Mặc dù đã trôi qua 7 năm nhưng khi được “đào” lại, phát ngôn của anh chàng 9X nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận.
Trong những ngày gần đây, mạng xã hội bất ngờ xôn xao trước màn “đấu khẩu” của cặp đôi Dương Minh Đức (quê Thái Bình, chiến sĩ công an nhân dân) – Hoàng Thúy Lợi (TP.HCM, nhân viên kinh doanh) trong chương trình Bạn muốn hẹn hò cách đây 7 năm.
Khi tấm màn chương trình được kéo lên, Minh Đức nhận thấy Thúy Lợi khá hợp với tính cách của anh bởi anh thích “những cô gái có thể tranh cãi mọi lúc, mọi nơi”. Về phía Thúy Lợi, cô nàng cá tính cũng thẳng thắn đưa ra những “yêu sách” để “thăm dò” đối phương.
Cụ thể khi đối phương thừa nhận “ít khi rửa bát”, Thúy Lợi liền vặn hỏi ngược lại: “Ví dụ như anh và em lấy nhau về thì sao? Anh bắt vợ rửa bát hả? Theo em nghĩ thì phải chia ra mỗi người một công việc chứ?”.
Không cần suy nghĩ nhiều, Minh Đức thẳng thắn đưa ra câu trả lời: “Em cứ suy nghĩ lại là, lúc em rửa bát cho chồng thì em sẽ rất vui. Tại vì sao? Em rửa bát thì chồng ăn cơm với em ở nhà. Đúng không? Còn nếu em để chồng rửa bát thì anh ta ra ngoài nhậu cũng được, có sao đâu. Ngoài thiếu gì người rửa”.
Phát ngôn hứng trọn "gạch đá" của Minh Đức.
Mặc dù đã trôi qua 7 năm nhưng khi được “đào” lại, phát ngôn của anh chàng 9X nhanh chóng nhận đông đảo sự thu hút của dư luận. Đáng nói, đa số mọi người đều ném “gạch đá” về phía anh chàng, thậm chí cho rằng anh ta “xứng đáng ế tới già”.
Một số người bình luận: “Anh nên ở giá, trong trường hợp này đó là làm việc thiện”, “Người rửa bát, người phơi đồ. Người quét nhà người nấu cơm... không sống được như thế thì tốt nhất nên ế tiếp đi”, “Lấy chồng về để có người nương tựa chứ lấy chồng về để thêm chức làm mẹ, làm osin thì thôi. Chào anh, em sống vậy cho nhàn cái thây”,…
Không rõ Minh Đức nói câu này để “tấu hài”, tạo không khí vui vẻ cho chương trình hay là lời nói thật lòng. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có không ít người đàn ông mang suy nghĩ này khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Họ cho rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tức là chồng chỉ cần làm những công to việc lớn, lo làm ăn kiếm tiền về cho gia đình, còn phụ nữ sẽ phụ trách việc bếp núc, nhà cửa, chăm sóc con cái,… Nhưng trong xã hội hiện đại, quan niệm này đã không còn phù hợp nữa.
Không ít anh chồng mặc định việc nhà là việc của vợ nên không động tay động chân làm gì. (Ảnh minh họa)
Ngày nay rất nhiều chị em phụ nữ đi làm, kiếm ra tiền chẳng thua kém gì đấng mày râu. Cả hai vợ chồng cùng đi làm, lo kinh tế, nhưng về nhà chỉ có mỗi mình phụ nữ phải đi chợ, nấu cơm, rửa bát,… điều này thật không công bằng. Tại sao chỉ đàn bà “xây tổ ấm” mà đàn ông lại không?
Luật Bình đẳng giới đưa ra định nghĩa: "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó".
Như vậy nam giới cũng cần có trách nhiệm "xây tổ ấm", còn người phụ nữ cũng cần có trách nhiệm "xây nhà". Không ai có đặc quyền và nghĩa vụ chỉ làm cái này mà không làm cái kia, mỗi người đều phải cùng nhau "xây nhà" và "xây tổ ấm".
Vợ chồng cùng nhau làm việc nhà sẽ ngày càng hiểu nhau hơn, hôn nhân vững bền. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, khi hai vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà thì cả hai sẽ có nhiều thời gian gắn bó với nhau hơn, hiểu nhau hơn và từ đó phần nào giảm bớt cãi vã. Còn nếu việc nhà chỉ nghiêng về một phía, vợ đi làm về thì đầu tắt mặt tối trong bếp, dọn nhà rồi chăm con trong khi đó chồng lại ngồi chờ ăn, ăn xong rồi nằm thì chắc rằng hiếm người phụ nữ nào có thể chịu nổi cảnh này. Theo thời gian, những cuộc tranh cãi giữa vợ và chồng sẽ tăng lên nếu người chồng không chịu thay đổi, thậm chí hôn nhân cũng bị đẩy đến bên bờ vực đổ vỡ.
Tuy nhiên một số anh chồng “bào chữa” rằng anh ta không biết làm việc nhà, không giỏi chăm con. Thực ra chẳng ai sinh ra đã biết làm cả, không biết thì học thôi. Rửa bát lần đầu chưa sạch thì rửa lần 2, lần 3 ắt sẽ sạch; không nấu được những món cầu kì các anh có thể học những món đơn giản như thịt luộc, trứng rán,… Quan trọng nhất vẫn là cái ý thức, chứ cứ viện cớ không biết làm, nấu không ngon để “trốn” việc nhà, không san sẻ với vợ thì hôn nhân khó bền lâu được.