Vốn về quê với mục đích khuân nồi thịt kho tàu của mẹ mang đi, nhưng không ngờ chị Hòa lại trúng ngay tiếng sét ái tình của anh chàng Tây đang đến chơi nhà mình.
Rất nhiều người thường nghi ngờ, và thậm chí không tin vào tình yêu sét đánh. Họ cho rằng tình yêu sét đánh đến nhanh nhưng cũng đi vội. Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều cặp đôi bắt đầu bằng tình yêu sét đánh và đã bên nhau dài lâu.
Nồi thịt kho của mẹ - Sự sắp đặt của duyên số từ cái nhìn đầu tiên
Nói câu chuyện tình yêu của chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1984, quê Nghệ An) bén duyên từ nồi thịt kho tàu của mẹ chị cũng có phần đúng. Bởi, nhờ nồi thịt kho đó mà chị gặp gỡ và tìm thấy một nửa của đời mình. Đó chính là anh Martin Knöfel (sinh năm 1984, người Đức, hiện đang là kỹ sư xây dựng).
Chị Hòa đã theo chồng sang Thụy Sĩ hơn 10 năm.
Bồi hồi nhớ về hơn 15 năm về trước, chị Hòa cho biết anh chị gặp nhau lần đầu tại nhà chị vào năm 2007, khi cả hai là sinh viên. Anh Martin vốn là bạn của anh rể chị. Trong lần về Việt Nam du lịch, anh đã ghé chơi nhà chị và hai người đã gặp nhau.
“Tôi còn nhớ dịp đó là ngày lễ 30/4 - 1/5, mẹ hỏi có về nhà không thì tôi bảo không về vì muốn ở lại chơi với đám bạn. Mẹ bảo thêm: ‘Về nhà đi, nhà mình có ông Tây đến chơi, về mà luyện nói tiếng Anh. Mẹ có nấu cho nồi thịt kho tàu rồi, về lấy mà mang đi. Nghe lời mẹ, tôi bắt xe về quê, với mục đích chính là nồi thịt kho tàu của mẹ chứ không phải là ông Tây”, chị Hòa bật cười kể lại.
Thế nhưng vừa xuống xe, chị đã trúng ngay tiếng sét ái tình với anh Martin. “Tôi đứng hình mất mấy giây vì độ đẹp trai của anh”, chị Hòa nói.
Anh Martin - tình yêu sét đánh và hiện tại là chồng chị Hòa.
Vì ngại ngùng, chị chỉ kịp gật đầu thay cho lời chào rồi phi thẳng vào nhà bếp “trốn”, vài tiếng sau cũng chẳng dám lên nhà nói chuyện với anh, khiến anh phải đi xuống. Chị kể, lúc đầu anh xuống xin nước để pha café, lần sau lại xuống xin sữa.
Lúc đầu chỉ xuống tầm 15 phút, nhưng lần sau thời gian tăng dần lên 30 phút và sau đó anh đứng nói chuyện với chị cả tiếng đồng hồ. Sau này chị mới biết, anh cũng “say” chị ngay lần chạm mặt đầu tiên rồi.
Tình cảm dành cho nhau lớn dần qua chiếc điện thoại “cục gạch”
Sau khi ở Việt Nam 10 ngày, anh Martin quay lại Đức, còn chị Hòa quay lại giảng đường, rồi chị quên luôn cuộc gặp đó. Những tưởng sự rung động đầu đời cứ thế mà tan biến luôn theo chuyến bay về nước của anh Martin, nhưng sau đó tình cảm của cả hai lại lớn dần lên qua những dòng tin nhắn.
8X kể lại: “Hồi đó tôi được bố mua cho chiếc điện thoại cục gạch. Lúc rời đi anh có xin số điện thoại của tôi. Sau khi về Đức 10 ngày, anh gửi cho tôi tin nhắn đầu tiên, rồi cứ 1 tuần anh lại gửi cho tôi 1 tin nhắn. Sau đó số tin nhắn gửi đến tăng dần lên, từ 1 tuần 1 tin nhắn lên 1 ngày 1 tin nhắn, 1 ngày 2-3 tin nhắn,… Cứ như vậy, chúng tôi yêu nhau khi nào không hay”.
Một năm sau, anh Martin quay về Việt Nam, lúc này chị đã là giáo viên còn anh vẫn là chàng sinh viên. Lần này, anh ở Việt Nam 2 tuần, sáng chở chị đi dạy, chiều lại đón chị về. Rồi, anh lại quay về Đức.
Mặc dù hai người sống hai nơi, mang hai quốc tịch khác nhau, có nhiều điểm khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ nhưng gia đình chị Hòa và anh Martin đều ủng hộ tình yêu của anh chị. “Gia đình tôi thì biết anh rồi, gia đình anh thì rất cởi mở, nên ủng hộ cuộc hôn nhân của chúng tôi”, chị Hòa chia sẻ.
Đến năm 2008, cả hai nên duyên vợ chồng. Lúc ấy chị vẫn ở Việt Nam đi dạy, bởi khi đó anh Martin vẫn còn là sinh viên, không có khả năng để đón chị qua. Sau khi tốt nghiệp, anh sang Thụy Sĩ đi làm. Hết 3 tháng thử việc, anh đón chị qua.
8X một mình theo chồng sang Thụy Sĩ
Đó là một ngày vào mùa hè năm 2010, chị Hòa xách vali một mình rời Việt Nam sang Thụy Sĩ. Ở sân bay bên kia, anh Martin đã chờ đón chị.
Anh chị sống trong một căn hộ đi thuê, cả nhà chẳng có gì ngoài chiếc nệm chỏng chơ nằm giữa nền nhà, trên giá bếp có vài bộ chén bát cùng một chiếc nồi cơm điện. Cả gia tài của anh chị là chiếc xe đạp anh Martin dùng để đi làm mỗi ngày.
Chị Hòa chia sẻ, tuần đầu sang đây anh Martin đã xin nghỉ ở nhà với chị. Sau 2 tuần, anh bảo chị đi học tiếng Đức, vì ở đây nếu không biết nói tiếng Đức thì rất khó khăn.
8X bộc bạch: “Trước ở Việt Nam, công việc hàng ngày có bố mẹ đỡ đần, gặp khó khăn gì đều có thể chia sẻ với bố mẹ. Còn sang đây, không công ăn việc làm, không anh em họ hàng,… khiến tôi rất stress và chán nản, thậm chí nhiều lần muốn bỏ về Việt Nam.
Rào cản lớn nhất của tôi khi sang Thụy Sĩ chính là ngôn ngữ. Thời gian đầu sang đây, đi đâu tôi cũng sợ, sợ người ta nói mình không hiểu, sợ đi lạc, sợ đi nhầm tàu,… mà ở Thụy Sĩ, người ta nói đến 4 thứ tiếng lận”.
Tuy nhiên học được một thời gian, thương chồng gồng gánh kinh tế vất vả nên chị muốn vừa đi học vừa đi làm để giảm bớt gánh nặng cho chồng. Song, anh Martin nhất quyết không chịu, bởi điều quan trọng nhất đối với anh lúc đó là chị phải thông thạo ngôn ngữ trước đã.
Sau đó, anh xin cho chị đi thực tập ở nhà trẻ, vì khi tiếp xúc với trẻ em tiếng Đức của chị cải thiện nhanh hơn. Rồi cứ như vậy, nửa buổi chị đi học tiếng Đức, nửa buổi sau đi thực tập ở nhà trẻ, về nhà lo cơm nước cho chồng.
Chàng rể Tây và bố vợ Việt.
Sau hai năm, chị Hòa lấy được tấm bằng C1 và tiếp tục học lên C2. Đồng thời, chị cũng chọn học Y, khoa chỉnh hình và phục hồi chức năng.
“Chương trình học rất khó vì tôi phải học bằng tiếng Đức và tiếng Latinh. Áp lực học hành, áp lực kinh tế, cộng thêm việc phải thường xuyên đi thực tập ở viện, có những lúc về khuya, tôi mệt xỉu đi, tính tình trở nên cáu gắt hơn và hai vợ chồng bắt đầu có những cuộc cãi vã. Tôi đòi bỏ học và rơi vào trầm cảm”, chị Hòa bùi ngùi nhớ lại.
Nhưng may mắn thay, chị luôn được chồng ở bên cạnh động viên, an ủi. Từ ngày chị đi học Y, anh đã làm hết tất cả việc trong nhà để chị toàn tâm toàn ý cho việc học. Khi chị tuyệt vọng, mất phương hướng, chính anh đã khích lệ chị: “Cố lên một chút nữa thôi, mình sắp về đích rồi”.
Vào cuối tuần, anh Martin lại ngồi học cùng chị. Đến năm 2017 khi đến kỳ tốt nghiệp, anh còn nghỉ hẳn 4 tuần để ở nhà ôn thi với chị. Và rồi, sự chăm chỉ và cố gắng không ngừng nghỉ cũng được đền đáp. Chị tốt nghiệp, trở thành một nữ kỹ thuật viên chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Nàng dâu Việt được nhà chồng yêu thương.
Ngay sau khi tốt nghiệp, chị đi làm ngay, gánh nặng trên vai anh Martin như vơi đi một nửa. Tháng lương đầu tiên, cô vợ Việt đã mua tặng chồng một chiếc điện thoại mới. Sau đó chị còn gửi tiền về quê cho bố mẹ xây nhà, rồi hai vợ chồng mua nhà, mua đất.
Về phía gia đình nhà chồng, chị Hòa cho biết họ sống ở Đức, tình cảm nàng dâu và nhà chồng rất tốt. Tuần nào ông bà cũng gọi điện hỏi thăm, dạy chị cách nấu những món Tây. Cứ đến dịp sinh nhật của chị, bố mẹ chồng sẽ lái xe gần 1.000km từ Đức qua Thụy Sĩ dự sinh nhật.
Về phía chàng rể Tây và bố mẹ vợ, anh Martin cũng không bị rào cản ngôn ngữ làm cho mối quan hệ này xa cách. Bởi anh Martin rất thông thạo tiếng Việt, anh có thể “chém gió” với bố mẹ vợ sành sỏi như người Việt. Và vì anh hiểu tiếng mẹ đẻ của chị Hòa, nên mỗi lần nói chuyện với anh, chị đều nói tiếng quê hương.
Sau đoạn đường chông gai đã trải qua, chị Hòa nói: “Hiện tại tôi có sự nghiệp khá thành công, hạnh phúc với tình yêu và vui vẻ trong cuộc sống. Vì vậy tôi mong cho những ai đang ở trong bóng tối, những ai đang ở cuối con đường, những ai đang đau khổ, những ai đang tuyệt vọng, sẽ chân cứng đá mềm và đi về phía trước. Ánh sáng đang ở phía trước, chúc cho bạn tìm thấy con đường”.