Cây Trúc Nhật là loại cây cảnh được trồng khá phổ biến tại nhà, trên văn phòng, nơi làm việc,... Ngoài việc trồng làm cảnh, trang trí, cây còn có nhiều giá trị trong phong thủy, mang lại nhiều điều may mắn.
Cây Trúc Nhật có tên khoa học là Dracaena surculosa punctulata, còn có tên khác là cây Phất Dụ. Đây là loài cây mọc hoang, dễ trồng, thường xuất hiện phổ biến ở các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Cây Trúc Nhật có chiều cao thân từ 0,5-2m; đường kính thân có bề rộng chỉ khoảng 0,5-1,5cm. Trên thân cây chia thành rất nhiều nhánh nhỏ khác nhau, lá mọc đâm ra và ôm sát về phía thân.
Hình ảnh cây Trúc Nhật
Cây Trúc Nhật khi còn non thì thường có màu xanh lá, nhưng khi đã trưởng thành và già đi thì lại có màu hơi ngả bạc. Lá cây trông hơi giống lá tre nhưng mỏng hơn một chút, lá có hình dạng thuôn dài và có nhiều đốm loang lổ trên bề mặt. Cây có khả năng ra hoa, hoa có màu trắng nhạt mọc chụm lại ở đỉnh. Chiều cao của cây ở mức trung bình cho nên rất phù hợp để trồng tại nhà hoặc trên văn phòng để trang trí, trưng bày.
Ý nghĩa của cây Trúc Nhật trong phong thủy
Cùng nằm trong bộ “Tùng - Cúc - Trúc - Mai”, thế nên cây Trúc Nhật rất có giá trị trong phong thủy. Với sức sống vô cùng mãnh liệt, có thể xanh tốt ngay cả khi thời tiết đã bước vào mùa hè nóng nực, cây Trúc Nhật thể hiện ý nghĩa dám đương đầu với thử thách, sóng gió của cuộc sống, bất kể có thành công hay thất bại đi chăng nữa.
Chữ “Trúc” trong tên của cây đại diện cho sự tốt lành, may mắn và bình an do cách đọc giống với chữ “Chúc”. Ngoài ra, cây Trúc Nhật còn tượng trưng cho một đấng quân tử, sống ngay thẳng, bản lĩnh nhưng khi cần vẫn có thể linh hoạt, mềm mại trong đối nhân xử thế, đúng với cấu tạo mảnh mai, tao nhã nhưng cứng cáp của cây.
Cây Trúc Nhật có nhiều giá trị trong phong thủy
Nhiều người thường trồng cây Trúc Nhật trong các chậu cây được làm bằng sứ trắng tráng men với mong muốn có được cuộc sống thanh tao, đẹp đẽ giống như hình tượng quân tử mà cây đại diện. Đồng thời cây có khả năng xua tan điều xấu, tà khí trong nhà, giúp gia chủ được bình an và có cuộc sống trong lành hơn.
Tại sao cây Trúc Nhật lại rất được ưa chuộng để trồng?
Cây Trúc Nhật cũng như nhiều cây xanh khác, có khả năng giúp làm thanh lọc không khí, điều hòa không khí trong phòng rất tốt. Ngoài ra với cấu tạo của cây vô cùng thanh mảnh, xanh tốt và tao nhã rất hợp với không gian kiến trúc bình dị, giản đơn và phối hợp tốt với các loại nội thất khác nhau. Hơn hết, đây là loài cây có giá trị phong thủy cao cho nên rất được ưa chuộng để trồng trong nhà, cơ quan làm việc,...
Cây Trúc Nhật đốm phù hợp để trang trí trên bàn làm việc
Cây Trúc Nhật hợp mệnh gì? Nên đặt cây ở đâu?
Theo như trong phong thủy, cây Trúc Nhật rất phù hợp với những gia chủ mệnh Mộc. Mộc là đại diện cho sự sinh sôi nảy nở, phát triển không ngừng, đôi lúc rất mềm mại nhưng khi cần thì có thể làm chỗ dựa vững chắc. Người mệnh Mộc luôn tràn đầy sức sống, năng lượng tươi mới và vô cùng tốt bụng. Họ được cho là có tấm lòng bao dung, nhân ái cùng với đó là khả năng sáng tạo, bền bỉ không ngừng.
