Khi trồng trên cạn, loại rau này được thu hoạch dễ dàng hơn, rau cũng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh hơn.
Vào mùa này, khi đi chợ không khó để bắt gặp những mớ rau với thân dài, đầy lá và rễ, thậm chí dính cả bèo. Tuy bề ngoài không được “nịnh mắt” khiến nhiều người ái ngại, nhưng thực ra đây là một loại rau đặc sản, có trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Giá của loại rau này cũng không hề rẻ, dao động từ 55.000 – 70.000 đồng/kg.
Loại rau được nhắc đến chính là rau nhút (hay còn gọi là rau rút) - loại rau xưa mọc dại khắp bờ ruộng, thường được dùng làm thức ăn cho lợn.
Đây là loại rau thân thảo, bén rễ ở các mấu, quanh thân có phao xốp màu trắng, lá nhỏ và dài xếp thành đôi một, trông khá giống lá của cây trinh nữ. Rau có hoa nhỏ, mọc thành từng cụm, màu vàng ánh lục. Quả hình dẹt với chiều dài khoảng từ 2.5cm – 5cm.
Loại rau này có vị ngọt, ăn giòn, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như xào, luộc, nấu canh cá, nhúng lẩu hoặc làm gỏi. Loại rau này cũng chứa nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin B12, methionin, hàm lượng protein dồi dào,… nên rất tốt cho sức khỏe.
Trong Đông y, rau rút còn được biết đến nhiều với công dụng chữa bệnh như an thần, mát gan, giải nhiệt, chữa chứng mất ngủ, trị nóng trong sinh mụn, lợi tiểu, tiêu viêm, nhuận tràng,…
Rau nhút khi đã được sơ chế.
Cách trồng và chăm sóc rau nhút
Vì rau nhút ưa nước nên loại rau này thường được trồng dưới nước. Khi đó, rau sẽ ở dạng bò và nổi trên mặt nước. Nhưng thực ra, bạn hoàn toàn có thể đưa loại rau này lên cạn và trồng tại nhà bằng thùng xốp, chậu, chai nhựa,…
Lúc này, việc trồng và thu hái sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, rau cũng sạch sẽ hơn. Tuy nhiên khi trồng trên cạn, rau nhút sẽ tự động mất đi phần phao màu trắng bao bọc quanh thân. Khi đó thân sẽ có màu tím, cọng có thể không mập mạp bằng khi trồng dưới nước, nhưng vẫn đảm bảo độ ngọt, giòn và non nếu bạn chăm sóc đúng cách.
Trồng rau nhút trong chai nhựa.
Về cách trồng, bạn hãy cắt rau nhút thành từng đoạn dài khoảng 15-20cm, lưu ý phải có cả rễ. Nếu trồng trong chai nhựa cỡ 1 lít, mỗi chai bạn chỉ nên trồng 1-2 gốc. Nếu trồng trong thùng xốp, bạn có thể cắm khoảng 10 gốc (tùy theo kích thước).
Sau khoảng 3-4 ngày cắm cành rau nhút vào đất, rễ sẽ bắt đầu phát triển, 1 tuần sau sẽ ra nhánh mới. 10 ngày sau, ra nhút ra nhiều rễ non thì tiến hành bón phân cho rau. Bạn có thể bón các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân chuồng,….
Khi cây phát triển, hãy làm giàn cho rau bám vào vừa để rau sạch sẽ, tránh tiếp xúc với đất vừa tiết kiệm diện tích và tăng hiệu suất thu hoạch.
Rau nhút trồng trên cạn cần làm giàn cho cây leo, vừa giúp cây phát triển tốt vừa tiết kiệm diện tích.
Khi trồng rau nhút trên cạn, có hai điểm quan trọng cần lưu ý đó chính là đất và tưới nước. Loại rau này phát triển nhanh, ưa nước vì vậy nên trồng trong đất mùn sình nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần phải tưới nước thường xuyên cho rau. Tưới ngày 2 lần vào sáng và chiều tối, tưới đẫm dưới gốc và tưới phun sương lên cành lá.
Sau khoảng 5 tuần, rau có thể thu hoạch được. Khi thu hoạch, hãy hái phần ngọn dài khoảng 20-25cm. Sau khi thu hoạch hãy bón thêm phân cho rau, phần cọng rau nhút còn lại sẽ phân nhiều cọng khác, cho thu hoạch sau này. Ngoài ra, cứ cách 10-15 ngày hãy bón phân cho rau một lần để rau phát triển tốt, cho ngọn non.