Trong thời gian 14 ngày đầu sau chuyển phôi, trước khi có thể xét nghiệm beta, mẹ có thể chú ý những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi để dự đoán trước kết quả.
Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Đã có rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn biết ơn bác sĩ Robert G. Edwards – cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này được tiến hành thành công từ năm 1978 trong các loại ống nghiệm thông thường, do vậy mới mang tên là thụ tinh trong ống nghiệm.
Các chuyên gia sẽ giúp trứng được thụ tinh bên ngoài cơ thể của người phụ nữ. Cụ thể là trứng được nuôi cấy trong môi trường phòng thí nghiệm với điều kiện đặc biệt. Sau khi trứng thụ tinh và phát triển thành hợp tử, nó lại được đưa trở lại trong cơ thể người mẹ và bắt đầu hành trình mang thai như bình thường.
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn lựa chọn. (Ảnh minh họa)
Tên khoa học của phương pháp này gọi là In vitro fertilisation (viết tắt là IVF). Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, tinh trùng ít, yếu hoặc dị dạng, tinh dịch không có tinh trùng, đã thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần đều thất bại, hiếm muộn không rõ nguyên nhân, người xin trứng hoặc xin tinh trùng.
Chuyển phôi là gì?
Chuyển phôi là bước tiếp theo trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thông thường, chuyển phôi sẽ được thực hiện 48 giờ sau khi trứng và tinh trùng được thụ tinh nhưng hiện nay các bác sĩ cũng có thể trữ phôi đông lạnh và chuyển sau nếu gia đình yêu cầu.
Thường có 2 cách chuyển phôi: dựa theo chu kì tự nhiên hoặc lên chương trình trước với phôi đông lạnh. Đối với những người rụng trứng tự nhiên thì sẽ thực hiện chuyển phôi sau thời điểm rụng trứng 2-3 ngày, phụ thuộc vào tuổi phôi lúc bắt đầu đông lạnh. Đối với chuyển phôi đông lạnh có lên chương trình, bạn sẽ dùng estrogen để ức chế quá trình rụng trứng tự nhiên. Cách này giúp tăng chiều dày lớp nội mạc trong tử cung nơi phôi sẽ làm tổ. Progesterone bơm âm đạo cũng được dùng để hỗ trợ lớp nội mạc này. Bạn sẽ được dùng các loại hormone này trong 2 tuần trước khi bắt đầu chuyển phôi. Dùng progesterone được 4-5 ngày thì sẽ thực hiện quy trình chuyển phôi.
Thông thường, sau chuyển phôi 14 ngày, mẹ mới có thể xét nghiệm beta. (Ảnh minh họa)
Những dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi
Thông thường, sau khi chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ được thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 14 ngày, các bác sĩ sẽ yêu cầu banj làm xét nghiệm máu đo nồng độ hormone beta hCG (thường gọi tắt là đo beta) để xem phôi có làm tổ thành công hay không. Tuy nhiên, bạn có thể chú ý ngay những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi dưới đây để cẩn thận hơn khi chăm sóc bản thân.
1. Bụng dưới có cảm giác đau nhói, nặng bụng
Sau khi chuyển phôi, phôi thai sẽ di chuyển quanh tử cung để tìm chỗ làm tổ. Trong quá trình di chuyển, nó sẽ tiếp tục phân chia các tế bào. Trong một số trường hợp, phôi thai làm tổ trong tử cung sẽ khiến bạn thấy bụng dưới nặng và đau âm ỉ (đau nhẹ). Đây cũng là một trong những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi điển hình nhất. Trong khoảng thời gian này, bạn nên hạn chế đi lại, lên xuống cầu thang hay quan hệ vợ chồng để phôi thai có thể bám chắc vào tử cung.
2. Căng tức ngực
Sau khi chuyển phôi thành công, người phụ nữ sẽ cảm thấy căng tức bên ngực, và thấy ngực càng ngày càng to dần lên theo sự gia tăng kích thước của thai nhi. Nếu chị em quan sát kỹ hơn, có thể quan sát thấy hai bên ngực to không đồng đều, có thể là bên trái to hơn bên phải hoặc ngược lại bên phải to hơn bên trái.
3. Cảm giác nóng trong người vì thân nhiệt tăng lên
Thân nhiệt tăng lên sau khi trứng đã làm tổ thành công là một trong những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi và có thể gặp ở hầu hết phụ nữ mang thai. Nguyên nhân của hiện tượng này là do: sự gia tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể để phục vụ quá trình nuôi dưỡng thai nhi; và sự thay đổi nồng độ hóc môn thời kỳ mang thai.
Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi dễ thấy nhất. (Ảnh minh họa)
4. Cơ thể mệt mỏi
Cơ thể mệt mỏi, bởi nó phải hoạt động mạnh mẽ tăng cường hơn rất nhiều so với lúc chưa mang thai để chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.
5. Ra huyết trắng hoặc ra xuất huyết âm đạo
Lượng hormone cao hơn mức bình thường cũng khiến bạn gặp rắc rối vì âm đạo lúc nào cũng ẩm ướt, khó chịu trong vài ngày đầu. Sau đó, trong quá trình di chuyển để tìm nơi làm tổ, phôi thai có thể gây ra vài tổn thương cho lớp niêm mạc tử cung làm máu ra ở âm đạo. Bạn sẽ thấy một vài giọt máu màu nhạt xuất hiện trong khoảng 1 – 2 ngày.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |