Những phụ nữ bị tử cung 2 sừng liệu có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và nhất là có thể làm IVF được không là thắc mắc của nhiều chị em.
Kết hôn đã 2 năm nay nhưng vợ chồng chị Vũ Thị Thúy, 28 tuổi ở Trương Định, Hà Nội vẫn không thể có thai tự nhiên. Ban đầu vợ chồng trẻ không quá nóng lòng dù cũng rất mong con. Tuy nhiên, sau 1 năm không có tin vui, vợ chồng chị Thúy đã quyết định dắt nhau đi khám hiến muộn.
Khi nhận kết quả, chị Thúy mới ngã ngửa vì mình bị tắc một bên vòi trứng và bị tử cung 2 sừng. Đây chính là nguyên nhân khiến 2 năm qua vợ chồng chị bị muộn con.
Nhiều vợ chồng bị hiếm muộn vì có tử cung hình trái tim hay còn gọi tử cung 2 sừng. (Ảnh minh họa)
Để tìm con yêu, vợ chồng này đang cân nhắc đến biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng còn băn khoăn bị tử cung 2 sừng thì có thể làm IVF không và cần phải lưu ý những gì?
(Vũ Thị Thúy, Trương Định, Hà Nội)
Bác sĩ trả lời:
BS. Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, tử cung hai sừng còn được gọi là tử cung hình trái tim, là một dị tật bẩm sinh xảy ra ở khoảng 3% phụ nữ. Hiện tượng này biểu hiện ở tình trạng hai bên tử cung có phần nhô lên giống như sừng và trong lòng tử cung có một vách ngăn.
Tử cung là nơi thai nhi phát triển trong suốt thời gian thai kỳ và cũng là nơi nhau thai bám vào hấp thụ dưỡng chất từ mẹ. Tử cung hai sừng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của phụ nữ.
Ở những chị em bị dị tật này vì có tử cung hai sừng nên thể tích buồng tử cung nhỏ hơn bình thường, khó thụ thai. Thậm chí khi có thai dễ gặp các biến chứng sản khoa khác như: sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm, thai nhẹ cân, chậm phát triển, sản phụ khó sinh thường,… Hiện chưa có phương pháp ngăn ngừa dị tật này và cũng không thể điều trị bằng thuốc.
Khi có tử cung 2 sừng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên thông thường chị em chỉ phát hiện bất thường này khi đi khám phụ khoa hoặc khi mang thai. Tuy nhiên, số ít chị em có tử cung hai sừng có thể gặp phải một số triệu chứng như: Đau bụng, khó chịu trong những ngày rụng trứng; Đau dữ dội khi có kinh nguyệt; Chảy máu âm đạo bất thường; Đau khi giao hợp; Sảy thai nhiều lần....
Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. (Ảnh: BSCC)
Ở trường hợp của chị Thúy kể trên không chỉ bị tử cung hai sừng mà còn tắc một bên vòi trứng. Vì vậy, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng là phương pháp nên lựa chọn.
Tuy nhiên, do tử cung hai sừng có nhiều mức độ khác nhau nên tùy từng trường hợp cụ thể mà bệnh nhân khi đi khám sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Về quy trình thực hiện IVF hay chuyển phôi vào tử cung hai sừng cũng giống như quy trình làm IVF/chuyển phôi thông thường khác, tỉ lệ đậu thai như nhau. Chỉ khác là, sau khi có thai và thai lớn thì tỉ lệ sảy thai sẽ cao hơn những thai có tử cung bình thường khác.
Nói chung để biết rõ tình hình sức khỏe sinh sản cụ thể của bản thân hoặc nếu phát hiện triệu chứng cảnh báo tử cung hai sừng, chị em nên đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán chính xác, đưa ra phương án điều trị thích hợp, kịp thời.