Loại rau này phát triển tốt quanh năm, trồng một lần là có thể thu hoạch được nhiều năm, vừa ăn vừa làm thuốc được.
Loại rau này chính là hẹ, hay còn có những tên gọi khác là cửu thái, khởi dương thảo,… Rau hẹ là cây thân thảo, giống một loại cỏ, cao khoảng 20-50cm, tùy vào đất và mùa vụ.
Lá hẹ dài, lá dẹp, đầu lá nhọn. Khi già, cây sẽ ra hoa, thường ra hoa vào tháng 6-8. Hoa hẹ mọc trên một cọng hoa kéo dài hơn so với lá, có màu trắng. Hẹ cũng có quả, bên trong có nhiều hạt màu đen.
Rau hẹ có mùi thơm đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều món ăn như trứng rán hẹ, canh hẹ nấu trứng, hẹ rán bột mì,… hoặc làm rau gia vị rắc lên các món canh, bún, miến, phở thay cho hành.
Không chỉ được dùng nhiều trong ẩm thực, lá hẹ còn là một cây thuốc chữa được nhiều bệnh. Chúng chứa ít calo nhưng là nguồn cung cấp chất xơ, protein, vi chất dinh dưỡng dồi dào. Ngoài ra, trong lá hẹ còn chứa nhiều canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm, đồng, folate, vitamin B và vitamin A và vitamin C…. rất tốt cho sức khỏe. Ăn lá hẹ có thể cải thiện tâm trạng và trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch, giảm biến chứng dị ứng, ngăn ngừa ung thư,…
Trong Đông y, lá hẹ tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương, tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, giải cảm,…
Lá hẹ được bán với giá 25.000 – 35.000 đồng/kg, khá rẻ nên người giàu người nghèo đều mua được. Tuy nhiên, không phải khu chợ nào, lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy hẹ để mua. Vậy tại sao bạn không tự trồng hẹ ngay tại nhà?
Cách trồng và chăm sóc hẹ tại nhà
Rau hẹ rất dễ trồng và ít phải chăm sóc rau phát triển tốt quanh năm, ít sâu bệnh. Có thể trồng bằng cách gieo hạt, bằng thân hoặc rễ củ một lần là có thể thu hoạch nhiều lứa, nhiều năm.
Hẹ trồng được quanh năm. Nếu trồng bằng thân, mỗi bụi bạn hãy tách ra khoảng 3-4 nhánh rồi cấy xuống đất, khoảng cách 15 x 15 cm rồi lấy tay ấn mạnh đất cho chặt. Phủ liếp bằng rơm rạ mục mỏng, tưới nước đủ ẩm.
Với phương pháp trồng bằng hạt, bạn chỉ cần rắc hạt lên mặt đất rồi phủ một lớp đất mỏng lên bề mặt là được. Cẩn thận hơn, bạn có thể ngâm hạt hẹ vào nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong 4-6 giờ rồi gieo vào đất, khi đó tỷ lệ hạt nảy mầm sẽ cao hơn.
Mặc dù rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc, tuy nhiên khi trồng hẹ bạn vẫn nên chú ý tới những điểm sau:
- Đất trồng: Chọn đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, đất thịt pha cát.
- Tưới nước: Nên tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để rau phát triển tốt.
- Bón phân: Rau hẹ không cần quá nhiều phân bón, nhưng trước khi trồng bạn nên bón lót bằng phân chuồng hoai mục, thỉnh thoảng bón thêm phân hữu cơ pha loãng để rau phát triển tươi tốt hơn.
- Làm cỏ, vun gốc: Để rau hẹ sinh trưởng tốt nhất, bạn cần thường xuyên làm cỏ, vun xới giúp đất tơi xốp và hạn chế sâu bệnh. Nếu cây quá dày, cỏ dại mọc chen chúc thì bạn nên nhổ cỏ, tỉa cây để giúp cây phát triển đồng đều.
Sau khoảng 55-60 ngày trồng, bạn có thể thu hoạch lá hẹ đợt một. Hãy dùng kéo hoặc dao sắc cắt ngang thân hẹ và cách gốc 2-3cm để cây tiếp tục phát triển.