Một lần đầu tư cho vườn sân thượng, chị Bích Ngọc nhận về những thành quả ngoài mong đợi.
Chị Bùi Bích Ngọc (35 tuổi, Hải Phòng) "bén duyên" với công việc làm vườn sân thượng hoàn toàn tình cờ. Trước đây, chị có văn phòng nhỏ về du lịch và vé máy bay nhưng vì tình hình dịch bệnh kéo dài 2 năm, chị chuyển hướng sang kinh doanh đồ ăn handmade và có thêm thời gian ở nhà. Một lần lên sân thượng sửa téc nước bị hỏng, người mẹ đến từ Hải Phòng mới phát hiện ra khoảng không gian rộng lớn mình bỏ trống bấy lâu. Ý tưởng cải tạo sân thượng thành khu vườn trên không cũng vì thế mà ra đời.
"Mình bắt đầu cải tạo sân thượng từ cuối tháng 7. Lý do chính là vì dịch bệnh nên công việc của mình bị tạm dừng hoàn toàn nên cũng có nhiều thời gian hơn. Đến khi thành phố có công văn tạm ngừng hoạt động các quán cà phê, nhà hàng và cả công viên, mình thực sự bí bách và có những suy nghĩ tiêu cực. Sau lần lên sân thượng sửa téc nước, mình muốn cải tạo không gian để các thành viên trong gia đình có thể thư giãn thoải mái mà không phải ra đường", chị Ngọc bộc bạch.
1 tháng vác đất lên sân thượng được khu vườn đẹp như mơ
Ấn tượng đầu tiên về khu vườn sân thượng nhà chị Ngọc là không chỉ xum xuê cây cối mà còn được bày trí vô cùng đẹp mắt, chẳng hề kém cạnh những quán cà phê "chill". Đây cũng là mục đích chính của người mẹ đến từ Hải Phòng - vừa cung cấp rau sạch cho gia đình, vừa tạo không gian vui chơi trong mùa dịch.
Để hoàn thiện khu vườn, chị Ngọc trải qua không ít khó khăn. Vì lối cầu thang lên sân thượng nhỏ hẹp nên mỗi lần chị chỉ bê được một lượng đất và chậu cây nhỏ, mất rất nhiều thời gian lẫn công sức để "tha" đủ số đất lên vườn. Công cuộc chuẩn bị, dọn dẹp kéo dài khoảng 1 tháng mới tạm thành hình. "Làm xong thì mình cũng đen nhẻm đen nhèm luôn", chị Ngọc kể.
Không phụ công người mẹ quê Hải Phòng, không gian sân thượng trước và sau cải tạo hoàn toàn khác biệt làm ai nấy đều xuýt xoa.
Sân thượng nhà chị Ngọc trước và sau khi cải tạo.
Khu vườn rộng 60m2 được chia làm 2 phần: 40m2 trồng các loại rau trái theo mùa và 20m2 có mái che làm không gian thư giãn. Mẹ đảm khéo léo tái chế những vật dụng có sẵn để trang trí vườn và tiết kiệm chi phí. Khu vực nghỉ dưỡng có bộ bàn ghế làm từ chiếc giường cũ của gia đình, một chiếc xích đu vải để các con vui chơi, các chậu cây nhỏ như vạn niên thanh và trầu bà để tạo không gian xanh tươi mát. Gia đình có thể quây quần trò chuyện, tiếp khách hoặc làm việc ngay tại vườn nhà cực "chill".
Toàn cảnh khu vực có mái che rộng 20m2, nhiều cây xanh, được lót thảm cỏ, sàn gỗ và trải sỏi xinh xắn.
Bàn tiếp khách chính là sạp giường cũ được tận dụng.
Xích đu vải là góc vui chơi yêu thích của các con chị Ngọc.
Mỗi góc đều được trang trí và chăm chút tỉ mỉ.
