Nhiều người tin rằng, trồng một chậu cây này trong nhà có thể giúp gia chủ chiêu tài rước lộc. Đặc biệt khi cây nở hoa được cho là biểu tượng của phú quý, giàu sang.
Cây ngọc bích còn gọi là hoàng kim ngọc diệp, cây lá ngọc cành vàng, cây phỉ thủy,... bởi lá có màu xanh ngọc bích, rìa lá vàng, mọng nước trồng tràn đầy sức sống. Ngoài ra, lá có hình dáng tròn xoe như đồng xu nên loại cây cảnh này còn tượng trưng cho tiền bạc, mang ý nghĩa tốt lành.
Nhiều người tin rằng, trồng một chậu cây ngọc bích trong nhà có thể giúp gia chủ chiêu tài rước lộc. Đặc biệt khi cây nở hoa được cho là biểu tượng của phú quý, giàu sang.
Tuy nhiên, khi trồng cây ngọc bích, các vấn đề của nó dần lộ rõ, thậm chí nó còn dần bị nhiều người yêu hoa đưa vào “danh sách đen". Đây là 4 lý do.
1. Cây ngọc bích có xu hướng mọc dài và có hình dáng xấu xí
Nhiều người trồng cây ngọc bích lúc đầu cảm thấy sự phát triển của nó rất thú vị, đặc biệt là những chiếc lá dày và thân cây độc đáo, rất nghệ thuật. Nhưng sau một thời gian, họ thấy cây ngọc bích phát triển quá nhanh, thân dài và mỏng, lá dần xiêu vẹo, toàn bộ cây trông èo uột và thiếu sức sống, mất đi vẻ đẹp mà một cây ngọc bích phải có.
Nguyên nhân chính khiến cây ngọc bích phát triển cành lá quá mức là do không đủ ánh sáng. Nếu để cây ở góc tối trong nhà lâu ngày, cành không những mọc dài ra mà còn khiến lá xỉn màu, mất sức sống.
Ngoài ra, cây ngọc bích mọc cành dài rất khó cắt tỉa. Mà nếu không được cắt tỉa thì hình dáng tổng thể của cây sẽ bị phá hủy. Nhiều người yêu hoa đã bỏ cuộc sau khi gặp phải tình huống này.
2. Cây có khả năng chịu lạnh kém
Mặc dù cây ngọc bích là loại cây chịu hạn tương đối nhưng khả năng chịu lạnh của nó không tốt lắm. Vào mùa đông, khi nhiệt độ giảm nhẹ, cây ngọc bích dễ gặp vấn đề. Nếu nhiệt độ trong nhà không được kiểm soát tốt và dưới 10°C, lá cây sẽ bắt đầu chuyển sang màu vàng và mềm oặt đi. Trường hợp nặng, lá sẽ rụng, thậm chí toàn bộ cây sẽ khô héo.
Để chống lạnh, một số người yêu hoa thích bọc cây ngọc bích bằng màng cách nhiệt hoặc di chuyển nó cạnh các thiết bị sưởi ấm trong nhà, điều này thường gây phản tác dụng. Vì khi đó không khí sẽ không được lưu thông, khiến lá khó thở, thậm chí có thể gây thối rễ.
3. Sâu bệnh khó kiểm soát
Cây ngọc bích trông có vẻ cứng cáp nhưng lại không có khả năng kháng bệnh như tưởng tượng. Trong quá trình sinh trưởng, nó thường bị các loài gây hại như côn trùng vảy và rệp tấn công, đặc biệt là trong môi trường có điều kiện thông gió kém.
Một khi những loài gây hại này xuất hiện, việc kiểm soát chúng sẽ rắc rối hơn. Do lá cây ngọc bích tương đối dày nên khó có thể loại bỏ hoàn toàn sâu bệnh bằng các phương pháp phun thuốc thông thường. Hơn nữa, phun thuốc quá nhiều có thể làm hỏng cây và khiến lá chuyển sang màu vàng hoặc rụng.
Vì vậy, trong quá trình trồng cây ngọc bích, bạn không chỉ phải quan sát cây thường xuyên mà còn cần đảm bảo môi trường thông gió, luôn khô ráo, thoáng mát cho cây. Đây chắc chắn là gánh nặng đối với những người bận rộn.
4. Khó kiểm soát quy mô tăng trưởng của cây ngọc bích
Cây ngọc bích là một loại cây mọng nước. Nếu được chăm sóc đúng cách, nó có thể phát triển thành cây lớn với nhiều nhánh nhỏ trong vài năm. Điều này tưởng chừng như là một ưu điểm nhưng thực tế lại mang đến rất nhiều rắc rối trong việc chăm sóc.
Khi cây ngọc bích lớn lên, nó đòi hỏi ngày càng nhiều không gian. Những chậu cây nhỏ ban đầu được đặt trên bàn có thể sớm trở thành một vật lớn chiếm không gian.
Để kiểm soát kích thước của cây ngọc bích, nhiều người làm vườn cố gắng cắt tỉa hoặc thay chậu cho cây. Tuy nhiên, nếu không đúng cách có thể gây tổn thương rễ và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây.
Hơn nữa, việc di chuyển cây ngọc bích lớn rất bất tiện, đặc biệt đối với những người sống trong các tòa nhà cao tầng. Rất khó để di chuyển nó ra ngoài phơi nắng hoặc thay đổi vị trí. Kết quả là ngọc bích không chỉ mất đi vẻ đẹp trang trí mà còn trở thành gánh nặng.