Những người mệnh Mộc hợp với cây Trúc Nhật sẽ sinh vào các năm: Nhâm Ngọ (1942), Quý Mùi (1943), Canh Dần (1950), Tân Mão (1951), Mậu Tuất (1958), Kỷ Hợi (1959), Nhâm Tý (1972), Quý Sửu (1973), Canh Thân (1980), Tân Dậu (1981), Mậu Thìn (1988), Kỷ Tỵ (1989), Nhâm Ngọ (2002) và Quý Mùi (2003).
Về vị trí đặt cây trong nhà, hướng đặt thuận lợi nhất là hướng Đông, Đông Nam sẽ giúp gia chủ gặp nhiều thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán. gặp nhiều điều may mắn.
Cách chăm sóc cây Trúc Nhật giúp mọc cao và đẹp
1. Lựa chọn loại đất trồng
Nên chọn loại đất mùn có độ tơi xốp tốt cùng với khả năng thoát nước sẽ giúp cây không bị úng rễ. Ngoài ra đất mùn nếu có thể trộn lẫn với xơ dừa hoặc phân chuồng ủ mục sẽ tăng thêm giá trị dinh dưỡng có lợi cho cây.
2. Kỹ thuật trồng
Cây Trúc Nhật hiện nay được trồng qua hai phương pháp chủ yếu đó là giâm cành và tách bụi.
Phương pháp giâm cành:
- Chọn cành cây khỏe mạnh, không quá non hoặc quá già, sau đó loại bỏ vùng dư thừa gần gốc ở trên cành rồi đặt ở nơi khô ráo thoáng mát.
- Loại đất để trồng cây nên trộn đất mùn với xơ dừa theo tỷ lệ 1:1 rồi cho tất cả vào bầu đất hoặc khay trồng.
- Ngâm cành cây Trúc Nhật trên vào dung dịch kích thích ra rễ, sau đó đem cắm vào bầu đất đã chuẩn bị. Thực hiện việc tưới nước như bình thường.
- Sau khoảng 1 tháng thì cành bắt đầu ra rễ, sau đó thêm 2 tháng nữa là cây bắt đầu cứng cáp và phát triển mạnh hơn. Khi này bạn có thể bứng cây để trồng vào trong chậu.
Phương pháp tách bụi:
- Chuẩn bị loại đất mùn với xơ dừa và phân chuồng ủ mục theo tỷ lệ 1:1:1.
- Chọn cây Trúc Nhật khỏe mạnh làm cây mẹ, lựa chọn phần bụi cần tách làm cây con.
- Cắt rời cây con ra khỏi cây mẹ, sau đó đem cắm vào trong chậu cây đã chuẩn bị hỗn hợp đất ở trên.
- Lấp đất lại và nén chặt, sau đó tưới nước như bình thường. Sau khoảng 2 tháng là cây con có thể phát triển như bình thường.
3. Tưới nước
Cây Trúc Nhật không yêu cầu quá cao về nước tưới, chỉ nên giữ cho đất có đủ độ ẩm cần thiết là được. Tốt nhất chỉ nên tưới từ 2-3 lần mỗi tuần và tưới vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn.
4. Điều kiện ánh sáng
Cây Trúc Nhật ưa ánh sáng và có thể chịu được cả ánh nắng gay gắt của mùa hè. Do vậy bạn không phải lo khi đặt chậu cây tại nơi có nhiều ánh sáng chiếu đến nhất. Tuy vậy bạn cũng cần bổ sung lại lượng nước cho cây khi để cây tắm nắng vào mùa hè, bởi nhiệt lượng quá cao có thể khiến nước bốc hơi nhanh và làm cây bị héo khô.
5. Bón phân
Cây Trúc Nhật không nhất thiết phải bón phân thường xuyên để phát triển. Nếu như đất trồng đã có đủ dinh dưỡng cần thiết thì bạn chỉ cần bón lót 1-2 lần/năm là đủ. Hãy sử dụng phân hữu cơ khi bón cho cây.
Cây Trúc Nhật có độc không?
Cây Trúc Nhật được trồng trong nhà với công dụng loại bỏ khí độc và làm sạch không khí hiệu quả. Do đó cây hoàn toàn không độc hại với sức khỏe của con người. Vậy nên bạn có thể yên tâm khi trồng nhiều cây xanh xung quanh ngôi nhà của mình.