Khu vực không mái che, chị Ngọc sử dụng để trồng hoa, rau gia vị, rau xanh theo mùa và để 1 khu riêng để trồng cây leo giàn như mướp, dứa lưới, dưa chuột,... Nhờ trồng xen kẽ hoa và rau xanh mà khu vườn lúc nào cũng ngập tràn màu sắc. Thời gian đầu, chị Ngọc chủ yếu sử dụng chậu nhựa cho gọn nhẹ nhưng được một thời gian, chị thấy chậu nhựa bị bay màu và dễ bị giòn vỡ. Do đó chị xin gỗ pallet đóng thùng trồng cây, vừa đẹp mắt vừa thân thiện với môi trường.
Vườn nhà chị Ngọc ngập tràn màu sắc với hoa và rau xanh ngát.
Cây được trồng trong thùng gỗ pallet.
"Mình tính toán để các chậu to kê ở khu vực có tường chịu lực, hoặc xà chịu lực và luôn kê gạch để tạo sự thông thoáng thoát nước, tránh các hiện tượng ngấm mái nứt hay mái ảnh hưởng tới nhà", chị Ngọc chia sẻ thêm. Được biết tổng chi phí ban đầu cho các hạng mục trong vườn là 30 triệu đồng.
Các chậu được bố trí cân đối và hợp lý phù hợp giúp giảm lực lên mái nhà.
Trồng cây sân thượng rất khó, cần tập trung bổ sung dinh dưỡng cho cây
Bắt đầu làm vườn từ tháng 7/2021, chị Ngọc "dắt túi" được kha khá kinh nghiệm. Vì lối lên vườn nhỏ hẹp nên chị ưu tiên trồng các hạt giống và cây nhỏ để tiện vận chuyển. Ngoài ra, mẹ đảm Hải Phòng còn tận dụng lá cây rụng, rác nhà bếp ủ hoai mục để tạo đất, tránh mang vác đất lên vườn.
"Trồng cây trên sân thượng rất khó vì đa phần các cây đều cần lượng đất lớn để phát triển. Tuy nhiên đa phần các sân thượng không có lượng đất lớn nên mình cần tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Mình hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, tận dụng nguồn phân rác, vỏ trứng trong quá trình làm bánh và gốc rau, vỏ hoa quả trong sinh hoạt để ngâm ủ tạo ra nguồn phân để bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cho cây. Việc trồng cây luôn bắt đầu từ khi làm đất và ủ đất đây là bước đầu tiên và quan trọng. Cây có được nguồn dinh dưỡng tốt từ khi mới trồng sẽ có sức đề kháng tốt để chống lại sâu bệnh và cho kết quả tốt.
Luân canh đất sẽ giúp vườn luôn có đa dạng các loại cây và cải tạo đất trồng sau mỗi vụ khác nhau. Ví dụ đất trồng cây ăn quả như dưa chuột, cà, dưa lưới sau khi thu hoạch có thể ủ lại và trồng rau, trồng hoa. Sau đó mới luân canh lại trồng vụ sau. Cách làm này cũng giúp vườn luôn rực rỡ và xanh tốt", chị Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó tính kịp thời cũng rất quan trọng. Chị Ngọc cho biết cần kịp thời phát hiện sâu bệnh để tìm cách chữa, bón dinh dưỡng đúng thời điểm. Chẳng hạn như khi cây phát triển lá chồi thì cần nhiều đạm, ra hoa thì cần nhiều lân và khi ra quả thì cần kali.
Chăm sóc đúng cách giúp vườn lúc nào cũng xanh tốt, lúc lỉu cây trái.
Từ sau khi cải tạo vườn, cuộc sống chị Ngọc có những thay đổi tích cực. Bữa ăn gia đình lúc nào cũng có rau củ tươi mới do chính tay mẹ trồng khiến tất cả các thành viên đều hào hứng. Không gian vườn trở thành nơi vui chơi, thử giãn cho cả nhà trong những ngày cuối tuần.
Bữa cơm gia đình trở nên đa dạng với rau củ nhà trồng, tiết kiệm được nhiều chi phí đi chợ.