Một trong những khó khăn, vất vả nhất với những “nông dân sân thượng” đó chính là việc đưa đất lên sân thượng. Nếu người khác mệt một thì có lẽ chị Thu Luy mệt gấp 3, gấp 4 lần, bởi chị còi, chỉ nặng vỏn vẹn 40kg.
“‘Mẹ ơi rau gì? Rau gì mẹ ơi?’. Con đầu lòng của tôi bị tự kỷ nên câu hỏi vốn từ hơi ít. Với những người mẹ khác có lẽ sẽ thấy rất bình thường khi nghe con đặt câu hỏi, nhưng với tôi được nghe những lời đó đã mừng rơi nước mắt rồi. Vì bây giờ, con đã tự chủ động đặt được câu hỏi.
Lên sân thượng gặp cái gì không biết con thỉnh thoảng lại hỏi: ‘Mẹ ơi, quả gì? – À, quả ổi đó con’. Rồi cậu anh lại bảo: ‘Tùng Quân ăn ổi’. Chỉ vậy thôi là lòng mẹ đã vui lắm rồi”. Đó là những dòng tâm sự của chị Thu Luy (sinh năm 1986, hiện sống tại Đà Nẵng).
Thương con khiếm khuyết, mẹ đảm 40kg ngày ngày tha đất lên sân thượng trồng rau
Có lẽ điều hạnh phúc nhất của người làm mẹ chính là con khỏe mạnh, được thấy con vui cười hạnh phúc. Tuy nhiên có phải cứ mong là được, ước là thấy đâu. Thấy con ốm đau bệnh tật, con đau một còn mẹ đau 10, đau gấp trăm ngàn lần, tự dằn vặt bản thân vì để con đau ốm…
Cũng là một người mẹ nên khi thấy con trai đầu lòng sinh ra không may bị khiếm khuyết trí tuệ, chị Thu Luy vô cùng đau đớn và dằn vặt, cảm thấy có lỗi với con. Để bù đắp cho con, mong muốn mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất cũng như mang đến những bữa ăn ngon, đảm bảo cho gia đình mà ngay từ khi xây nhà, chị đã có ý tưởng sẽ làm vườn trên sân thượng.
Chồng chị Thu Luy cũng tán thành với ý tưởng này, cho nên khi xây nhà anh đặc biệt chú ý đến công đoạn chống thấm sàn trên sân thượng. Làm nhà xong cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, chồng chị là bộ đội nên vào ăn ở và làm việc trong đơn vị luôn, còn chị được ưu tiên ở nhà chăm con. Lúc này, có nhiều thời gian hơn nên chị đã bắt tay vào triển khai làm vườn.
Mẹ đảm 8X cho biết, sân thượng nhà chị rộng chừng 80m2. Nhưng nhà sử dụng pin năng lượng mặt trời, nên trừ cả diện tích téc nước, cầu thang ra thì chỉ còn 32m2 để trồng rau. Ngoài ra, chị cũng tận dụng diện tích phía dưới tấm pin mặt trời và các ban công để kê thêm vài thùng trồng rau.
Chia sẻ về chi phí làm vườn, chị Thu Luy chia sẻ rằng chị tốn khoảng 5 triệu tiền vật tư như sắt, dây đan giàn để làm giàn và hàn giá kê chậu. Công thì anh em đồng nghiệp làm giúp. Chậu trồng cây chị chỉ mua một ít, còn lại tận dụng thùng xốp. “Thực ra khi xây nhà, gia đình tôi có ý tưởng làm vườn nên đã chống thấm sàn kỹ rồi. Nhưng sau đó tôi vẫn làm thêm giá kê chậu cao cách sàn 20cm nữa, vừa giúp sàn không bị ẩm ướt vừa dễ quét dọn vệ sinh sàn”, chị Thuy Luy cho hay.
Một trong những khó khăn, vất vả nhất với những “nông dân sân thượng” đó chính là việc đưa đất lên sân thượng. Nếu người khác mệt một thì có lẽ chị Thu Luy mệt gấp 3, gấp 4 lần, bởi chị còi, chỉ nặng vỏn vẹn 40kg.
“Khó khăn lớn nhất của tôi khi làm vườn đó là khâu bê đất ban đầu, vì tôi chỉ nặng 40kg. Mỗi ngày tôi bê lên 1-2 túm đất nhỏ nhỏ tầm 10 kg thôi. Tha dần dần cả năm mới đầy sân thượng như bây giờ. May mắn là khi mua các loại phân và giá thể như xơ dừa, tro trấu thì bên bán hàng giao đến, thấy tôi nhỏ con quá nên bê lên sân thượng giúp tôi luôn. Nhưng cũng may giờ đã qua giai đoạn đó rồi”, chị Thuy Luy cười kể.
Làm vườn có nhiều thứ để con học hỏi, thấy con chủ động hỏi là vui lắm rồi!
