Yên Tử trước hết là một danh sơn độc đáo của Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các vị hoàng đế anh hùng và các thiền sư ngộ đạo.
Vẻ đẹp Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa quyện với nét cổ kính của hệ thống am, chùa, tháp, tượng được bố trí theo hai trục dọc ngang, cắt nhau ở chùa Hoa Yên. Đường lên Yên Tử bao quanh bởi những con đường Tùng, Thông, Đại, Trúc, Mai thật đẹp.
Từ một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, Yên Tử được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu trì và phát triển dòng Thiền thuần Việt từ thế kỷ XIII.
Trên đỉnh núi thiêng Yên Tử còn có một khu di tích lịch sử với những ngôi chùa và tháp cổ cùng rừng cây cổ thụ lâu đời.
Người dân từ lâu vẫn truyền tai nhau: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”.
Ở chênh vênh trên độ cao 1.068 m, chùa Đồng là điểm đến cao nhất trong quần thể khu di tích Trúc Lâm Yên Tử, nơi đây sẽ là một nơi thách thức lòng kiên trì của các thiện nam tín nữ và sự thành tâm của các du khách vãn cảnh có mong muốn được nghe ba hồi chuông giữa lưng chừng trời xanh.
Đứng cạnh chùa Đồng trên đỉnh Non thiêng nhìn mây trời bao la, núi non hùng vĩ, trùng điệp…và nghe gió ngàn lồng lộng thổi. Lòng người như cảm thấy phiêu diêu, nhẹ nhàng, thanh thoát…và chợt nghĩ về thời xa xưa cách đây hơn 700 năm, có một vị vua đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để lên đây tu hành đắc đạo mà lòng vô vàn kính phục.
Dõi mắt nhìn quanh, núi non đất nước thu trọn vào tầm mắt
Suối Giải oan, nơi đây cách nay hơn bảy trăm năm Vua Trần Nhân Tông đã dừng lại để cởi bỏ bụi trần trước khi bước vào cõi tu hành nơi cửa Phật. Đây cũng là nơi hàng trăm cung nữ đã trẫm mình để tỏ lòng trung thành với nhà vua khi Ngài từ bỏ ngôi báu, chọn con đường tu hành.
Người dân ở đây cho biết, trước đây quanh năm con suối đầy nước và nước rất trong. Người hành hương về đất Phật Yên Tử trong mùa lễ hội vẫn có thói quen tâm linh là vốc nước suối lên rửa mặt hoặc uống, để tẩy rửa oan khuất, rũ bụi trần.