Không chỉ hái quả ăn mà những cây này còn có tác dụng phong thủy lớn khi trồng trong sân nhà.
Cây mộc hương
Cây mộc hương hay còn gọi là cây quế hoa, là loại cây lâu năm, trồng càng lâu càng có giá trị. Mặc dù mang vẻ ngoài mộc mạc, không rạng rỡ như những loài cây cảnh khác nhưng cây mộc hương lại toát lên vẻ đẹp chất phác riêng, tỏa ra hương thơm nồng nàn nên đã đi vào câu nói của dân gian “Sắc trà hương mộc”. Loại cây này cũng gắn với hình ảnh người Việt cần cù, mộc mạc và không bóng bẩy.
Trong phong thủy, trồng một cây mộc hương trong sân nhà có tác dụng xua đuổi tà khí và những thứ ô uế, mang đến sự bình an, may mắn và tài lộc cho gia chủ. Loại cây này phù hợp với cả 5 mệnh, nhưng phù hợp nhất với người mệnh Kim.
Ngoài ra, cây mộc hương còn nổi tiếng với khả năng điều hòa và thanh lọc không khí, mang đến cho ngôi nhà bầu không khí trong lành, tươi mới. Loại cây này ra hoa quanh năm, tỏa mùi hương ngây ngất giúp thư giãn tinh thần và ngủ ngon hơn. Không những vậy, hoa mộc hương còn có thể dùng để pha trà, làm bánh.
Cây Phật thủ
Loại cây này còn có tên gọi khác là cam phật thủ, là loại cây thân gỗ nhỏ, khi trưởng thành có thể cao đến 2 - 2.5m. Hoa phật thủ có 5 cánh, mọc thành từng chùm, quả có màu xanh, khi chín sẽ chuyển dần sang màu vàng và có hương thơm nhẹ đặc trưng.
Đặc biệt, quả có hình dáng giống như một bàn tay Phật nên mới có tên gọi là Phật thủ. Chính vì vậy, nhiều người thường chọn quả Phật thủ để đặt lên bàn thờ vào ngày mùng 1, ngày Rằm, lễ Tết,... để thể hiện lòng tôn kính của con cháu với người đã khuất, cầu mong cuộc sống bình an cho gia đình.
Trồng một cây Phật thủ trong sân vừa có thể làm cảnh vừa giúp trừ tà khí, mang đến sự tốt lành, yên bình cho cả nhà. Lưu ý, loại cây này ư nắng, có thể trồng trong sân hoặc sân thượng hướng Nam, nhưng vào mùa hè nhớ tránh ánh nắng trực tiếp và tưới nước cẩn thận hơn, bởi cây ưa môi trường ẩm ướt nhưng nếu đất quá ẩm sẽ gây thối rễ.
Cây họ cam, quất
Cây họ cam, quất tương đối dễ trồng, ra hoa quanh năm và cho nhiều quả. Cây quất sinh trưởng nhanh, phân nhiều cành, lá sum suê, xanh tốt quanh năm suốt tháng nên tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ với thời gian. Quả quất hình tròn, căng mọng và có màu vàng cam tượng trưng cho sự viên mãn, đủ đầy.
Ngoài ra theo ngũ hành phong thủy, thân cây tượng trưng cho Kim, lá tượng trưng cho Mộc, quả khi chín tượng trưng cho Hỏa, hoa nở tượng trưng cho Thủy, đất trồng cây quất trong chậu tượng trưng cho Thổ. Vậy nên trồng cây quất trong sân nhà sẽ giúp cân bằng âm dương ngũ hành, đem đến sự bình an, hạnh phúc, tài lộc, may mắn cho gia đình.
Không những vậy, khi cây họ cam, quất ra quả, bạn cũng có thể hái chúng để ăn hoặc chế biến thành những món ăn ngon. Loại cây này còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, thanh lọc không khí, giúp bầu không khí trong lành hơn.
Cây lựu
Không chỉ là loại cây ăn quả, cây lựu còn mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, rất thích hợp để trồng trong sân vườn nhà. Cụ thể, cây lựu tượng trưng cho sự kiên định và vững chãi. Quả lựu đỏ căng mọng tựa như những chiếc đèn lồng mang lại sự may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Trong khi đó, hoa lựu được cho là có thể xua đuổi tà ma, những điều xấu ra khỏi nhà, mang lại cuộc sống ấm no, bình an cho gia đình. Quả lựu có nhiều hạt, tròn trịa nên còn tượng trưng cho tình cảm vợ chồng gắn bó, gia đình viên mãn, đông con nhiều cháu.
Bạn có thể trồng cây lựu trong chậu hoặc trong sân vườn, nhưng cần trồng ở nơi có nhiều ánh sáng, thông thoáng vì đây là loại cây ưa nắng. Bình thường phải chú ý cắt tỉa, tưới nước đúng cách, bón phân đủ để cây ra nhiều hoa và nhiều loại trái hơn.
Cây táo
Quả táo có vị ngọt thanh, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh những giá trị thiết thực đó, trồng cây táo trong nhà còn có thể mang lại may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng cho gia chủ.
Trong tiếng Hán, táo đồng âm với chữ “tảo” (sớm), ngụ ý sớm sinh quý tử. Cho nên, trồng một cây táo tàu trong sân vườn còn có thể giúp gia đình cầu đường con cháu.
Cây táo ưa nắng nên hãy trồng ở những nơi nhiều ánh sáng. Mỗi năm nên bón phân 2 lần để cây ra hoa và kết quả nhiều hơn.