lý bạn sinh sống

Dưa leo có thể trồng quanh năm tùy thuộc vào khu vực địa lý bạn sinh sống

Chọn giống dưa leo tốt nhất để trồng

Trên thị trường hiện nay đang tồn tại nhiều giống dưa leo khác nhau như giống dưa leo Thái, dưa leo xanh, dưa leo gai, dưa leo giàn,... Tùy theo sở thích cũng như mục đích sử dụng các loại dưa leo mà bạn có thể tự mình lựa chọn giống dưa leo nào để trồng cho phù hợp. Bạn có thể tìm mua hạt giống dưa leo loại tốt và chất lượng tại những cơ sở bán nông sản uy tín trên cả nước. Thậm chí một số siêu thị sẵn sàng cung cấp hạt giống dưa leo để bạn có thể mua được dễ dàng.

Chuẩn bị đất để trồng dưa leo

Dưa leo có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên chúng vẫn ưa thích khí hậu nóng ẩm của mùa mưa. Ngoài ra chúng còn thích hợp với nhiều loại đất trồng khác nhau. Bạn có thể lựa chọn loại đất thịt pha cát, giàu dinh dưỡng, chứa thêm mùn, phân hữu cơ bên trong. Ngoài ra độ pH của đất nên từ 6-7, không bị chua, có độ tơi xốp tốt cùng khả năng thoát nước ổn.

Ủ hạt giống dưa leo trước khi trồng

Hạt giống dưa leo khi bạn mới mua về, muốn chúng có thể sinh trưởng nhanh chóng và dễ dàng thì bạn nên tiến hành ủ chúng trong nước ấm từ 2 đến 3 tiếng. Nhiệt độ nước ấm yêu cầu trong khoảng từ 30-35 độ C, không quá nóng hoặc lạnh hơn. Sau khi ngâm xong thì vớt hạt ra, rửa lại cho sạch rồi ủ trong một chiếc khăn sạch từ 3 đến 5 ngày tiếp theo ở nhiệt độ phòng. Thường xuyên quan sát đến khi nào hạt có hiện tượng nảy mầm là có thể mang đi trồng ngoài vườn được rồi.

Hướng dẫn cách trồng dưa leo tại nhà đơn giản và dễ nhất

1. Cách trồng dưa leo trong chậu

- Bạn hãy cho đất trồng đã chuẩn bị vào trong chậu có đường kính tối thiểu là 30cm. Sau đó hãy làm tơi đất trong chậu trước khi gieo hạt.

- Hạt giống dưa leo sau khi đã ủ thì bạn vùi vào trong đất khoảng 1cm, khi gieo xong thì phủ lớp đất ở xung quanh lại. Mỗi chậu như vậy bạn chỉ nên vùi khoảng từ 5-7 hạt giống dưa leo. Sau đó tưới nước hàng ngày cho chậu cây.

- Sau khoảng từ 1-2 tuần, cây non bắt đầu hình thành và leo bám ra xung quanh. Khi này bạn hãy tỉa bớt cây dư thừa sao cho duy trì khoảng 3 cây non trong cùng một chậu mà thôi.

- Sau khoảng 1 tháng kể từ khi gieo trồng, bạn hãy cắm một chiếc cọc gỗ vào giữa chậu để dưa leo có thể leo bám lên đó và phát triển. Không nên để dưa leo tự mọc bò trên mặt đất, quả dưa leo khi đó sẽ dễ bị hư hại, thối hỏng.

- Thường xuyên tưới nước định kỳ cho cây dưa leo ít nhất 1 lần/ngày, không được để cho cây bị thiếu nước hoặc khô héo, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quả.

Dưa leo được trồng trong chậu

Dưa leo được trồng trong chậu

2. Cách trồng dưa leo trong thùng xốp

- Bạn hãy chuẩn bị 1 thùng xốp to trước khi trồng, trong đó xung quanh thùng xốp bạn nên đục các lỗ nhỏ để giúp tăng khả năng thoát nước của thùng xốp, tránh gây ngập úng bên trong.

- Đổ đất trồng đã chuẩn bị vào trong thùng xốp rồi đánh lên cho tơi. Sau đó bạn hãy cho một vài hạt giống dưa leo đã ủ vào trong đất với độ sâu khoảng 1cm, phủ một lớp đất mỏng lên trên sau khi đã vùi.

- Sau khoảng 1 tháng, cây non đã hình thành và bắt đầu leo bám, khi này bạn cần bố trí các cọc gỗ để cho cây có thể leo bám vào đó và tạo quả sau này.

- Cuối cùng, bạn hãy thường xuyên tưới nước định kỳ cho cây dưa leo và đem chúng ra những nơi có nhiều ánh sáng để trồng.

Dưa leo được trồng trong thùng xốp

Dưa leo được trồng trong thùng xốp

Cách làm giàn cho dưa leo

Nếu như bạn trồng dưa leo với số lượng rất lớn thì việc thiết kế giàn leo cho cây là cực kỳ cần thiết. Thông thường, giàn cho dưa leo có thể được làm bằng gỗ, bằng sắt hoặc bằng chất liệu nào vững chãi, có thể chịu được tải trọng của dưa leo khi trưởng thành. Các cọc để làm giàn cần có chiều cao ít nhất từ 2-3m, đường kính khoảng 2-3cm.

