Loại cây này có thể thu hút năng lượng tích cực, trồng trong sân vườn nhà có thể giúp kích hoạt năng lượng tích cực, từ đó thu hút may mắn và tài lộc cho gia đình.
Những năm gần đây, các loại cây mọc dại được nhiều người săn lùng và cho vào chậu, tạo dáng bonsai làm cây cảnh. Trong số đó phải kể đến cây duối.
Loại cây này có tên gọi khác là cây duối đa, duối nhám, cây may xói,… tên khoa học là Streblus asper Lour, thuộc họ dâu tằm. Đây là loại cây thân gỗ sống lâu năm, trước mọc dại ở bờ bụi và sau đó được nhiều người trồng để làm hàng rào bao quanh nhà cửa.
Cổng duối.
Cây duối có thể cao khoảng 4 – 8m, cành cây đâm chéo tạo thành những bụi cứng. Lá cây có hình bầu dục, lá cứng và mép có răng cưa.
Hoa duối có 2 loại là hoa đực và hoa cái. Hoa đực thường mọc thành cụm và có màu vàng, trong khi đó hoa cái mọc đơn lẻ và có màu xanh lục. Quả duối khá nhỏ, có hình bầu dục, khi chín có màu vàng và vị ngọt nhẹ, có thể ăn được.
Cây duối là cây rễ cọc, lớn và đâm sâu vào đất, giúp cây tồn tại tốt trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Thân và cành sần sùi, khúc khuỷu và chằng chịt nên ngoài làm hàng rào, nhiều người còn trồng cây duối làm cây bonsai, tăng giá trị cảnh quan.
Không chỉ đẹp, cây duối còn mang ý nghĩa phong thủy tốt lành. Theo đó, loại cây này có thể thu hút năng lượng tích cực, trồng trong sân vườn nhà có thể giúp kích hoạt năng lượng tích cực, từ đó thu hút may mắn và tài lộc cho gia đình. Cây có tuổi thọ cao nên có thể mang tới sự thịnh vượng trăm năm cho gia đình.
Cây duối bonsai.
Không những vậy, nhiều người còn tin rằng cây duối có tác dụng trấn trạch, xua đuổi tà ma, mang đến sự bình an và thư thái cho gia đình.
Ngoài ra, cây duối còn được biết đến là một vị thuốc Nam. Theo đó, nó có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe như kháng khuẩn, trợ tim, chống dị ứng, chống sốt rét,… Trong Đông y, loại cây này có thể điều trị các bệnh như phù thũng, tiểu đục, gãy xương, sâu răng,...
Cách trồng và chăm sóc cây duối cảnh
Loại cây này có thể nhân giống bằng phương pháo gieo hạt hoặc chiết cành, nhưng phổ biến hơn cả là phương pháp chiết cành, vì cách này giúp rút ngắn thời gian phát triển của cây. Khi áp dụng phương pháp chiết cành, nên chọn những bánh tẻ và khỏe mạnh. Thời điểm thích hợp nhất để nhân giống cây duối là mùa xuân.
Vốn là cây mọc dại nên cây duối không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, muốn cây duối đẹp và có giá trị làm cảnh cao, bạn nên chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Khi trồng cây duối trong chậu, bạn nên trồng trong đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng để cây nhanh lớn. Bạn có thể trộn đất vườn với xơ dừa, phân đạm để cung cấp thêm dưỡng chất cho đất.
- Tưới cây: Cây duối là giống cây ưa nước nhưng có khả năng chịu hạn kém. Cho nên, cần tưới nước thường xuyên để cây lớn nhanh mà không bị chết bởi khô hạn.
- Cắt tỉa: Muốn cây duối có dáng đẹp thì việc uốn nắn và cắt tỉa là không thể thiếu. Vào mùa thay lá cũng là thời điểm thích hợp nhất có việc uốn và tỉa cây.