Chị Phượng cho biết, khu vườn nhà chị có rất nhiều loại rau, củ, quả. Chị trồng rau theo mùa nên luôn có rau sạch để ăn quanh năm.
“Chiều qua, gái bé theo mẹ lên vườn chơi, chợt nàng ta bảo: ‘Mẹ ơi trên này có cái mùi gì ấy’. Mình hỏi: ‘Mùi gì là mùi gì, thơm hay là hôi? Lúc ấy trong đầu mình đang nghĩ tới thùng phân cá ủ dở để cuối vườn. Nhưng không, nàng ấy bảo: ‘Con thấy cái mùi rất giống khi ở nhà bà nội. À, đúng rồi là mùi bình yên mẹ ạ’.
Trời ơi, ai dạy mà nay nàng ấy cũng văn vẻ dữ. Cơ mà đúng thật, chiều chạng vạng trên vườn thoang thoảng mùi khói bếp quện với mùi sương muối đầu đông. Đúng là cái mùi bình yên của làng quê Bắc Bộ”. Đó là dòng chia sẻ của chị Nguyễn Thị Phượng (37 tuổi, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuy bận rộn với công việc nhưng chị Phượng luôn dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày để chăm sóc vườn rau.
Nhà chị Phượng nằm lọt thỏm giữa làng cốm nên đến mùa chị lại được ngửi thấy mùi nếp thơm thoang thoảng. Bên hàng xóm lại có bác già nấu rượu. Rồi sáng sáng tối tối lên “khu vườn trên mây” ở sân thượng, hít hà cái mùi nếp thơm xen lẫn mùi rượu xộc vào tận mũi, nhìn ngắm những chiếc lá non xanh trong vườn chị Phượng lại cảm thấy bình yên đến lạ. Và, sự bình yên đấy không phải ai cũng có được.
Tận dụng 50m2 sân thượng, mẹ đảm đầu tư 30 triệu để trồng rau
Với mục đích có rau xanh, quả sạch phục vụ những bữa cơm gia đình và bản thân cũng có sở thích làm vườn, đồng thời lấy chỗ để giải trí, cho các con trải nghiệm nên chị Phượng đã xây vườn rau trên sân thượng từ năm 2017. Vườn nhà chị rộng tầm 50-60m2 và chi phí đầu tư khoảng 30 triệu cho giàn chậu, giá kệ và tiền mua đất.
Chị Phượng cho biết, khu vườn nhà chị có rất nhiều loại rau, củ, quả. Chị trồng rau theo mùa nên luôn có rau sạch để ăn quanh năm. Chẳng hạn như mùa hè chị trồng rau mồng tơi, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang… và các loại dưa lê, dưa lưới. Mùa đông có bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, bầu bí, xà lách và các loại rau cải nội, ngoại.
Thậm chí, có vụ mẹ đảm Hà Nội còn thu hoạch được khoảng 60-70kg dưa lưới. Còn tổng mỗi mùa đạt trên 1 tạ dưa các loại. “Mỗi mùa hè tôi trồng được 2 lứa dưa trên sân thượng. Trung bình mỗi lứa có khoảng 40 gốc dưa. Thời gian còn lại là mùa mưa bão nên tôi cho đất nghỉ và chuẩn bị cải tạo để trồng các loại rau quả mùa đông”, chị Phượng chia sẻ.
Tuy nhiên, để có khu vườn mát mắt như hiện tại, chị Phượng cũng trải qua không biết bao khó khăn, thậm chí có lúc nghĩ đến chuyện từ bỏ. Chị kể, trên sân thượng điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. Nhất là vào mùa hè, thời tiết quá nắng nóng làm cho cây cối không thể phát triển được, thậm chí còn chết.
Nhưng sau một thời gian trồng và chăm sóc, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các hội nhóm trên mạng, bà mẹ 8X đã dần tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nên không còn thấy khó khăn nữa.
Khu vườn trên sân thượng nhà chị Phượng có đủ các loại rau phục vụ cho gia đình.
Chị Phượng tiết lộ thêm, trong hành trình xây dựng “khu vườn trên mây” này, chị luôn được chồng ủng hộ và đồng hành. “Cũng may mắn là công việc chăm sóc vườn của tôi được chồng ủng hộ nhiệt tình. Anh luôn phụ giúp mỗi khi tôi phải làm những việc nặng như đảo chậu, thay đất, ủ đất và đặc biệt chính chồng là người đã thiết kế khu vườn thượng này giúp tôi”, mẹ đảm cho hay.
Giàn cà chua trong vụ đông năm nay của nhà chị Phượng.
Mẹ đảm chia sẻ kinh nghiệm trồng rau trên sân thượng
Một trong những nỗi lo của nông dân sân thượng chính là thấm sàn. Chính vì thế, trước khi đi vào sử dụng, để không thấm hỏng sàn thì chị Phượng đã chống thấm rất kỹ. Cụ thể, chị luôn giữ sàn khô thoáng, đồng thời hàn chân kê chậu cao so với mặt sàn tầm 50cm để nước mưa lưu thông tốt, khô nhanh sau mưa. Đồng thời, việc này cũng giúp quá trình vệ sinh, dọn dẹp mặt sàn cũng dễ hơn.
Theo chị Phượng, để rau luôn xanh tươi thì việc quan trọng nhất là trồng đúng loại đúng mùa. Cây cối phù hợp với khí hậu cộng với đủ dinh dưỡng sẽ hạn chế được sâu bệnh, đồng thời sẽ làm cho rau luôn luôn tươi tốt.
Ngoài ra, việc xử lý đất trồng rau ngay từ ban đầu rất quan trọng. Với đất trồng mùa cũ, chị sẽ trộn thêm lân vôi, phân bò, phân gà viên, cám gạo, 1 nắm lân. Với tỷ lệ 50% đất 50% còn lại là phân chuồng các loại và trấu hun. Trộn đất đều, ủ nửa tháng thì thêm phân trùn quế vào trộn đều rồi mới sử dụng.
Mỗi mùa hè chị Phượng thường trồng 2 vụ dưa, cho thu hoạch với số lượng khủng.
Vì trồng rau phục vụ gia đình nên chị thường chọn những loại phân hữu cơ như phân chuồng hoai mục. Ngoài ra, chị còn tự ủ thêm phân cá, phân đậu tương để bón cho rau. Khi rau củ quả bị sâu bệnh tấn công, chị cũng ưu tiên sử dụng các loại thuốc phun phòng dòng vi sinh và các loại dung dịch tự chế như dung dịch gừng tỏi ớt, dung dịch bồ hòn, thuốc lào.
Phân chị Phượng tự ủ để bón cho rau.
Với chị Phượng, khu vườn trên sân thượng là nơi làm việc yêu thích của chị.
“Với tôi, khu vườn không chỉ cung cấp nguồn rau quả sạch cho cả gia đình mà đó còn là chốn thư giãn lý tưởng, giúp xua tan mệt mỏi. Vào cuối tuần, tôi thường cho các con tham gia làm vườn cùng mẹ, để các con được tự tay trồng những loại cây mình thích, được nhổ cỏ, thu hoạch rau trái cùng mẹ. Như vậy vừa có thể để các con thỏa trí tò mò, khám phá thiên nhiên vừa giúp gắn kết tình cảm gia đình”, chị Phượng bày tỏ.