Đầu tiên, bạn hãy dùng dây thép để buộc các cọc sao cho tạo thành hình chữ A. Sau đó cố định các cọc lại tại nơi mà bạn trồng sao cho các cọc thật vững chắc và không thể bị đổ. Từ đó cây dây leo sẽ sinh trưởng, leo bám lên các cọc và tạo quả. Các hệ cọc chữ A bạn xếp cạnh nhau để tạo thành một hệ thống giàn trồng dưa leo chuyên nghiệp, đẹp mắt.

Mẫu giàn cho dưa leo mà bạn có thể tham khảo

Mẫu giàn cho dưa leo mà bạn có thể tham khảo

Cách chăm sóc cây dưa leo sau khi trồng

Thời điểm quan trọng nhất để dưa leo có thể đạt chất lượng cao nhất khi thu hoạch, đó là 1 tháng đầu tiên kể từ khi gieo trồng. Khi này bạn cần tiến hành chăm sóc kỹ lưỡng, thêm phân bón, nước tưới để tăng thêm dinh dưỡng cho cây. Hãy trộn các loại phân lân, phân đạm, kali vào trong nước để tưới định kỳ cho cây dưa leo. Luôn luôn làm sạch cỏ dại, cắt bỏ lá già và cành lá khô héo để đảm bảo cho sự phát triển của cây.

Sau khoảng 2 tháng kể từ khi gieo trồng, dưa leo khi này đã phát triển hoa, lá vượt trội để chuẩn bị kết trái. Khi này nhu cầu dinh dưỡng cho cây cần gấp đôi so với trước đây. Lượng nước tưới phải được tăng cường, kết hợp với bổ sung dinh dưỡng cho cây thông qua việc bón phân. Một khi cây đủ lượng nước cần thiết thì mới đảm bảo quả dưa leo có kích thước lớn, ngọt trái. Còn ngược lại sẽ cho ra quả nhỏ, vị đắng chát khó chịu.

Cách thu hoạch và bảo quản dưa leo

Sau khoảng 3 tháng kể từ gieo trồng, cây dưa leo khi này sẽ tạo quả. Lúc này bạn có thể bắt đầu thu hoạch dưa leo để kết thúc vụ mùa của cây. Bạn nên thu hoạch dưa leo vào lúc sáng sớm, bởi khi này thời tiết còn đang mát mẻ, dễ chịu, việc thu hoạch sẽ thuận lợi và dễ dàng. Sau khi thu hoạch xong, bạn nên bón một ít phân kali cho cây 2 lần/tuần liên tục như vậy trong vòng một tháng để cây có thể phục hồi cho vụ mùa tiếp theo.

Dưa leo sau khi thu hoạch xong cần được bảo quản để có thể sử dụng dần dần. Bạn có thể đem chúng rửa sạch với nước muối loãng, sau đó để cho khô ráo rồi mới bọc trong túi nilon kín. Cuối cùng đem cất trong ngăn mát của tủ lạnh để bảo quản.

Thu hoạch dưa leo sau khi trồng

Thu hoạch dưa leo sau khi trồng

Một số bệnh mà dưa leo có thể gặp phải khi trồng

Trong quá trình trồng cây dưa leo, chúng có thể sẽ gặp phải nhiều loại sâu bệnh như sau:

- Sâu ăn lá: Chúng sẽ ăn lá và hút nhựa cây khiến cây mất đi dinh dưỡng và khô héo dần. Do đó bạn cần chuẩn bị các loại thuốc Sherpa, Polytrin để phun diệt trừ.

- Sâu vẽ bùa: Chúng có thể xuất hiện xuyên suốt toàn mùa vụ để ăn lá, làm hại năng suất thu hoạch và khiến chết cây. Hãy sử dụng các loại thuốc Trigard, Polytrin hoặc Sherpa để phun.

- Bọ trĩ: Loại bọ này chuyên tập trung ở thân cây dưa leo để hút nhựa cây làm chết cây của bạn. Khi này hãy sử dụng các loại thuốc như Regent, Selecron, Polytrin nhằm tiêu diệt chúng nhé.

- Dế, sâu xám: Xuất hiện nhiều trong giai đoạn cây dưa leo còn non, đang trong quá trình phát triển. Chúng thường hay cắn thân cây theo bề ngang, khiến đứt đoạn dây leo và làm cây bị chết. Khi này bạn cần sử dụng thuốc Basudin để rắc xung quanh đất trồng nhằm xua đuổi chúng đi là được.

5 loại hoa càng nóng càng nở hoa đẹp mê mẩn, nhìn thôi đã thấy sảng khoái
Màu xanh được biết đến như màu sắc của hi vọng và hòa bình, là màu của trời và biển nên những loài hoa màu xanh rất được yêu thích.

Nhà - Vườn

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhà - Vườn