Trong dân gian, cây dâu tằm nổi tiếng có tác dụng trừ tà ma. Vậy có nên trồng một cây dâu tằm trước nhà để xua đuổi tà ma, giúp gia đình tránh những điều xui xẻo không?
Dâu tằm là một loại cây quen thuộc với người Việt, giúp nuôi tằm nhả tơ. Trong Đông y, dâu tằm còn là một cây thuốc quý.
Cụ thể rễ dâu có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, được dùng chữa ho, hen, thổ huyết, phù thũng. Lá dâu có vị ngọt, đắng, tính mát, chữa cảm, sốt, ho, viêm họng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, cao huyết áp, hỗ trợ giúp điều hòa đường huyết.
Ngoài ra, quả dâu cũng có thể ăn được, có vị ngọt và giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được nhiều người yêu thích. Dâu tằm có thể dùng để ngâm rượu, ngâm siro, làm mứt hoặc phơi khô làm trà.
Trong dân gian, cây dâu tằm lại nổi tiếng với tác dụng trừ tà ma. Chính vì vậy khi đón trẻ sơ sinh từ bệnh viện về nhà, nhiều người thường cầm theo cành dâu hoặc nhiều bậc phụ huynh còn đeo vòng dâu tằm cho trẻ để đuổi tà ma.
Hay khi có người bị cho là “ma nhập”, người ta cũng lấy cành dâu tằm đánh vào người để đánh đuổi tà ma. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm của dân gian, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh cả.
Cây dâu tằm cho vào chậu, cắt tỉa và tạo dáng cũng trở thành cây bonsai rất đẹp, có giá trị làm cảnh cao.
Có nên trồng một cây dâu tằm trước nhà không?
Xoay quanh vấn đề trồng cây dâu tằm trước nhà, từ xưa đến nay có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói nên trồng 1 cây dâu tằm trước nhà để xua đuổi tà ma, ngăn chặn những điều xui xẻo, giúp bảo vệ gia đình khỏi tai ương.
Nhưng có ý kiến cho rằng, trong tiếng Hán, phát âm của dâu tằm đồng âm với chữ “tang”, mang ý nghĩa tang tóc, đau thương. Do đó, dâu tằm được cho là loại cây mang âm khí nặng, không thích hợp trồng trước nhà.
Nếu trồng 1 cây dâu tằm trước nhà sẽ mang khí xấu vào nhà, khiến các thành viên trong gia đình liên tục gặp điều không may. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến nhà cửa trở nên lạnh lẽo hơn, các thành viên bất hòa, dễ xảy ra xung đột, sức khỏe không tốt.
Tốt hơn hết, nên trồng cây dâu tằm sau vườn nhà hoặc bờ dậu. Như vậy sẽ giúp xua đuổi tà khí, bảo vệ ngôi nhà và gia đình của bạn, đồng thời mang đến nhiều tài lộc, sự thịnh vượng cho gia chủ.
Cách trồng và chăm sóc cây dâu tằm
Cây dâu tằm là loại cây sống lâu năm, bạn có thể trồng sau vườn nhà để lấy quả ăn và bảo vệ gia đình. Bạn có thể trồng cây dâu tằm bằng phương pháp giâm cành.
Với phương pháp này, hãy chọn cành bánh tẻ trên 8 tháng tuổi từ những cây dâu tằm khỏe mạnh, sai quả, quả ngọt. Cắt cành giâm thành từng đoạn từ 18 – 20cm, mỗi đoạn có ít nhất 2 mắt.
Nhúng cành giâm vào thuốc kích rễ rồi cắm vào chậu đất đã chuẩn bị sẵn. Tưới đẫm nước rồi đặt ở nơi râm mát.
Hàng ngày chú ý tưới đủ ẩm cho đất để cành dâu nhanh bén rễ. Sau khoảng 15-20 ngày, cành giâm bắt đầu bén rễ. Khoảng 30 – 45 ngày kể từ ngày giâm cành, hãy đưa cành giâm vào chậu lớn hoặc ra đất trồng rồi tưới đẫm nước.
Cứ khoảng 1 – 2 tháng, hãy bón thúc và nhổ cỏ, vun gốc cho cây dâu một lần.
Lưu ý, cây dâu tằm ưa sáng nên hãy trồng cây ở nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng để cây phát triển tốt, ra nhiều quả. Thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây, đồng thời vặt bỏ lá sâu, lá già trên cây.
Nếu bạn không muốn cây phát triển cao thì nên ngắt ngọn hoặc cành của cây dâu tằm. Ngoài ra, bạn có thể uốn nắn cành dâu thành bonsai bởi cành dâu khá mềm, rất dễ để tạo dáng theo ý mình.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!