Sân thượng nhỏ mà loại nào cũng ưng trồng trên chị Thu Luy bố trí 4 tầng: Một tầng kê giá dưới sàn trồng rau, bắp, cà chua, dưa,...; Một tầng móc giỏ trên lan can trồng xà lách, củ cải; Một tầng móc chậu quanh mặt ngoài của giàn để trồng các loại rau và một tầng là cho bò lên mặt giàn như mướp, bầu, bí,...
Mẹ đảm Đà Nẵng hồ hởi khoe: “Lúc đầu mới làm vườn tôi chỉ trồng những loại cây dễ trồng như rau và bầu, bí, mướp, khổ qua. Rồi dần dần trồng thêm các loại cây ăn trái như cà chua, ổi, táo, sapoche, sung Mỹ, dưa lưới, dưa chuột, dưa hấu...
Hiện tại, vườn nhà tôi có đủ các loại rau như xà lách, cải ngọt, cải cay, cải bó xôi, mùng tơi, rau ngót, rau má, càng cua, diếp cá, các loại rau húng, tía tô, kinh giới, gừng, nghệ, ớt,... Mùa đông thì tôi trồng thêm bắp cải, súp lơ, bắp tím, su hào, củ cải và dâu tây”.
Bên cạnh đó, chị Thu Luy cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm trồng rau chị học hỏi và đúc kết được. Với chị, trồng rau thì khâu trộn đất, xử lý đất là quan trọng nhất. Đất trồng phải đủ tơi xốp, đủ dinh dưỡng và sạch nấm bệnh thì trồng cây mới nhàn nhã được.
Cách trộn đất của chị khá đơn giản, chị chỉ sử dụng 30% đất, 40% các loại giá thể như xơ dừa đã xử lý, trấu hun, trấu tươi, vỏ đậu xay, 30% phân hữu cơ các loại. Sở dĩ chị sử dụng ít đất vậy là để giảm bớt trọng lượng cho mái nhà, đất cũng tơi xốp hơn, như vậy cây trồng cũng dễ phát triển hơn.
Khi trồng rau, sâu bệnh là điều không tránh khỏi. Về vấn đề này, chị Thu Luy dùng dầu neem để phòng ngừa nhện, sâu bọ, dùng dịch tỏi ớt và trộn thêm bột neemcake vào đất để ngừa tuyến trùng. Thỉnh thoảng chị phun phòng sâu bọ cho bây bằng men vi sinh kid, phun phòng bệnh cho cây bằng chế phẩm sinh học IC và BC.
Phân dùng cho vườn chủ yếu là phân dê, phân trùn quế và phân gà. Ngoài ra chị còn tự ủ một số loại phân nước như phân bánh dầu, đỗ tương, chuối, trứng sữa. Bên cạnh đó, chị còn chôn rác nhà bếp vào các chậu để cây tốt hơn, cũng như giảm rác thải ra môi trường.
Chị Thu Luy cho biết, từ khi làm vườn, hai con của chị tương tác với ba mẹ nhiều hơn, bớt xem tivi, điện thoại hẳn. Mỗi ngày chị thường tranh thủ dậy sớm để chăm cây, hái rau rồi xuống lo cho con cái, đưa con đi học rồi đi làm.
Còn việc trồng cây ủ phân sẽ làm vào chiều thứ 7 và chủ nhật, bởi ngày đó các con ở nhà. Chị muốn cho các con cùng làm, giúp con nhận biết các loại rau, biết trồng cây, nhất là bạn lớn. “Ba mẹ con cùng ngồi lột chối, đập trứng ủ phân vui lắm”, mẹ đảm tâm sự.
“Chồng tôi bận nên ít khi lên sân thượng. Thình thoảng anh lên hái rau, hái quả xuống nấu ăn lại trầm trồ: ‘Cà chua sai quả nhỉ, cây táo này nhiều trái thế, để anh đi bọc trái cho, lâu không lên lại thấy xanh tốt quá’. Còn bạn bé nhà mình thì yêu màu tím lắm, nên khi lên sân thượng chỉ đi tìm trái với rau màu tím thôi. Bạn còn nhỏ nên cái gì cũng hỏi: ‘Quả gì vậy mẹ? Mẹ ơi, con thấy màu tím nè’. Cưng ghê!
Nhất là bé lớn, lên vườn có nhiều thứ để con làm lắm. Nhà tôi có hệ thống tưới tự động nhưng tôi hay nhờ con tưới cây giúp. Hôm đầu bạn ấy không chịu đâu nhưng làm 1-2 lần là quen, hôm sau lên lại chủ động nói: ‘Tùng Quân tưới cây mẹ ơi’. Cứ anh hai chủ động hỏi, chủ động làm, thấy các con nô đùa, tươi cười trên sân là vui lắm rồi”, chị Tuy Luy trải lòng.